20/04/2024 lúc 13:53 (GMT+7)
Breaking News

Xứ Mường

Thân quen với Nhà thơ Pờ Sảo Mìn gần ba chục năm thì gần ba chục năm nhà thơ bền bỉ truyền cho tôi cảm hứng yêu, mê đất Mường Khương. Pờ Sảo Mìn yêu Mường Khương đến lạ, trong hơn hai trăm bài thơ của ông đã sáng tác, xuất bản thì có đến ngót nửa cảm hứng của ông về Xứ Mường.

Thân quen với Nhà thơ Pờ Sảo Mìn gần ba chục năm thì gần ba chục năm nhà thơ bền bỉ truyền cho tôi cảm hứng yêu, mê đất Mường Khương. Pờ Sảo Mìn yêu Mường Khương đến lạ, trong hơn hai trăm bài thơ của ông đã sáng tác, xuất bản thì có đến ngót nửa cảm hứng của ông về Xứ Mường.

Mường Khương - Mảnh đất giáp biên giới hình lưỡi rìu.

Ngay từ những năm đầu của thập kỷ hai mươi, những người yêu thơ đã biết đến Mường Khương, đến dân tộc Pa Dí của ông qua những bài thơ như: Cây hai ngàn lá, Con trai người Pa Dí, Xuân nhớ về thăm vợ, Nỗi nhớ Mường Khương, Mong ước mùa xuân, Ba Chàng Trai trên đỉnh núi, Mùa xuân này biên giới…, và đến bây giờ, ở cái tuổi bảy tư, ông vẫn nguyện làm một người suốt đời với Mường Khương: “Thắp lửa, giữ lửa và cho lửa/ Ai yêu lửa và không sợ khói nồng làm cay mắt.../ Xin hãy ngược cổng trời về với đất Mường Khương!” (thơ Trần Quốc Hùng)

Vậy Mường Khương có gì lạ mà người con của Cây hai ngàn lá yêu thương đến vậy?

Theo Wikipedia tiếng Việt, ta có thể khái quát: Mường Khương là một huyện của tỉnh Lào Cai; có đường biên giáp với Trung Quốc dài 86,5 km,  trong đó có 55 km đất liền, là vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Mường Khương có dân số trên 50 nghìn người bao gồm 14 dân tộc khác nhau sinh sống trên địa bàn thị trấn huyện lỵ Mường Khương  và 15 xã trong huyện.

Theo dân gian thì Mường Khương phiên âm từ hai từ Mưng Khangw (theo tiếng Nùng có nghĩa là Mường Gang). Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một thầy địa lý cao tay lên đường đi tìm đất kết để táng hài cốt ông bà tổ tiên với mong muốn giúp cho con cháu phát phúc phát quan. Trong quá trình đi tìm long mạch, với túi mật ngựa sấy khô, một mình một ngựa, ông đã trèo qua biết bao núi cao vực sâu, sông rộng suối xiết, ông đã gặp nhiều, biết nhiều, song con người, cảnh vật, long mạch nơi ông đi qua, nhận biết được chưa làm ông ưng ý. Khi đặt chân tới mảnh đất biên giới vô cùng hiểm trở này, ông chợt giật mình, cả sợ. Trước mắt ông, trên mặt đất là hàng trăm hàng ngàn quả núi nhô vọt lên nhọn hoắt, dưới lòng đất là một biển nước mênh mông, trong biển nước ấy có hai cột sắt trụ giữa và bốn cột gang phía ngoài chống đỡ bốn góc làm cho cả vùng núi non, thung lũng trụ vững chắc trên biển nước. Hình sông thế núi, thế đất cùng những hiểu biết sâu sa về phong thủy cho ông biết nơi đây là vùng đất hiểm, ông thốt lên bốn tiếng Mưng Khangw Mưng Khangw, tức là Đất Gang Đất Gang, rồi vội vàng bỏ chạy, từ đó mảnh đất giáp biên giới hình lưỡi rìu này có cái tên Mương Khảng, đến thời Thực dân Pháp đô hộ nước ta mới phiên âm ra thành Mường Khương.

Thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai).

Một lần tôi bảo Pờ Sảo Mìn hãy khái quát về Mường Khương, Pờ hứng khởi đọc luôn: “Anh sinh ra từ trên đỉnh núi/ Em nở ra ở dưới lòng thung/ Ơi những con đường…/ Đến với đôi ta/ Ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, gần xa/ Nhưng anh và em/ Vẫn chung một bài ca trăng sáng”.

Lần khác tôi bảo Pờ hãy nói về người xứ Mường, Pờ nhấp một ngụm rượu ngô đậm chất Mường rồi cất tiếng: “Một bản nhỏ rất xa….! Vâng! Nhà tôi ở đó/ Một ngày mở ra muôn nhà như một/ Cùng làm, cùng ăn, cùng uống, cùng say/ Cùng buồn, cùng vui, cùng đùa, cùng hát/ Khúc ca nào cũng ấm áp ru êm/ Đợi đêm tối mới có riêng chuyện nhà”.

Lần khác tôi bảo Pờ hãy nói về xứ Mường hôm nay, Pờ bảo: “Lên phố nhiều rồi”, tôi biết Pờ muốn nói cái độc đáo của xứ Mường là lên phố mà vẫn giữ nguyên được lệ làng nếp bản. Lên phố song gió vẫn nguyên sơ, nắng vẫn nguyên sơ, núi vẫn nguyên sơ, giữa chao chát nổi chìm của kinh tế thị trường vẫn chan chứa tình người, chân thật vẫn tỏa ra từ dáng đi, tiếng cười, giọng nói. Lên phố, song tình cảm vẫn sánh quyện, đóng cửa là quây quanh bếp, mở cửa là dân bản quây quần như cái thủa khai đất lập bản. Lên phố, song vẫn trách nhiệm với nhau như ngày đổi công trồng cấy, thu hoạch, trông nương trông ruộng cho xóm làng như trông canh ruộng nương vườn tược nhà mình.

Sắc thu vùng cao đẹp đến sững sờ ở xứ Mường.

Người xứ Mường lam làm chịu khó. Ẩn giấu trong dáng vẻ ung dung tự tại, thanh thản, nhẹ nhàng là việc nào ra việc ấy, là nương ruộng trồng cấy, chăm sóc, thu hoạch đúng mùa đúng vụ, là giữ yên từng tấc đất biên cương. Người xứ Mường ai cũng thô mộc nguyên sơ, xuống chợ ai cũng trên tay, trên lưng, trên xe có cái gì đó để bán; về chợ ai cũng có cái gì để nuôi bếp lửa, nuôi ruộng, nuôi nương…

Xứ Mường như vậy chẳng trách gì Pờ Sảo Mìn không dứt nổi, chẳng trách gì ai đến nơi này cũng quấn quýt yêu thương, nhất là những năm gần đây lợi thế về khí hậu, đất đai, tập quán canh tác được huyện tập trung phát triển thành vùng hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản như gạo Séng Cù, quýt ngọt, chè..., qua đó giúp đồng bào xóa nghèo bền vững, huyện trở thành cột mốc vững vàng bảo vệ biên cương của Tổ Quốc.

Bây giờ bạn hỏi Mường Khương ở đâu, sẽ được nghe giọng thơ sang sảng của nhà thơ Cây hai ngàn lá Pờ Sảo Mìn: Nếu bạn muốn hỏi tôi và bạn muốn tìm tôi/ Xin mời nhau ngược sông Hồng, sông Chảy/ Xin mời nhau ngược đường rừng Tây Bắc/ Một bản nhỏ xa lắc, xa xôi…tận cuối chân trời/ Một bản nhỏ rất xa…vâng… nhà tôi ở đó.

Ôi Pờ Sảo Mìn, ơi Mường Khương!...