29/03/2024 lúc 16:00 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng phương án đảm bảo hoạt động hệ thống Ngân hàng an toàn, thông suốt và hiệu quả

VNHN – Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Chỉ thị về các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn  do tác động của dịch COVID-19.

VNHN – Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Chỉ thị về các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn  do tác động của dịch COVID-19.

Ảnh minh họa - Internet 

Thời gian qua, các chính sách được triển khai quyết liệt, kịp thời như: điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm đồng thời các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, miễn, giảm phí thanh toán, bước đầu tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Toàn ngành đã đóng góp trên 160 tỷ đồng cho phòng, chống dịch bệnh, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của toàn hệ thống trong công tác an sinh xã hội.

Hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh, Thống đốc NHNN dã ban hành chỉ thị số 02/CT -NHNN ngày 31/3/2020 trong đó tập trung vào 1 số nội dung cụ thể.

Với các đơn vị tại NHNN, phải thường xuyên nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế; bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để cập nhật, điều chỉnh các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp; chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, khối lượng, lãi suất hợp lý và chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

NHNN thực hiện cho vay tái cấp vốn đối với TCTD để thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu dưới các hình thức tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá và các hình thức tái cấp vốn khác theo quy định.

NHNN điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; giám sát chặt chẽ việc thực thi giảm lãi suất của TCTD theo chỉ đạo của NHNN và chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh…

Các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo NHNN.

Các NHTM chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết (bao gồm các kế hoạch kinh doanh dự phòng theo diễn biến của dịch bệnh) nhằm mục tiêu đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống. Xây dựng giải pháp cung cấp các dịch vụ ngân hàng theo từng kịch bản diễn biến dịch, phù hợp với các biện pháp chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương; đồng thời, tăng cường cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử.

Các NHTM phải xử lý nghiêm những đơn vị, cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Các NHTM cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng; tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, biện pháp khắc phục khi cán bộ bị lây nhiễm dịch, đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Theo Thống kê sơ bộ được báo cáo có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng (TCTD), chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống, trong đó một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

Tăng cường làm việc từ xa 

Cũng trong ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Công điện 03/CĐ – NHNN thực hiện chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để gửi các đơn vị toàn hệ thống.

Theo nội dung của Công điện, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch, để vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo các hoạt động tiền tệ, ngân hàng thiết yếu phục vụ nền kinh tế và người dân, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 16/CT-TTg, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt toàn thể cán bộ trong đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị 16/CT-TTg ngày 31/03/2020. 

Thống đốc yêu cầu, đối với các đơn vị thuộc NHNN bố trí cán bộ làm việc tại nhà trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 1/4. Việc bố trí cán bộ làm việc tại nhà phải tuân thủ các yêu cầu sau: Cán bộ chủ động bố trí phương tiện làm việc (máy tính, Ipad, điện thoại, email…) phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc. Đảm bảo thời gian làm việc như làm việc tại cơ quan và duy trì liên lạc thường xuyên qua các phương tiện thông tin, đặc biệt là trong 8 giờ làm việc hành chính… để đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời, ngân hàng vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

Cục Công nghệ thông tin hỗ trợ các đơn vị trong việc sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với những trường hợp đặc biệt cần thiết. Thủ trưởng các đơn vị chủ động bố trí lãnh đạo đơn vị và một số cán bộ thực sự cần thiết làm việc tại cơ quan để xử lý công việc và làm đầu mối liên lạc; Bố trí chỗ ngồi làm việc độc lập, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch.

Tùy điều kiện cụ thể của từng đơn vị, Thủ trưởng đơn vị bố trí luân phiên lãnh đạo và cán bộ làm việc tại cơ quan và tại nhà, đảm bảo các nhóm cán bộ không tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Đối với các bộ phận cần duy trì làm việc tại cơ quan, như trực cơ quan, xử lý tài liệu mật, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban lãnh đạo NHNN và lãnh đạo các đơn vị; duy trì hệ thống thanh toán, công nghệ thông tin, điều hòa lưu thông tiền mặt, an toàn kho quỹ… thực hiện như sau: Lực lượng bảo vệ bố trí trực ca bình thường, đảm bảo an toàn, an ninh trụ sở cơ quan, đặc biệt là các kho tiền Trung ương và kho tiền NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố. Lực lượng tự vệ xung kích của cơ quan, đơn vị trực tại nhà, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết. Bộ phận tiền tệ - kho quỹ của Cục Phát hành và kho quỹ, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, các kho tiền.

Trung ương, NHNN chi nhánh bố trí cán bộ làm việc tại cơ quan hợp lý để phục vụ điều hòa, cung ứng và giao dịch tiền mặt thông suốt. Cục công nghệ thông tin, Sở giao dịch bố trí số lượng cán bộ làm việc tại các trụ sở, tại nhà theo các phương án, kịch bản đã được Thống đốc phê duyệt.

Theo chỉ thị 16/CT-TTg, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trực thuộc NHNN là các đơn vị dịch vụ, do đó, từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trực thuộc chủ động quyết định việc bố trí cán bộ theo các phương án, kịch bản phòng, chống dịch của mình, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Đáp ứng các yêu cầu sử dụng dịch vụ, ngân hàng thiết yếu của người dân, đặc biệt là đảm bảo sự hoạt động liên tục của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM; hạn chế tối đa số lượng cán bộ phải đến trụ sở làm việc. Tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về phòng, chống dịch khi bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở;

Thủ trưởng các đơn vị của các tổ chức tín dụng chủ động thông báo với chính quyền địa phương về những địa điểm cần thiết phải được duy trì hoạt động, tổ chức giao dịch phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế. Trong quá trình triển khai thực hiện công điện này, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các đơn vị chủ động trao đổi với Văn phòng, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản trị của NHNN và báo cáo trực tiếp Thống đốc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú  để được chỉ đạo, xử lý.