29/03/2024 lúc 15:32 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng khung pháp lý về tham gia lực lượng GGHB của Liên Hợp Quốc

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 10 diễn ra vừa qua.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 10 diễn ra vừa qua.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, Nghị quyết được xây dựng nhằm tạo khung pháp lý về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc để triển khai lực lượng tham gia theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo hợp lý chế độ chính sách; chuẩn hóa quy trình, thủ tục pháp lý trong việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng và xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn.

Ảnh minh họa

Quan điểm xây dựng Nghị quyết là: Quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế; phù hợp với quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đồng thời phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, sự thống nhất của Nghị quyết với hệ thống pháp luật Việt Nam; bảo đảm tính khả thi của Nghị quyết, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam; bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 17 điều. Cụ thể, Chương I: Quy định chung, gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6); Chương II: Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, gồm 3 điều (từ Điều 7 đến Điều 9); Chương III: Thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, gồm 3 điều (từ Điều 10 đến Điều 12); Chương IV: Kinh phí đảm bảo và chế độ, chính sách, gồm 2 điều (Điều 13 và Điều 14); Chương V: Quản lý nhà nước, gồm 2 điều (Điều 15 và Điều 16); Chương VI: Điều khoản thi hành, gồm 1 điều (Điều 17).

Thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Võ Trọng Việt khẳng định, UBQPAN cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc Lực lượng vũ trang nhân dân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm với cộng đồng thế giới của Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; là cơ hội để mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

UBQPAN tán thành việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp.

Về sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, của Hiến pháp, sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi, ông Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết cơ bản đã cụ thể hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Có ý kiến đề nghị rà soát nội dung dự thảo Nghị quyết cho thống nhất với các quy định có liên quan của Hiến pháp, quy định của một số luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để tránh mâu thuẫn, chồng chéo; nghiên cứu lồng ghép yêu cầu bình đẳng giới cho phù hợp với đặc thù nhiệm vụ ở nước ngoài.

UBQPAN cho rằng, nội dung dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định có liên quan để quy định chặt chẽ, thống nhất, đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và bảo đảm tính khả thi.

Về bố cục của dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến nhất trí như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, về hình thức văn bản cần thống nhất với các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành; nghiên cứu bỏ tên các chương; bổ sung quy định trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng tham gia và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trách nhiệm giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết.

UBQPAN đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để bố cục dự thảo Nghị quyết bảo đảm chặt chẽ, thống nhất giữa nội dung và hình thức; nên quy định mang tính nguyên tắc về những nội dung thuộc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; cụ thể hơn về quy trình, thẩm quyền, chế độ, chính sách trên cơ sở các quy định đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung những nội dung cần thiết để tạo thuận lợi khi tổ chức thực hiện.

UBQPAN cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý về nội dung, kỹ thuật văn bản để quy định chặt chẽ, cụ thể, bảo đảm tính thống nhất ngay trong dự thảo Nghị quyết và với hệ thống pháp luật./.