20/04/2024 lúc 06:36 (GMT+7)
Breaking News

Xã Huy Giáp, Cao Bằng: Bứt phá “thí điểm kép” cán đích nông thôn mới

Vượt qua đoạn đường dốc quanh co trên dãy núi cao hùng vĩ, chúng tôi đến với xã Huy Giáp (Bảo Lạc). Nơi đây bồng bềnh mây trắng vắt trên lưng núi, thấp thoáng những mái nhà sàn còn thuần nét văn hóa bản địa, chúng tôi được nghe dân bản, cán bộ xã kể về đổi mới tư duy xây dựng những “bản làng đáng sống” cán đích nông thôn mới (NTM) sau 10 năm (2011 - 2020) thực hiện.

Vượt qua đoạn đường dốc quanh co trên dãy núi cao hùng vĩ, chúng tôi đến với xã Huy Giáp (Bảo Lạc). Nơi đây bồng bềnh mây trắng vắt trên lưng núi, thấp thoáng những mái nhà sàn còn thuần nét văn hóa bản địa, chúng tôi được nghe dân bản, cán bộ xã kể về đổi mới tư duy xây dựng những “bản làng đáng sống” cán đích nông thôn mới (NTM) sau 10 năm (2011 - 2020) thực hiện.

Trung tâm xã Huy Giáp (Bảo Lạc).

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Huy Giáp Lương Văn Mão cho biết: Năm 2010 trở về trước, tuy bà con sống giữa thế mạnh của rừng nhưng sản xuất lạc hậu, kinh tế chậm phát triển, đời sống khó khăn, còn gần 50% hộ nghèo, hộ cận nghèo. Do vậy, người dân từ lao động, canh tác đến trẻ em đi học, làm nhà, xây dựng hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm… đều trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Khó nhất là “đả thông” tư tưởng cho bà con, phần lớn lớp trung niên, người già là chủ hộ chưa thông thạo tiếng phổ thông nên rất khó thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm mới.  

Năm 2011, Huyện ủy Bảo Lạc giao cho xã thực hiện “thí điểm kép” xây dựng NTM, triển khai bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã theo chủ trương nhất thể hóa các chức danh. Cùng thời điểm xã nhận hai nhiệm vụ làm thí điểm mà xuất phát điểm thấp trong xây dựng NTM đã đặt ra bài toán khó cho cán bộ xã, đặc biệt là người đứng đầu.

Cây trúc xã Huy Giáp (Bảo Lạc) cho thu nhập cao.

Đồng chí Ma Xuân Hoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Huy Giáp (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã giai đoạn 2009 - 2018) chia sẻ về giải quyết khó khăn của xã khi đó: Huyện ủy giao cho xã triển khai thí điểm hai nhiệm vụ vừa là vinh dự, song cũng là nhiệm vụ quan trọng mà cán bộ xã cần quyết tâm vượt khó, không lùi bước. Tôi phân tích ưu thế vai trò lãnh đạo nhất thể hóa (Đảng và chính quyền) xây dựng cho mình kế hoạch, các phương án triển khai hiệu quả.

Nhưng quan trọng nhất là xây dựng được đội ngũ cán bộ xã trẻ, năng động, nhiệt huyết, bám dân và nghe dân, lấy nguyện vọng của dân làm cơ sở triển khai nhiệm vụ. Phân tích từng mặt mạnh, yếu của xã, tôi và Thường vụ Đảng ủy xã nhiều lần họp bàn và quyết tâm thực hiện “cuộc cách mạng” từ cán bộ xã đến người dân.

Nông dân xã Huy Giáp (Bảo Lạc) thu hoạch cây trúc.

Để gần dân, hiểu dân, Ban Thường vụ Đảng ủy xã chỉ đạo cán bộ xã học tiếng dân tộc Dao, Mông để thường xuyên làm việc trực tiếp với dân, nghe dân phản ánh, định hướng “cầm tay chỉ việc” cho dân. Hằng tuần, tháng báo cáo cụ thể tình hình từng xóm cho Ban Thường vụ Đảng ủy xã, cuộc họp Đảng ủy và chính quyền xã có khó khăn, vướng mắc gì tháo gỡ ngay.

Ban Thường vụ Đảng ủy xã chỉ đạo, yêu cầu cán bộ xã dịch nghị quyết của Đảng bộ xã sang tiếng dân tộc Dao, Mông để tuyên truyền cho bà con hiểu chủ trương của Đảng, nắm tình hình từng xóm, từng hộ dân. Thí điểm 5 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng xóm và lấy đó làm điểm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để các xóm khác học tập.

Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã về phát triển kinh tế, giảm diện tích trồng ngô, chăn nuôi bò chuyển sang trồng trúc sào với công thức: cây trúc sào + cây gỗ công nghiệp + cây ăn quả. Cán bộ xã trực tiếp tìm hiểu thị trường, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Được cán bộ xã phân tích, tuyên truyền đổi mới tư duy chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, bà con nghe theo hướng dẫn của cán bộ xã trồng trúc sào, cây lấy gỗ, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi.  

Rượu trúc xã Huy Giáp (Bảo Lạc).

Ông Lý Văn Công, xóm Bản Ngà phấn khởi nói: Vẫn đất rừng năm xưa của mình nhưng nghe và làm theo cán bộ xã phân tích, hướng dẫn, tôi thấy không quá khó mà phải biết nắm bắt. Núi rừng nơi đây phù hợp với trồng trúc, trước đây dân bản trồng nhỏ lẻ, giờ trồng nhiều hơn và trồng thêm cây lây gỗ, chờ 5 - 6 năm cây trúc, cây lấy gỗ lớn xuất bán rồi trồng cây ngắn ngày, cây ăn quả (mận máu, lê), chăn nuôi lợn đen, gà thương phẩm. Cứ thế các xóm học tập nhau, tác động đến từng người dân, từng hộ trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp.

Khi bà con hiểu về đổi mới sản xuất, xã tích cực vận động bà con mở rộng trồng cây trúc sào, từ bản Pác Trà, Phiêng Pản, Nặm Cốp... gần trung tâm xã đến bản trên núi cao Pác Lũng, Pù Ngào... Huy động nguồn vốn từ Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Quyết định 120 cho hộ nghèo từ giống, kỹ thuật… Trưởng xóm Pác Lũng Lý Văn Hẩn chia sẻ: Được cán bộ xã hướng dẫn tận tình nên người dân vướng ở đâu là cán bộ đến tháo gỡ, do vậy được bà con hưởng ứng, tăng diện tích trồng trúc, trồng cây lấy gỗ...

Những xóm ở trên núi cao không có đường vận chuyển cây trúc, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đến trao đổi trực tiếp với bà con cùng thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động nguồn vốn Nhà nước và vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ. Xã còn mời cơ quan chức năng đến khảo sát, thành lập Ban Chỉ huy công trường để triển khai thực hiện. Tháo gỡ khó khăn hợp với lòng dân nên bà con các xóm quyết tâm mở đường vượt núi cho xe chở trúc, gỗ ra trung tâm xã bán.

Để nâng cao dân trí, Ban Thường vụ Đảng ủy xã chỉ đạo cán bộ trực tiếp tuyên truyền, vận động bà con cho trẻ em đến trường đúng độ tuổi. Tiền phụ cấp cho học sinh vùng khó khăn không phát về cho gia đình mà đề nghị giáo viên tổ chức nấu ăn cho các cháu tại trường; huy động xã hội hóa xây dựng ký túc xá cho học sinh ăn theo mô hình bán trú nên thu hút trẻ em đi học.

Sau 5 năm (2011 - 2015) triển khai thí điểm “nhiệm vụ kép”, đời sống của bà con bắt đầu bứt phá. Người đứng đầu “một vai hai việc” Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và đội ngũ cán bộ năng động, đổi mới, nâng cao năng lực, chuẩn hóa, trẻ hóa, gần dân, sát dân, giải quyết những nhu cầu bức thiết, nguyện vọng của nhân dân trong thực hiện mục tiêu lớn của xã. Nghị quyết Đảng bộ xã tập trung xây dựng NTM, từng bước đạt tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, giảm hộ nghèo; văn hóa, giáo dục, tăng thu nhập cho nông dân, phát triển cây trồng, vật nuôi đặc hữu của địa phương để sản xuất hàng hóa, xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ.

Qua đó, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, diện tích trúc ngày càng nhân rộng, mỗi vụ bán được 20 - 100 triệu đồng/hộ; ngoài ra còn thu nhập từ hàng nông sản, thịt lợn đen, mận máu, lê vàng…; nhiều hộ xây nhà, mua xe ô tô, xe máy, xe công nông… Bà con phấn khởi hiểu xây dựng NTM là làm cho cuộc sống tốt hơn nên tích của thực hiện các tiêu chí NTM.

Từ kết quả nhiệm kỳ trước, giai đoạn 2015 - 2020, cán bộ xã quyết tâm cùng bà con vươn lên đưa xã cán đích 19 tiêu chí NTM. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Huy Giáp Lương Văn Mão là cán bộ trẻ thế hệ 8X năng động, nhiệt huyết tâm sự: Khó nhất trong thực hiện các tiêu chí là tăng thu nhập, tạo việc làm, giảm hộ nghèo, xác định được chiến lược phát triển kinh tế theo công thức: cây trúc sào + cây gỗ công nghiệp + cây ăn quả + chăn nuôi lợn đen thương phẩm…, đặc biệt xã kết nối để đưa các sản phẩm nông sản địa phương ra thị trường. Cây trúc sào, thịt lợn đen, cây ăn quả trở thành cây, con hàng hóa cho nhân dân bứt phá vươn lên thoát nghèo, từ đó nâng cao nhận thức, phát huy nội lực cùng Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở, thực hiện các tiêu chí NTM.

Ngỡ ngàng hơn, đến với xã đạt chuẩn NTM, chúng tôi được cán bộ xã đưa đi trải nghiệm “bản làng đáng sống” gắn với văn hóa cây trúc tại  Bản Ngà, Pác Trà, Phiêng Pản, Nặm Cốp…, được hòa mình vào rừng trúc xanh ngút ngàn như trong chuyện cổ tích, đến sàn nhà giữa rừng trúc xem rổ, rá, bàn ghế trúc... Trong nhà sàn ở bản Phiêng Pản, chúng tôi được thưởng thức các món ăn từ măng trúc, thịt lợn đen, gà đen, uống rượu ngâm trong thân cây trúc vàng óng, êm dịu nồng nàn.

Câu chuyện tiềm năng văn hóa cây trúc gắn với không gian bản địa người Dao, Mông trong rừng trúc của cán bộ xã với chúng tôi và một số gia đình được bàn luận sôi nổi. Trong tương lai không xa, với sự năng động của cán bộ xã, sự quan tâm của các cấp, ngành sẽ xây dựng xã Huy Giáp không chỉ là xã điểm xây dựng NTM mà còn là điểm đến hấp dẫn với những “bản làng đáng sống” gắn với văn hóa cây trúc để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, khám phá.