29/03/2024 lúc 12:21 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng chính quyền điện tử được đẩy mạnh ở Bắc Ninh

VNHN - Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng phục vụ người dân cũng như doanh nghiệp, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng chính quyền điện tử và đạt được những kết quả ban đầu rất khả quan. Ðây là nền tảng và tiền đề quan trọng để Bắc Ninh tiến tới mục tiêu trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.

VNHN - Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng phục vụ người dân cũng như doanh nghiệp, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng chính quyền điện tử và đạt được những kết quả ban đầu rất khả quan. Ðây là nền tảng và tiền đề quan trọng để Bắc Ninh tiến tới mục tiêu trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.

Những kết quả khả quan

Buổi sáng đầu tuần tháng 11, tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh, một cán bộ tại đây cho biết: Chỉ cần thao tác nhấp chuột truy cập vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành, chúng tôi có thể nắm bắt được ngay công tác chỉ đạo cũng như công việc phải triển khai, thực hiện trong ngày. Mọi việc đều được cập nhật, xử lý qua hệ thống thư điện tử công vụ, tiết kiệm được thời gian, tránh thất lạc công văn, giấy tờ.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động thời gian qua đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ, người dân cũng như doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại và các chi phí không cần thiết khác. Ðơn cử trước đây, một văn bản, công văn từ thành phố chuyển xuống cơ sở và từ cơ sở chuyển lên tuyến trên phải mất vài ngày thì nay, thông qua hệ thống hộp thư điện tử chỉ cần vài giây là các đơn vị đã có thể tiếp nhận được thông tin, do vậy, có nhiều thời gian để xử lý công việc hơn.

Giám đốc Công ty Trọng Tín (huyện Tiên Du) Ðào Văn Chuyển cho biết: Trước đây việc giải quyết công việc liên quan đến nhiều sở, ngành mất rất nhiều thời gian. Chính điều này làm phát sinh thêm nhiều chi phí. Bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến một đầu mối là giải quyết xong mọi việc. Nhờ vậy, phía doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng cho biết, ứng dụng CNTT được xem là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai chính quyền điện tử.

Tỉnh Bắc Ninh đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến cuối tháng 10-2019, hệ thống công vụ tỉnh Bắc Ninh đã cung cấp gần 10.800 tài khoản thư điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Phần mềm quản lý văn bản điều hành được triển khai cho các sở, ban, ngành và tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp cán bộ, công chức ở các đơn vị làm quen với việc sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy, nâng cao hiệu quả công việc cũng như tiết kiệm các chi phí văn phòng. Ðồng thời, ứng dụng cho phép người dân theo dõi trực tuyến và đánh giá mức độ hài lòng đối với quá trình xử lý hồ sơ. Ðến hết tháng 10-2019, hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã có 226.839 văn bản được phát hành, tiếp nhận gần 389.659 văn bản của các cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành như: tài chính - kế toán, quản lý tài sản... cũng đang được ứng dụng rộng rãi, bước đầu phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành. Tại Trung tâm Hành chính công thị xã Từ Sơn, ông Nguyễn Văn Hậu, người dân phường Ðông Ngàn, cho biết: Tôi rất bất ngờ vì việc cấp “sổ đỏ” hiện nay được thực hiện rất nhanh gọn, tôi chỉ việc đến đây nộp hồ sơ, trung tâm sẽ chuyển đến các đầu mối giải quyết và thông báo kết quả qua tin nhắn, tôi không phải tốn thời gian đi lại nhiều lần.

Với cách làm khoa học và hiện đại như hiện nay tôi rất hài lòng. Tính đến hết quý III-2019, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng một cổng thông tin điện tử chính, 48 cổng thành phần, 126 trang thông tin điện tử cấp xã hoạt động ổn định. Hệ thống thông tin một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ http://dvc.bacninh.gov.vn được đánh giá đáp ứng đầy đủ các chức năng và yêu cầu kỹ thuật. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và một số cơ quan khác trên địa bàn tỉnh đã được kết nối với hệ thống mạng WAN nội tỉnh tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu về trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước kết nối đến trung tâm dữ liệu của tỉnh.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh, đến nay, tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh là 1.892, trong đó có 715 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 104 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 1.440 chứng thư số (chữ ký số) cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Các cơ quan sau khi được cấp chứng thư số đã tích cực sử dụng để thực hiện việc gửi, nhận văn bản, tài liệu điện tử cũng như thực hiện các dịch vụ khác như thuế điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh xây dựng hệ thống tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tích hợp qua cổng thông tin điện tử và hệ thống quản lý văn bản điều hành. Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận khoảng 1.100 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Nhờ vậy, các cơ quan đã kịp thời tiếp nhận và xử lý các khó khăn, vướng mắc. Hạ tầng công nghệ thông tin ở Bắc Ninh những năm qua không ngừng được hoàn thiện và nâng cao, cơ bản đáp ứng được công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Ðến nay, 100% cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện và khoảng 40% số cán bộ công chức cấp xã có máy tính sử dụng trong công việc. Cùng với đó, việc đầu tư trang bị máy tính của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và ngày càng tăng. Hiện có 31,1% số hộ gia đình có máy tính, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối in-tơ-nét băng thông rộng chiếm 25,6%. Các hộ gia đình có máy tính kết nối in-tơ-nét dễ dàng tiếp cận đến các dịch vụ công trực tuyến do tỉnh cung cấp và góp phần quan trọng vào việc phát triển và hình thành những “công dân điện tử”.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công thành phố Bắc Ninh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Hướng đến xây dựng thành phố thông minh

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc triển khai ứng dụng CNTT trong việc xây dựng chính quyền điện tử ở Bắc Ninh hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, nguồn nhân lực CNTT tại các cơ sở hiện nay còn thiếu và yếu, nhất là thiếu cán bộ có chuyên môn cao về lĩnh vực an toàn thông tin. Một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa tích hợp và chia sẻ dữ liệu dẫn đến tình trạng cát cứ dữ liệu, khó khăn khi xây dựng kho dữ liệu tập trung.

Theo Trưởng phòng CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Minh Vũ, một trong những khó khăn hiện nay khi xây dựng chính quyền điện tử là công nghệ thông tin thay đổi nhanh chóng. Thời điểm xây dựng một đề án, công nghệ được đề xuất sử dụng phù hợp thời điểm lúc bấy giờ. Tuy nhiên, nếu triển khai chậm trễ công nghệ sẽ trở nên lạc hậu, không còn phù hợp thực tiễn. Do vậy, các dự án liên quan CNTT luôn chứa đựng những rủi ro nhất định. Ngoài sự thay đổi nhanh, các rủi ro còn có thể đến do những yếu tố về giải pháp thiết kế khi không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiếu phân tích kỹ lưỡng quy trình xử lý nghiệp vụ hoặc không đặt dự án trong một thiết kế tổng thể dẫn đến khi triển khai thiếu đồng bộ.

Ðể hạn chế những rủi ro về công nghệ và giải pháp kỹ thuật, khi xây dựng chính quyền điện tử yếu tố nhân lực có vai trò hết sức quan trọng. Cán bộ phụ trách về CNTT phải có đủ năng lực và trình độ. Ðồng thời, những đơn vị liên quan cần thường xuyên rà soát, đầu tư, nâng cấp, thay thế thiết bị CNTT, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi đã lạc hậu, xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu công việc. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng cho biết, trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, Bắc Ninh đẩy mạnh việc hiện đại hóa hạ tầng CNTT và phát triển nguồn nhân lực CNTT. Cùng với đó là tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từ đó tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử của tỉnh.

Ðồng thời, xây dựng triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung một cách đồng bộ theo kiến trúc chính quyền điện tử đã được phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh còn tích cực triển khai sử dụng chứng thư số đến toàn bộ các cơ quan trên địa bàn cũng như thực hiện các cơ sở dữ liệu trọng điểm, như: cơ sở dữ liệu công dân, cơ sở dữ liệu bệnh án điện tử, cơ sở dữ liệu nền địa lý. Các hoạt động ứng dụng CNTT được triển khai sẽ có sự gắn kết chặt chẽ với chương trình cải cách hành chính.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ di động trong tiếp nhận phản ánh thông tin kinh tế - xã hội cũng như đánh giá mức độ hài lòng của người dân, phục vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cho rằng, xây dựng chính quyền điện tử là xu hướng tất yếu để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động điều hành, đẩy lùi nhũng nhiễu, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ kiện toàn hoạt động của Ban Chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, đồng thời thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ ứng dụng CNTT với cải cách quy trình, thủ tục hành chính. Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, Bắc Ninh sẽ nỗ lực đạt được các mục tiêu trong xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới việc trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.