20/04/2024 lúc 18:50 (GMT+7)
Breaking News

“Xu thế ảo hóa”: Từ góc nhìn quản lý nhà nước

VNHN - “Ảo hóa” là xu thế mới xuất hiện vào thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN4.0). Nếu như trước đây người ta chỉ biết đến phạm trù “ảo” theo nghĩa hẹp, thì ngày nay khái niệm “ảo” đã được mở rộng nội hàm ở mức gần như không giới hạn, bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

VNHN - “Ảo hóa” là xu thế mới xuất hiện vào thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN4.0). Nếu như trước đây người ta chỉ biết đến phạm trù “ảo” theo nghĩa hẹp, thì ngày nay khái niệm “ảo” đã được mở rộng nội hàm ở mức gần như không giới hạn, bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. “Thế giới của chúng ta đang có sự chuyển dịch vĩ đại là chuyển dịch toàn bộ thế giới thực vào thế giới ảo” (1). Vì thế, giới nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm.

Ảnh minh họa 

Nắm bắt công nghệ thực tế ảo

Thực tế ảo (VR), là thuật ngữ miêu tả môi trường mô phỏng bằng máy tính, hình ảnh hiển thị trên màn hình thông qua kính nhìn ba chiều, cùng với các giác quan khác như âm thanh, xúc giác... Thực tế ảo tăng cường (AR) là cụm từ mô tả trạng thái vật lý xung quanh con người và được chèn thêm các chi tiết ảo nhờ vào smartphone, máy tính hay thiết bị điện tử khác, với các nhiệm vụ cơ bản, riêng biệt và kết hợp đầu ra một cách hữu ích. Công nghệ mới này đang nhanh chóng đi sâu vào đời sống xã hội như một tất yếu khách quan, khiến cho “ảo hóa” trở thành một xu thế mà con người đặc biệt quan tâm.

Chiếc kính VR đầu tiên được phát triển vào những năm 1960 của thế kỷ trước (2). Tuy nhiên, phải đến những năm 1990 VR được định hình rõ nét hơn và phát triển mạnh mẽ trong mấy năm gần đây, nhất là ở Mỹ, châu Âu và một số nước trên thế giới. VR đã và đang trở thành công nghệ mũi nhọn nhờ khả năng ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực và tiềm năng kinh tế cao, nhất là tính lưỡng dụng (dân sự, quân sự).

VR là một hệ thống mô phỏng trong đó đồ họa máy tính được sử dụng để tạo ra một thế giới “như thật”. Thế giới “nhân tạo” này lại phản ứng, thay đổi theo ý muốn của người sử dụng (3). Đặc tính quan trọng nhất của VR là tương tác thời gian thực. Tức là khả năng nhận biết thế giới thực gần trùng khít với thế giới ảo, thậm chí AR còn phong phú hơn.

Hệ thống VR có 5 thành phần: Phần mềm (SW), phần cứng (HW), mạng liên kết, người dùng, các ứng dụng. Trong đó, SW, HW và các ứng dụng là quan trọng nhất. Phần mềm luôn là linh hồn của VR và của hệ thống máy tính, vì nó có thể dùng bất cứ ngôn ngữ lập trình hay phần mềm đồ họa nào để mô hình hóa, mô phỏng các đối tượng của VR. Phần cứng gồm máy tính với cấu hình đồ họa mạnh, cùng các thiết bị đầu vào và đầu ra (4).

Năm 2019, công nghệ VR được xác định hướng phát triển ứng dụng ưu tiên 4 lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, du lịch, quảng cáo và bán hàng. Trong đó hơn 50% ứng dụng dành cho lĩnh vực thị trường. Điều đó cho thấy công nghệ VR và AR đã có chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế số, trong thời đại CMCN4.0.

Tính đa năng trong ứng dụng công nghệ 

Công nghệ VR và AR được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, địa ốc, kiến trúc, giải trí, du lịch, giáo dục, dịch vụ, tài chính, thương mại, quân sự, quốc phòng, an ninh… VR và AR đang trở thành công cụ chính trong hoạt động kinh tế, thương mại của các doanh nghiệp. Theo đó, người tiêu dùng mua sắm hàng hóa ngày càng có xu hướng sử dụng công nghệ ảo để đưa ra các quyết định ngay tại nhà hoặc trên thiết bị di động.

Dịch vụ giao hàng tại nhà bằng máy bay không người lái đã và đang được nhiều nước đưa vào ứng dụng, thử nghiệm; việc can thiệp của người tiêu dùng vào quá trình sản xuất cũng được thực hiện thông qua phương tiện giao dịch ảo. Trong lĩnh vực sản xuất để giảm lỗi trong quy trình phay kim loại tự động, nhờ kết nối 5G (thử nghiệm) đã giảm bớt sai sót từ 25% xuống còn 15%, thậm chí máy có thể dừng trước khi xảy ra lỗi (5)…

Hãng nội thất ikea đã dùng công nghệ AR cho khách trải nghiệm và mua hàng. Theo đó, khách hàng được “chạm và cảm nhận”, người tiêu dùng được tương tác với sản phẩm, thậm chí hơn cả trong cửa hàng thật. Khiến người tiêu dùng thỏa mãn hơn khi tiếp nhận “thông tin số”, tính hữu ích thể hiện ở chỗ họ có thể truy cập ngay cả lúc đang di chuyển.

VR và AR còn giúp khách hàng có thể đi xung quanh chiếc ô tô mình định mua, hoặc đặt đồ nội thất vào các không gian trong nhà của họ. Phương thức quảng cáo này là một mốc quan trọng trong việc thuyết phục khách hàng rằng, hàng hóa mà họ định mua là rất phù hợp với sự mong đợi. Việc bán xe hơi bằng công nghệ VR cũng đã chứng minh sự quan trọng của công nghệ trong thương mại điện tử. Sự sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ giúp cải tiến và thúc đẩy quá trình bán hàng online được hấp dẫn và hiệu quả hơn. Phương tiện tự lái với sự trợ giúp của VR, 5G sẽ cách mạng hóa thị trường giao thông vận tải. Theo đó, các đội xe tải tự động lái, đội vận tải chuyển hàng “ảo” được kết nối với nhau, làm gia tăng hiệu quả của công tác vận chuyển, nhất là logictíc.

Ở Việt Nam, việc ứng dụng VR và AR trong một số lĩnh vực cũng đã xuất hiện như: đào tạo, huấn luyện, dạy nghề; phẫu thuật thông qua màn hình; giảng dạy từ xa, đào tạo lái xe; trong ngành xây dựng, du lịch và vui chơi giải trí... Ngày 10/9/2019, tại Cần Thơ, Tập đoàn VNPT phối hợp cùng UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ khai trương “Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động” (6).

Siêu thị “ảo” VinMart 4.0 đã đi vào hoạt động. Theo đó, dịch vụ mua sắm ứng dụng Scan & Go đã mở rộng phạm vi tới 73 siêu thị trên cả nước, với việc mô phỏng hơn 100 nhóm sản phẩm chọn lọc bằng hình ảnh trên những tấm áp phích khổ lớn gần giống như quầy hàng thực tế trong siêu thị. Khách hàng chỉ cần mở ứng dụng VinID, chọn tính năng Scan & Go sau đó quét mã QR các sản phẩm muốn mua tại VinMart 4.0 và thanh toán ngay bằng ứng dụng VinID. Người dùng còn có thể trải nghiệm “mua hàng từ xa” và có thể được giao hàng tận tay chỉ sau 2-4 giờ (7).

Năm 2012, một nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã phát triển hệ thống ứng dụng công nghệ VR để mô phỏng cơ thể ảo nhằm phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu Bộ môn giải phẫu của nhà trường, năm 2015 đã được ứng dụng trên thực tế. Hệ thống mô phỏng các bộ phận chính của cơ thể người như hệ xương, cơ, thần kinh, tiêu hóa... Thông qua mô hình và hệ thống phần cứng điều khiển, tương tác, sinh viên làm quen với việc thực hành trên các thiết bị nội soi và thực hành giải phẫu thay vì học trực tiếp theo kiểu truyền thống.

Việc tích hợp công nghệ VR cũng đã tạo hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến nhi khoa tiền lâm sàng giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến đào tạo, trao đổi tư vấn, hội chẩn giữa tuyến Trung ương với địa phương, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa... hướng tới mô hình bệnh viện điện tử.

Sự góp mặt Các công ty thực tế ảo hàng đầu tại Việt Nam cũng gây được ấn tượng. Theo đó, các ứng dụng VR và AR được ghi nhận gồm: Bộ sách tô màu 4D Kolorfun; Tham quan chùa Trấn Quốc, căn hộ mẫu, căn hộ với thiết bị di động, tabets; Game Dinohunter 360, Game Duckshot 360 chém hoa quả 3D; AR thời trang, nội thất; Bán lẻ-thương mại điện tử; Các sản phẩm, ứng dụng khác (8)...

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết có nhận định rất quan trọng: “CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước” (9), với 4 quan điểm, các mục tiêu tổng quát và cụ thể; một số định hướng về chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện. Theo đó, vấn đề chủ động, tích cực; nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức; đổi mới tư duy, quản lý xã hội; phát huy tối đa nội lực... là những vấn đề xuyên suốt trong quá trình tham gia cuộc CMCN4.0.

Sự quan tâm từ góc độ quản lý nhà nước

Một là, xây dựng các văn bản pháp luật, thể chế, chính sách, theo hướng khuyến khích các loại hình hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số, trong đó có công nghệ thực tế ảo.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai thử nghiệm một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông.

Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Chính trị nhận định: “Thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh dịch vụ mới của CMCN4.0; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của CMCN4.0 trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu cá nhân” (10).

Vì thế, Nhà nước cần sớm khắc phục tình trạng, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, do các cơ quan quản lý chưa theo kịp tốc độ ứng dụng công nghệ mới, khiến hạn chế sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp ảo như: ngân hàng ảo, tiền ảo... Đồng thời tạo nguy cơ rủi ro pháp lý trong phòng chống rửa tiền, xác minh danh tính của các thành viên, bảo mật dữ liệu, tài khoản và giới hạn giao dịch… nhất là khi các doanh nghiệp ảo triển khai những ứng dụng công nghệ mới.

Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ lõi và sản phẩm đặc trưng của cuộc CMCN4.0.

Công nghệ thực tế ảo – hiện được xếp nằm trong TOP 10/30 sản phẩm đặc trưng của thời đại công nghệ 4.0. Thực tế ảo đã được áp dụng trong các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ; nghiên cứu khoa học, giảng dạy; khám bệnh, phẫu thuật; hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh... Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ mới xuyên quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ số và internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, ảo hóa đang phát triển như là một xu hướng tất yếu.

Là một lĩnh vực mới mẻ nên các nhà khoa học, đầu tư, giới kinh doanh trong khi lựa chọn chiến lược, dự báo thị trường, xây dựng kế hoạch, sản phẩm, tìm kiếm giải pháp... vẫn có thể gặp sai lầm, khiến hệ số rủi ro cao. Mặt khác, việc ứng phó với các sự cố trong chuỗi hoạt động trên công nghệ, thuật toán... chẳng hạn như Blockchain trong “ngân hàng ảo” vẫn có “lỗ hổng công nghệ” dẫn tới khả năng bị lợi dụng để giao dịch trái phép, trộm cắp tiền trong hệ thống... là điều có thể xảy ra.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng tiếp cận cuộc CMCN4.0 và công nghệ thực tế ảo.

Từ nhận định của Nghị quyết số 52-NQ/TW cho thấy, “Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, chưa chủ động, nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ số còn thấp; kinh tế số có quy mô còn nhỏ; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức phức tạp” (11).

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, các hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số, chẳng hạn như, ngân hàng ảo vẫn còn chi phí rất lớn do phải đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đồng thời, các công ty công nghệ cũng cần tiêu tốn nhiều thời gian khi bắt đầu triển khai mô hình số để chuẩn hóa các hoạt động, công nghệ và nguồn nhân lực, nên các ưu thế của công nghệ ảo vẫn chưa thể bộc lộ hết. Vì thế, vẫn cần Nhà nước có chính sách ưu tiên thỏa đáng.

Bốn là, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng số công nghệ thông tin, 5G, IoT, AI, Fantech, Blockchain, Big Data...

Về cơ sở hạ tầng viễn thông – CNTT của Việt Nam hiện đã được xây dựng khá đồng bộ. Theo đó, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước. Trong đó, 3G, 4G đã đạt trên 98%; mạng 5G đã hoàn thành thử nghiệm và sẽ phát sóng thương mại vào năm 2020. Kinh tế số Việt Nam cũng đã được xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, “Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức”. Vì thế cần sớm “Xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng Internet ở các cơ quan nhà nước” (12).

Như vậy, “ảo hóa” là một xu thế tất yếu của quá trình ứng dụng những sản phẩm đặc trưng của CMCN4.0. Công nghệ VR, AR, MR... Blockchain, Fintech, AI, IoT, Big Data... đều là những công nghệ có vai trò tác nhân ảo hóa các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Vì thế, việc nắm bắt xu thế ảo hóa, đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với nền kinh tế đang số hóa là một nhu cầu vừa cấp bách vừa cơ bản, lâu dài trong quá trình chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN4.0 như Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu ra./.

--------------------------------------------------------

Ghi chú:

(1) http://cafebiz.vn: Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đời thực không dọn rác ảnh hưởng sức khỏe, thế giới ảo không dọn rác thì sẽ ảnh hưởng đến não người, vấn đề trước mắt là phải quét rác! 6/6/2019.

(2) http://tourzy.vn: Bạn có biết thực tế ảo hình thành như thế nào? 01/3/2019.

(3), (4) https://vegastar.com.vn: Công nghệ thực tế ảo (VR) là gì? 10/4/2019.

(5) http://congnghiepcongnghecao.com.vn: Ứng dụng đầu tiên của 5G trong nhà máy. 14/06/2019.

(6) http://vnmedia.vn: Ứng dụng CNTT sẽ giúp du lịch Cần Thơ thay đổi tích cực. 13/9/2019.

(7) https://techtalk.vn: Vingroup mở “Siêu thị Vinmart 4.0”. 24/6/2019.

(8) https://vov.vn: Thấy gì từ xu thế “ảo hóa” thị trường? 15/9/2019.

(9), (10), (11) https://vietnamnet.vn: Toàn văn Nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng 4.0. 29/9/2019.

-----------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. http://cafebiz.vn: Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đời thực không dọn rác ảnh hưởng sức khỏe, thế giới ảo không dọn rác thì sẽ ảnh hưởng đến não người, vấn đề trước mắt là phải quét rác! 6/6/2019.

2. http://tourzy.vn: Bạn có biết thực tế ảo hình thành như thế nào? 01/3/2019.

3. https://vegastar.com.vn: Công nghệ thực tế ảo (VR) là gì. 10/4/2019.

4. http://congnghiepcongnghecao.com.vn: Ứng dụng đầu tiên của 5G trong nhà máy. 14/06/2019.

5. https://techtalk.vn: Vingroup mở “Siêu thị Vinmart 4.0”. 24/6/2019.

6. https://leading10.vn: Top 10 Công Ty Thực Tế Ảo Hàng Đầu Việt Nam. 10/6/2019.

7. http://vnmedia.vn: Ứng dụng CNTT sẽ giúp du lịch Cần Thơ thay đổi tích cực. 13/9/2019.

8. https://vietnamnet.vn: Toàn văn Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cách mạng 4.0, đăng ngày 29/9/2019.

 

Nguyễn Nhâm - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)