20/04/2024 lúc 05:52 (GMT+7)
Breaking News

Xuất khẩu tôm có chuyển biến tích cực trong lúc dịch bệnh

VNHN - Sau một thời gian tăng trưởng đều, năm 2019 giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu tôm năm 2020 đang khá sáng sủa nhờ những tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn và một số thị trường mới nổi.

VNHN - Sau một thời gian tăng trưởng đều, năm 2019 giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu tôm năm 2020 đang khá sáng sủa nhờ những tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn và một số thị trường mới nổi.

Năm 2019, xuất khẩu tôm có nhiều biến động do những nguyên nhân khác nhau: sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước tăng khiến giá tôm tại nhiều thị trường nhập khẩu hạ thấp hơn so với trước đây. Mặt khác, một số thị trường, trong đó có Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc hàng nhập khẩu và những tác động do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến cho xuất khẩu nông sản của nước ta nói chung, xuất khẩu tôm nói riêng gặp khó khăn, lên xuống thất thường.

Điều này được thể hiện rất rõ ở một số thị trường chủ lực: Trước hết là thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) vốn chiếm tới 20,6% tổng giá trị tôm xuất khẩu của Việt Nam, nhưng cả năm 2019, xuất khẩu tôm sang thị trường này chỉ đạt 696,2 triệu USD, giảm 16,9% so với năm 2018. Cũng theo xu hướng giảm là Nhật Bản, xuất khẩu tôm sang thị trường này năm 2019 đạt 618,6 triệu USD, giảm 3,3% so với năm 2018.

Cơ sở ươm giống tôm tại Công ty TNHH Việt Úc (huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định).

Trong khi đó ở chiều ngược lại, một số thị trường lại tăng lượng nhập khẩu tôm Việt Nam trong năm 2019. Điển hình là thị trường đứng thứ hai về nhập khẩu tôm Việt Nam là Mỹ. Cả năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 653,9 triệu USD, tăng 2,5% so với năm 2018. Mặc dù mức tăng trưởng chưa cao nhưng tôm Việt Nam sang Mỹ duy trì được giá trị xuất khẩu ổn định hơn so với năm 2018.

Điều đáng nói là trong năm 2019, một số thị trường mới nổi đã tăng cường nhập khẩu tôm Việt Nam với mức tăng trưởng rất cao như Ô-xtrây-li-a. Đây là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ bảy của Việt Nam, chiếm 3,8% tổng giá trị tôm xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ tháng 4-2019 đến hết năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Ô-xtrây-li-a liên tục tăng, trong đó tăng mạnh nhất 56% trong tháng 7, tăng 45% trong tháng 11 và ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong tốp 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.

Tính cả năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Ô-xtrây-li-a đạt khoảng 121 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2018. Theo dự báo, năm 2020, thị trường tôm trong nước và quốc tế sẽ có nhiều biến động với những tác động không nhỏ đến tăng trưởng của ngành xuất khẩu tôm Việt Nam. Điều đáng nói là những biến động này được cho sẽ tạo ra các tín hiệu lạc quan hơn năm 2019 vừa qua, dựa trên sự phân tích cụ thể từ những thị trường chủ lực như đã nói. Tại EU, Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này.

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 đến 20% xuống 0%, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau bảy năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. So với các nước khác, Việt Nam có lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu khi tôm sú được giảm từ mức ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái-lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%.

Khu vực EU có thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng, phân khúc thị trường cao cấp rộng, đủ dư địa cho doanh nghiệp tôm Việt Nam lựa chọn các hệ thống phân phối thủy sản vừa tầm cung ứng của mình. Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, trong tháng 8-2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%, mở ra nhiều cơ hội tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.

Ngoài hai thị trường lớn này, dự báo một thị trường nhập khẩu tôm lớn khác của Việt Nam là Nhật Bản cũng sẽ tăng với sự kiện Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản, nhất là tôm cho nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu tôm.

Với Trung Quốc, hiện từ 75 đến 80% hàng thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch là yếu tố quan trọng giúp cho việc hồi phục và tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường này trong thời gian tới, trước mắt là năm 2020 này. Ngoài ra, một số thị trường mới nổi gần đây như Ô-xtrây-li-a được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tôm Việt Nam như năm 2019 cũng sẽ góp phần làm cho bức tranh của ngành chế biến và xuất khẩu tôm khởi sắc hơn.