25/04/2024 lúc 06:53 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng chương trình hành động với khát vọng vươn lên

Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Bí thư tổ chức từ ngày 27-28/3/2021, các cấp ủy, tổ chức đảng đang tập trung xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, dự án, đề án khả thi, sát với điều kiện thực tế, định lượng được kết quả, hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương, đơn vị.

Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Bí thư tổ chức từ ngày 27-28/3/2021, các cấp ủy, tổ chức đảng đang tập trung xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, dự án, đề án khả thi, sát với điều kiện thực tế, định lượng được kết quả, hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương, đơn vị.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại điểm cầu hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội)

Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện cấp ủy các cấp đã chia sẻ với Tạp chí Tuyên giáo xoay quanh nội dung này.

PGS. TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương: 

XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG RÕ VIỆC, RÕ NGƯỜI, RÕ THỜI GIAN

Sau đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội khẩn trương tiến hành xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo tinh thần Chỉ thị 01-CT/TW của Bộ Chính trị về “Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Thời gian hoàn thành chương trình hành động trong quý II/2021. Theo đó, yêu cầu chương trình hành động phải gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo và bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả. Kết quả thực hiện chương trình hành động là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị hằng năm và cả nhiệm kỳ.

Ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, chương trình hành động phải thật cụ thể, bám sát vào tinh thần nghị quyết của cấp ủy cấp trên, chứ không phải sao chép lại câu chữ của cấp ủy cấp trên. Chương trình hành động phải căn cứ vào điều kiện cụ thể và yêu cầu nhiệm vụ phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương đã được xác định trong văn kiện đại hội đảng cấp mình, có đối chiếu, rà soát với nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để cập nhật, bổ sung, sửa đổi cho đầy đủ, phù hợp gắn với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cấp ủy cấp huyện và cấp cơ sở, tổ chức đảng cấp trên cơ sở bám sát, cụ thể hóa chương trình hành động của cấp tỉnh chọn những nội dung cụ thể, liên quan trực tiếp tới địa phương, đơn vị để bổ sung xây dựng chương trình hành động của tập thể cấp ủy.

Trong xây dựng chương trình hành động, cần xác định rõ: cần làm gì, làm như thế nào, ai làm, làm trong thời gian bao lâu. Chương trình hành động cần thể hiện rõ việc, rõ người, rõ thời gian, sát với yêu cầu, mục tiêu cụ thể, có lộ trình cụ thể, không chung chung.

Trong chương trình hành động, cũng cần đề cao vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ trì thảo luận về Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của tập thể để bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện theo lộ trình, thể hiện quyết tâm “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Hằng năm, tiến hành kiểm điểm tiến độ thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết đã đề ra. Kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch đề ra là cơ sở quan trọng để đánh giá hằng năm và cả nhiệm kỳ đối với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu.

PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

CỤ THỂ HÓA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG BẰNG CÁC ĐỀ ÁN, KẾ HOẠCH

Theo Hướng dẫn số 03-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết, cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư cấp ủy các cấp chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của cấp mình và chịu trách nhiệm về chất lượng của chương trình hành động.

Để xây dựng chương trình hành động thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo và bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả, cần tránh tình trạng xây dựng chương trình hành động theo hướng chung chung, đối phó, miêu tả lại nghị quyết, không cụ thể, không rõ ràng. Hệ quả, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương không biết chương trình hành động viết gì, trách nhiệm của từng cá nhân là gì, thời gian, lộ trình thực hiện như thế nào. Khi sơ kết, tổng kết nghị quyết, không quy được tránh nhiệm cho ai, chất lượng của việc thực hiện nghị quyết tương đối thấp.

Cần chọn ra các nội dung công việc trọng tâm, giải pháp đột phá, những vấn đề nổi cộm, bức xúc cần giải quyết, xác định mục tiêu chiến lược, được cụ thể hóa bằng các đề án, có thời gian hoàn thành, có người chủ trì, có chế độ kiểm tra, giám sát và báo cáo thường xuyên việc thực hiện theo tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” để đưa vào chương trình hành động. Chương trình hành động của tập thể phải được thực hiện thông qua các kế hoạch công tác, các đề án, dự án, kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, hàng năm và toàn nhiệm kỳ. Đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của cấp ủy; trực tiếp truyền đạt các nội dung Nghị quyết và chủ trì thảo luận, thông qua Chương trình hành động của cấp mình.

Khi triển khai thực hiện nghị quyết, cần chú trọng công tác tổng kết thực tiễn Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết. Điều quan trọng nhất là phải tự đọc, tự học, tự nghiên cứu nghị quyết một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, sâu sắc trong suốt cả nhiệm kỳ chứ không phải chỉ thông qua một, hai đợt học nghị quyết.

Đồng chí Dương Đức Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai:

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CHỊU TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Một trong những yêu cầu của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là phải xây dựng chương trình hành động của cấp ủy. Chỉ thị 01-CT/TW của Bộ Chính trị về “Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” đã nêu rõ: Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng chương trình hành động của cấp ủy và triển khai thường xuyên, liên tục. Quan điểm này là một nội dung quan trọng, sự phát triển mới trong tư duy chỉ đạo, lãnh đạo củaTrung ương.

Để thực hiện nội dung này, người đứng đầu cấp ủy phải chỉ đạo xây dựng, chủ trì thảo luận, ký ban hành kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy cấp mình trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Phải nghiên cứu, nắm chắc nội dung nghị quyết và trực tiếp quán triệt, triển khai nghị quyết đại hội đến cán bộ, đảng viên trong chi, đảng bộ hằng năm. Thông qua đó, truyền được quyết tâm, sự đổi mới, khát vọng của người đứng đầu cấp ủy trong việc học tập, triển khai nghị quyết đến cán bộ, đảng viên trong chi, đảng bộ. Chương trình hành động phải có lộ trình rõ ràng để triển khai thực hiện theo phương châm “chủ trương 1, chương trình 10, hành động 100” như Hướng dẫn của Trung ương.

Cán bộ, đảng viên Đảng bộ Lào Cai nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; nhất là những nội dung mới, đột phá, trọng tâm của giai đoạn cũng như những năm tiếp theo. Từ đó, soi rọi, cụ thể hóa vào kế hoạch, chương trình hành động gắn với việc triển khai nghị quyết đại hội đảng bộ mình.

Đảng bộ Lào Cai tiếp tục đổi mới trong việc tổ chức học tập nghị quyết thông qua nhiều hình thức, nhất là áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm, tổ chức cuộc thi trực tuyến trên mạng Internet để tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các phương thức tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua báo chí, cổ động trực quan, văn hóa văn nghệ. Phát huy tinh thần, năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ trong việc đi đầu thực hiện nghị quyết gắn với việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách” trong thực hiện nhiệm vụ.

Đối với các địa phương có đông đảng viên là người dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, Lào Cai tổ chức biên soạn các tài liệu tuyên truyền Nghị quyết Đại hội các cấp theo hướng ngắn gọn bằng tiếng dân tộc, tờ rơi, áp phích,.. phù hợp điều kiện, đặc thù của từng đối tượng cụ thể.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát động các phong trào thi đua yêu nước, khơi gợi, củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết, khát vọng của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân, các tổ chức đảng trong thực hiện nghị quyết; góp phần để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.