20/04/2024 lúc 03:09 (GMT+7)
Breaking News

Xác định lại độ cao đỉnh Phan Xi Păng giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam

VNHN- Lần đầu tiên người Việt Nam bằng các phương tiện và phương pháp đo chính xác, hiện đại và đáng tin cậy nhất tự đo được độ cao của đỉnh Phan Xi Păng kể từ lần đo độ cao của người Pháp vào năm 1909.

VNHN- Lần đầu tiên người Việt Nam bằng các phương tiện và phương pháp đo chính xác, hiện đại và đáng tin cậy nhất tự đo được độ cao của đỉnh Phan Xi Păng kể từ lần đo độ cao của người Pháp vào năm 1909.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Phóng viên (PV): Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam vừa thông tin về kết quả xử lý dữ liệu và xác định độ cao đỉnh Phan Xi Păng. Theo đó, độ cao này chênh hơn 4 m so với kết quả vẫn được sử dụng chính thức trên nhiều tài liệu từ 110 năm qua là 3.143m do người Pháp đo đạc năm 1909. Ông có thể cho biết ý nghĩa của việc đo đạc này ?

Ông Phan Đức Hiếu: Đỉnh Phan Xi Păng là đỉnh núi cao nhất không chỉ của Việt Nam mà còn là nóc nhà của các nước Đông Dương. Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có những vị trí đặc trưng để công bố như: điểm cực Bắc, cực Đông, đỉnh núi cao nhất...Vì vậy, ở Việt Nam đỉnh Phan Xi Păng là đối tượng địa lý đặc trưng cho vị trí cao nhất của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Khi nói đến Phan Xi Păng mọi người đều biết đến là đỉnh cao nhất Việt Nam.

Việc xác định chính xác độ cao đỉnh Phan Xi Păng mang ý nghĩa quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chính thức thông tin địa lý để thống nhất sử dụng trong tài liệu, hướng dẫn du lịch, giáo dục, phục vụ nâng cao dân chí, hiểu biết của người dân để quảng bá hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

PV: Được biết đây là lần đầu tiên độ cao đỉnh Phan Xi Păng được Cục thực hiện bằng việc sử dụng công nghệ hiện đại. Vậy công nghệ này như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Đức Hiếu: Độ cao đỉnh Phan Xi Păng trước đây xác định qua một số giai đoạn với các phương pháp và có kết quả khác nhau, cụ thể là:

Năm 1909, độ cao đỉnh Phan Xi Păng được công bố từ người Pháp với giá trị độ cao là 3.142 m; năm 1944 trên bản đồ Bonne của Pháp thể hiện giá trị độ cao là 3.143m; năm 1965 bản đồ UTM của Mỹ giá trị độ cao là 3.143m; năm 1963, Cục bản đồ Nhà nước phối hợp với chuyên gia Trung Quốc xác định độ cao là 3148,5m; năm 2005, Cục Bản đồ -Bộ Tổng tham mưu phối hợp với các chuyên gia đo đạc bản đồ xác định độ cao là 3147,3m.

Đến tháng 5 năm 2019, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã sử dụng công nghệ định vị vệ tinh GNSS hiện đại và tiên tiến nhất trong điều kiện Việt Nam với quy trình đo, phương pháp xử lý dữ liệu chặt chẽ, khoa học và tin cậy đã xác định độ cao đỉnh Phan Xi Păng là 3147,3m.

PV: Thưa ông, việc sử dụng công nghệ hiện đại trong đo đạc đã khắc phục được những khó khăn gì so với công nghệ cũ; nhiều địa danh, công trình sử dụng công nghệ cũ để đo đạc có khả năng bi sai số như Phan Xi Păng hay không?

Ông Phan Đức Hiếu: Hiện nay ở Việt Nam, trong các công trình đo đạc đã và đang sử dụng nhiều thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Việc sử dụng công nghệ tiên tiến giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về chính xác, nhanh chóng và hiệu quả với độ chính xác xác định tọa độ, độ cao đến cm, thậm chí đến mm.

Độ chính xác xác định đối tượng địa lý được quy định cụ thể trong các công trình, dự án tùy thuộc vào từng yêu cầu cụ thể của từng loại sản phẩm đo đạc và bản đồ và được quy định rất chặt chẽ trong các văn bản quy định kỹ thuật hiện hành.

Tuy nhiên, hiện nay một số đối tượng địa lý đặc trưng quốc gia đang do các địa phương tự xác định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra và thẩm định lại để công bố chính thức.