20/04/2024 lúc 01:19 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng 103 hồ điều tiết góp phần chống ngập tại TP. Hồ Chí Minh

VNHN  - Là một trong những nguồn nước có thể thu hồi, xử lý để trở thành nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân, thế nhưng nước mưa lại đang trở thành tác nhân lớn khi góp phần gây ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). 

VNHN  - Là một trong những nguồn nước có thể thu hồi, xử lý để trở thành nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân, thế nhưng nước mưa lại đang trở thành tác nhân lớn khi góp phần gây ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). 

Nhằm ứng phó với tình trạng ngập úng vào mùa mưa, TP.HCM đã lên kế hoạch triển khai xây dựng 103 hồ điều tiết nước tập trung và phân tán.

Không gian chứa nước tại khu dân cư Lakeview, quận 2, TP. Hồ Chí Minh

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, hiện thành phố đã triển khai xây dựng 3 hồ gồm: hồ ở khu đô thị Lakeview City (quận 2, nằm gần đường song hành đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây); hồ điều tiết ngầm thông minh trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) và hồ Khánh Hội (quận 4). Sau một thời gian vận hành, giải pháp này đã phát huy hiệu quả khi mưa lớn. Ngoài việc góp phần chống ngập, 95% lượng nước trong hồ được sử dụng để tưới cây xanh, phòng cháy chữa cháy và bổ sung lượng nước ngầm trong lòng đất, giúp chống lún cho khu vực.

Đánh giá về hiệu quả của dự án, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM Nguyễn Ngọc Công cho rằng, từ khi hồ điều tiết chống ngập đường Võ Văn Ngân được đưa vào vận hành thì khu vực này giảm ngập hẳn so với trước đây. 

Tiếp nối mô hình chống ngập này,  Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM đã chỉ đạo các quận huyện tiếp tục xây dựng lộ trình đầu tư xây dựng các hồ điều tiết giảm ngập. Hiện đề án quy hoạch 103 hồ điều tiết phân tán đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố thẩm định trước khi trình UBND TP phê duyệt. Trong đó, 2 hồ điều tiết rộng 6,2ha và 9,9ha (tại phường Linh Đông và phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng đã có nhà đầu tư quan tâm. 

Ngoài ra, UBND quận 12 đã phối hợp với Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM (WACC), Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCtech ứng phó với biến đổi khí hậu nghiên cứu xây dựng hồ điều tiết cho khu vực đường Nguyễn Văn Quá, đường Song Hành và quốc lộ 22…

Theo các chuyên gia, nếu triển khai sâu, rộng việc xây hồ điều tiết cũng như hồ thu gom nước mưa, lượng nước mưa tích trữ sẽ lên đến hàng chục triệu mét khối, giúp giảm được 30% tình trạng ngập úng trên địa bàn TP.HCM. 

TP.HCM đã có nhiều nỗ lực đảm bảo cho hầu hết người dân được sử dụng nguồn nước sạch. Tuy nhiên, hệ thống cấp nước thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một đô thị hiện tại và trong tương lai.

Thách thức lớn nhất, TP.HCM rất khó kiểm soát chất lượng nguồn nước thô, khi 2 con sông cung cấp nguồn nước thô cho thành phố là Đồng Nai và Sài Gòn vẫn đối mặt với tình trạng ô nhiễm. Bất chấp nhiều nỗ lực kiểm tra, xử phạt, hoạt động sản xuất, sinh hoạt dọc 2 con sông này vẫn đang xả nhiều chất thải chưa qua xử lý xuống sông.

Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn nước thô, cụ thể nước biển xâm nhập sâu vào sông, làm cho nước sông nhiễm mặn. Hậu quả, chi phí xử lý cho ra nước sạch tại nhiều nhà máy sản xuất nước đã tăng lên.

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), chi phí xử lý luôn “năm sau cao hơn năm trước”. Đây thực sự là gánh nặng cho đơn vị cấp nước khi vào mùa khô, nước sông xuống thấp, mức độ hòa tan, tự làm sạch các dòng sông yếu đi.

Trong bối cảnh này, việc thu gom nước mưa bằng cách xây bể hay làm hồ điều tiết nước cần được đẩy mạnh bằng các chính sách khuyến khích đầu tư”, TS Nguyễn Trung Việt nhận định.