28/03/2024 lúc 19:04 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận 'Mật ong Cúc Phương'

VNHN - Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Cúc Phương” là cơ sở pháp lý để bảo vệ người nuôi ong, người tiêu dùng. Đây cũng là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững nghề nuôi ong, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới của huyện Nho Quan (Ninh Bình).

VNHN - Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Cúc Phương” là cơ sở pháp lý để bảo vệ người nuôi ong, người tiêu dùng. Đây cũng là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững nghề nuôi ong, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới của huyện Nho Quan (Ninh Bình).

Thương hiệu “Mật ong Cúc Phương” (Ảnh: Hoàng Hà) 

Vườn Quốc gia Cúc Phương (rừng Cúc Phương) nằm cách Thủ đô Hà Nội 120 km về phía Nam, nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp. Đây là một địa chỉ vô cùng quen thuộc, gợi lên tính hiếu kỳ cho biết bao du khách trong và ngoài nước. Rừng Quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá với tổng diện tích là 22.408 ha. Trên địa phận của tỉnh Ninh Bình, Rừng Quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận của huyện Nho Quan. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá, lịch sử nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn. Rừng Cúc Phương có quần thể hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Theo một số liệu điều tra gần đây, Cúc Phương có 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu… Với sự phong phú của các loài thực vật, đây là nguồn mật để khai thác và phát triển phát triển nghề nuôi ong ở các vùng lân cận rừng Cúc Phương nói riêng và nghề nuôi ong trên toàn huyện Nho Quan nói chung.

Nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Nho Quan được phát triển khá sớm, tuy nhiên tốc độ phát triển chưa cao so với nhiều vùng trong cả nước. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan năm 2018, toàn huyện có hơn 8.000 đàn ong, hơn 700 hộ nuôi ong với sản lượng thu được gần 80 tấn mật/năm. Số hộ nuôi ong nằm trải dài các xã trong địa bàn huyện, tuy nhiên tập trung nhiều ở xã Xích Thổ (65 hộ, 609 đàn ong), Thạch Bình (152 hộ, 1695 đàn), Cúc Phương (84 hộ, 773 đàn ong), Kỳ Phú (141 hộ, 1288 đàn ong), Phú Long (166 hộ, 1650 đàn ong), Sơn Hà (18 hộ, 304 đàn), Quảng Lạc (13 hộ, 236 đàn)... Nghề nuôi ong đã mang lại giá trị kinh tế lớn cho những người dân nuôi ong. Trong những năm gần đây các hộ tham gia nuôi ong trong các xã liên tục tăng; các hộ nuôi ong chuyên nghiệp tăng cả về quy mô, số lượng đàn.

Để hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi ong và xây dựng nông thôn mới tại huyện Nho Quan, thực hiện Quyết định số 1728/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình về việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Cúc Phương” dùng cho sản phẩm Mật ong của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Âu Mỹ đã tiến hành tập huấn kỹ thuật nuôi, thu hoạch, bảo quản và kinh doanh mật ong cho các hộ nuôi ong trên địa bàn huyện Nho Quan. Qua các buổi tập huấn, nhận thức những người nuôi ong đối với việc nuôi ong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng các sản phẩm “Mật ong Cúc Phương” đã được nâng lên một bước để phát huy danh tiếng, uy tín của sản phẩm.


Một buổi tập huấn của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Âu Mỹ về quy trình kỹ thuật nuôi ong lấy mật và bảo quản sản phẩm “Mật Ong Cúc Phương” tại Nho Quan (Ảnh: Hoàng Hà) 

Trung tâm đã tham mưu với UBND huyện Nho Quan ban hành Tiêu chí nguồn gốc xuất xứ của “Mật ong Cúc Phương”, trong đó quy định rõ chỉ các sản phẩm mật ong khi đàn ong được nuôi và lấy mật tại Rừng Cúc Phương và các vùng phụ cận quanh rừng, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và độ thủy phần trong mật ong… mới được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Cúc Phương”. Đây là cơ sở để các hộ nuôi ong kiểm soát chất lượng khi nuôi, thu hoạch, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mật ong bán ra trên thị trường; đồng thời, phải có bao bì, nhãn mác riêng để phân biệt nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh việc hỗ trợ xác định các tiêu chí, đặc tính cần chứng nhận của sản phẩm mật ong mang nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Cúc Phương”, để từ đó tiến hành thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận, Trung tâm đã tư vấn cho UBND huyện Nho Quan đã thiết lập hệ thống tổ chức, hệ thống các phương tiện, điều kiện để quản lý và khai thác giá trị nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Cúc Phương”.

Bên cạnh đó, việc ban hành Quyết định số 62756/QĐ-SHTT ngày 31/07/2019 của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đối với sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Mật Ong Cúc Phương” dùng cho sản phẩm mật ong của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là dấu mốc quan trọng đối với nghề nuôi ong ở huyện Nho Quan. Có thể thấy, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Cúc Phương” là cơ sở phát triển bền vững nghề nuôi ong, tạo động lực để người nuôi ong phát triển nghề, nâng cao chất lượng, sản lượng và kỹ thuật trong việc nuôi ong, chế biến sản phẩm  mật ong, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nho Quan và tỉnh Ninh Bình./.