20/04/2024 lúc 15:33 (GMT+7)
Breaking News

Vụ bê bối tình báo lớn nhất thế kỷ của CIA ảnh hưởng tới hiện tại

VNHN - Trong nhiều thập kỷ, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã lợi dụng một công ty mã hóa mang tên Crypto AG để bí mật do thám nhiều quốc gia, trong đó có cả đồng minh lẫn kẻ thù.

VNHN - Trong nhiều thập kỷ, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã lợi dụng một công ty mã hóa mang tên Crypto AG để bí mật do thám nhiều quốc gia, trong đó có cả đồng minh lẫn kẻ thù.

Trong hơn nửa cuối thế kỷ XX, phần lớn quốc gia trên thế giới đều tin tưởng vào Crypto AG, một công ty mã hóa của Thụy Sỹ để bí mật luân chuyển thông tin tình báo, thông qua các thiết bị mã hóa do công ty này cung cấp. Thế nhưng, Mỹ, cụ thể là CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã lợi dụng công ty này để đánh cắp thông tin liên lạc của nước ngoài một cách âm thầm và lặng lẽ trong hàng thập kỷ liền.

Theo Washington Post, Crypto AG có trụ sở tại thành phố Steinhausen, bang Zug (Thụy Sỹ), dựa vào việc sản xuất thiết bị mã hóa cho Quân đội Mỹ trong Thế chiến II và giành được sự tin tưởng của hàng loạt quốc gia khác. Hơn 120 quốc gia, trong đó có các quốc gia Mỹ Latinh, Iran, Ấn Độ, Pakistan, thậm chí là cả thành Vatican, đều là khách hàng của công ty này, ngoại trừ Trung Quốc và Nga. Crypto AG do kỹ sư người Thụy Điển Arvid Gerhard Damm (1869–1927) thành lập vào năm 1920 tại Stockholm, với cái tên AB Cryptoteknik.

Ban đầu, công ty này chuyên sản xuất máy mã hóa cơ học C-36. Sau khi ông Damm mất, doanh nhân người Thụy Điển gốc Nga Boris Hagelin (1892 -1983) đã nắm trọn quyền kiểm soát AB Cryptetknik và đổi tên thành Crypto AG. Dựa trên thiết kế của C-36, Hagelin đã sáng chế ra máy mã hóa M-209 nhỏ gọn, không cần dùng điện, thích hợp cho chiến trường. Mong ước lớn nhất của Hagelin là bán chiếc máy này cho quân đội Mỹ.

Khi Đức xâm chiếm Na Uy vào năm 1940, ông đã đến Mỹ, giới thiệu chiếc máy này cho Cơ quan Do thám Tín hiệu Mật mã (SIS - tiền thân của NSA). Kết quả là, Hagelin đã ký được hợp đồng sản xuất 140.000 chiếc M-209 cho quân đội Mỹ, thu về khoảng 8,6 triệu USD. Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1948, Hagelin chuyển về sống tại Steinhausen và năm 1952, ông cũng đưa trụ sở Crypto AG về thành phố này. Trong khoảng thời gian ở Mỹ, Hagelin làm quen và trở thành bạn thân thiết với William F. Friedman (1891–1969), người được coi là cha đẻ của ngành mã hóa Mỹ, sau này trở thành nhà mã thám số một của NSA vào năm 1952.

Cùng năm, luật sư của Hagelin, Stuart Hedden nhận chức Tổng Thanh tra của CIA. Đầu những năm 1950, Borsi Hagelin đã phát triển phiên bản tiên tiến hơn chiếc M-209 với trình tự cơ học mới, làm các nhà phá mã Mỹ gặp không ít khó khăn. Đây cũng là khoảng thời gian mà CIA gọi là “thời kỳ đen tối của mã học Mỹ” do ba đối thủ chính của Mỹ là Liên Xô, Trung Quốc và Triều Tiên sử dụng hệ thống mật mã hoàn toàn không thể phá giải.

Các cơ quan gián điệp Mỹ lo rằng, nếu phần còn lại của thế giới sử dụng chiếc máy mới của Hagelin, Mỹ sẽ thực sự thua cuộc trong cuộc đua tình báo này. Từ khi sang Mỹ, Boris Hagelin luôn một lòng trung thành với quốc gia này, nhưng thực ra, ông trung thành với tiền là chính. Và mối quan hệ của ông với những quan chức cấp cao của Mỹ đã giúp ông kiếm được một khoản kếch xù trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Crypto AG và Mỹ đã thầm lặng nhất trí chỉ bán những chiếc máy hiện đại nhất cho những quốc gia được Mỹ chấp thuận, số còn lại chỉ nhận về những chiếc máy cũ kĩ.

Máy mã hóa H-460 của Crypto AG là mẫu máy được bán ra cho các quốc gia trên thế giới, và bị NSA sửa đổi phần điện tử bên trong.

Năm 1970, CIA và NSA cùng Cơ quan Tình báo Đức (BND) "bắt tay" bí mật mua lại Crypto AG với giá 5,75 triệu USD và kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động của Crypto, như tuyển dụng, thiết kế công nghệ mã hóa, phá hoại các thuật toán và thậm chí là mục tiêu bán hàng. Các cơ quan tình báo này đã bí mật sửa đổi thiết bị mã hóa bán cho các chính phủ nước ngoài, nhằm dễ dàng phá tin nhắn mã hóa. Sau đó, tất cả những gì mà điệp viên Mỹ và Đức phải làm là ngồi lại, thoải mái lắng nghe bí mật quốc gia dồn đến cơ quan tình báo của mình, đơn giản như việc bật đĩa nghe nhạc cổ điển vậy.

Chiến dịch này được định danh là “Thesaurus” và sau đó là “Rubicon”, kéo dài hàng chục năm liền. Thông tin về chiến dịch đã được tờ Washington Post và đài ZDF (Đức) tổng hợp và công bố cách đây một tuần, bao gồm đầy đủ từ những ai ở CIA điều hành chiến dịch, đến nguồn gốc và những xung đột nội bộ của hợp tác Mỹ - Tây Đức.

Theo như bộ hồ sơ mật của CIA mà Washington Post thu thập được, Mỹ đã dễ dàng theo dõi hoạt động liên lạc của Iran trong cuộc khủng hoảng con tin năm 1979, đưa thông tin tình báo cho Anh về quân đội Argentina trong cuộc chiến Falkland năm 1982, theo dõi chiến dịch ám sát của các nhà độc tài Nam Mỹ, và nghe trộm các quan chức Libya chúc mừng nhau sau vụ đánh bom vũ trường ở Berlin năm 1986.

Vào những năm 1980, công ty Thụy Sỹ đã cung cấp cho NSA khoảng 40% thông tin liên lạc nước ngoài và thông tin tình báo khác. “Đây thực sự là hoạt động tình báo táo bạo nhất thế kỷ XX”, báo cáo của CIA kết luận. Các quốc gia đã phải trả tiền cho Mỹ và Đức để mua các thiết bị mã hóa do Mỹ sản xuất và rồi bị hai quốc gia này (có thể là thêm một số đồng minh khác) đọc toàn bộ thông tin tình báo bí mật nhất mà không hề hay biết gì. Chưa kể nhiều chính phủ các nước khác rót nhiều tiền mua lại thông tin tình báo mà Mỹ và Đức thu được.

Tuy nhiên, chương trình này cũng có giới hạn nhất định bởi các đối thủ chính của Mỹ, bao gồm Liên Xô và Trung Quốc, không phải là khách hàng của Crypto. Những quốc gia này đã nghi ngờ sự minh bạch và mối quan hệ của Crypto với phương Tây từ lâu. Thế nhưng, những tài liệu của CIA lại cho thấy, các điệp viên Mỹ đã nghiên cứu được khá nhiều bằng cách theo dõi các cuộc nói chuyện của các quốc gia khác với Moscow và Bắc Kinh.

Sau đó, một số sai lầm khác cũng suýt khiến chương trình của CIA bị đổ vỡ. Tài liệu những năm 1970 cho thấy có mối liên quan giữa nhà sáng lập Crypto và một quan chức cấp cao của CIA. Phát biểu bất cẩn của quan chức Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Ronald Regan cũng khiến các quốc gia khác phần nào nghi ngờ. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác Mỹ-Đức được cho là đã bị “ám ảnh” bởi những xích mích về các vấn đề như tài chính đạo đức ngay từ đầu. Đối với CIA, BND dường như tập trung vào việc kiếm tiền, người Mỹ cần “luôn nhắc nhở người Đức rằng đây là một hoạt động tình báo”.

Còn Đức thì ngạc nhiên khi Washington theo dõi tất cả các đối tượng, thậm chí là đồng minh thân cận như các thành viên NATO Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy… Hãng truyền thông Deutsche Welle ngày 12/2 cho biết, năm 1993, BND đã rút khỏi hoạt động này và bán cổ phần của mình tại Crypto AG cho CIA. Đức cho rằng hoạt động này có tính rủi ro cao, nhiệm vụ ưu tiên của Đức cũng có nhiều thay đổi sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Chuyên gia tình báo người Đức Schmidt-Einbaum cho rằng, các cơ quan tình báo phương Tây nhiều khả năng cũng có mối liên hệ “mờ ám” với Crypto AG.

Năm 1992, một nhân viên bán hàng của công ty đã bị bắt ở Iran và phải ngồi tù vài tháng, BND bị cáo buộc đã trả 1 triệu USD để đổi lấy tự do cho nhân viên này. Sự cố này cũng là một trong những lý do khiến Đức quyết định không tham gia hoạt động. Sau khi Đức rút lui, CIA tiếp tục kiểm soát Crypto AG và không ai biết khi nào Mỹ sẽ kết thúc hoạt động này.

Khi công nghệ trực tuyến lên ngôi với ứng dụng mã hóa tiên tiến hơn thiết bị của Crypto AG, CIA bán công ty cho các doanh nghiệp ở Thụy Sỹ năm 2018, theo Washington Post. Hai công ty CyOne và Crypto International mua lại cổ phần của Crypto AG, khẳng định không có bất kỳ mối liên hệ nào với CIA hay BND.

Hiện tại, CIA và BND vẫn chưa đưa ra bình luận nào, các quan chức Mỹ và Đức cũng chưa lên tiếng về tính xác thực của báo cáo này. Còn Chính phủ Thụy Sỹ đã chỉ định một thẩm phán liên bang về hưu điều tra việc này, đồng thời Thụy Sỹ đã đình chỉ giấy phép xuất khẩu đối với CyOne và Crypto International. Tuy nhiên, động thái này của Thụy Sỹ cũng khá kỳ lạ. Báo cáo của CIA và BND cho thấy Thụy Sỹ từ lâu đã biết về chân tướng sự việc của Crypto, nhưng chỉ can thiệp sau khi biết rằng vụ việc sắp sửa bị phơi bày.

Suy cho cùng, đối với Mỹ, chiến dịch Rubicon là một thành công lớn của tình báo nước này, giúp họ giành lợi thế trong Chiến tranh Lạnh, theo dõi tình hình các nước để bảo vệ chính mình và đồng minh. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra, từ việc Mỹ biết gì và có thể làm gì với thông tin đó? Liệu Mỹ có thể ngăn chặn một số thảm họa của thế giới được không hay sẵn sàng ngó lơ? Quan hệ giữa Mỹ, Đức và Crypto kéo dài đến đâu?. 

Nhưng vấn đề lớn nhất, chính là việc Mỹ đã bỏ qua vấn đề đạo đức cơ bản, phản bội đồng minh, lừa gạt các kỹ sư và nhân viên bán hàng ở Crypto vì lợi ích của bản thân. Bobby Ray Inman, nguyên Giám đốc NSA và Phó Giám đốc CIA nói với Washington Post rằng: “Tôi không hề có chút hối hận nào. Đây là một nguồn thông tin liên lạc của phần lớn của thế giới, rất có giá trị và cực kỳ quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ.”