29/03/2024 lúc 20:35 (GMT+7)
Breaking News

Vĩnh Phúc: Quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong đại dịch

Đi qua nửa năm 2021, kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc tạo được nhiều dấu ấn với tổng thu ngân sách tăng 19,1% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,21%, đứng thứ 3 toàn quốc và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá vật liệu xây dựng tăng cao đã khiến việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm.

Đi qua nửa năm 2021, kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc tạo được nhiều dấu ấn với tổng thu ngân sách tăng 19,1% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,21%, đứng thứ 3 toàn quốc và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá vật liệu xây dựng tăng cao đã khiến việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm.

Thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, nhất là Nghị quyết số 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, ngay từ đầu năm, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng treiẻn khai các bước công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm tra thiết kế kỹ thuật bảo vệ thi công – dự toán, đấu thầu, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là xác định rõ nguồn vốn trước khi quyết định chủ trương đầu tư. 

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thẩm định 96 chủ trương đầu tư; thẩm định 258 dự án đầu tư; thẩm tra thiết kế bản vẽ tài chính – dự toán 25 công trình, hạng mục. 100% kế hoạch đấu thầu được thẩm định đúng thời hạn hoặc xong trước thời gian quy định. Hình thức lựa chọn nhà thầu được cơ quan thẩm định áp dụng đúng các tiêu chí, điều kiện theo quy định. Quá trình thẩm định, thẩm tra đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh chủ đầu tư khắc phục các sai sót, thực hiện đúng quy trình thủ tục về quản lý xây dựng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước gần 140 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để có mặt bằng sạch giao cho các đơn vị thi công, từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc đã tập trung làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn như: Dự án khu trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên, khu công nghiệp Tam Dương II, khu liên hợp thể thao; dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương; dự án Cầu Đầm Vạc…

Đặc biệt, với nguyên tắc phân bổ là ưu tiên cho thanh toán nợ, công trình chuyển tiếp và chỉ bố trí vốn cho các dự án mới khi bảo đảm đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay từ đầu năm, Vĩnh Phúc đã giao 4.224,044 tỷ đồng vốn đầu tư cho các ngành, địa phương.

Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm vẫn chậm. Tính đến 30/6, Vĩnh Phúc mới giải ngân được trên 2.323 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch. Trong đó, cấp tỉnh đạt 15,6% kế hoạch, cấp huyện đạt 30,6%. Riêng các dự án lớn do các ban quản lý dự án cấp tỉnh và cấp sở, ngành, địa phương làm chủ đầu tư mới đạt khoảng 15%.

Việc giải ngân đạt thấp là do đến tháng 4, Trung ương mới có văn bản hướng dẫn, thông báo số vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2021. Hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản còn chồng chéo và liên tục thay đổi; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm còn nhiều khó khăn, vướng mắc; việc phân cấp các thủ tục đầu tư chưa triệt để. 

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng tới việc triển khai thi công nhiều dự án; giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, nhất là thép xây dựng có thời điểm tăng khoảng 40% -50% so với đầu năm. Ngoài ra, các chủ đầu tư tập trung chủ yếu thanh toán toán khối lượng hoàn thành các công trình quyết toán, hoàn ứng năm 2020 trở về trước. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và có những diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn chậm; giá vật liệu xây dựng biến động, tăng lên làm tăng giá trị dự toán xây dựng công trình.

Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 202, trong đó có nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 kéo dài theo 3 phương án. Riêng với đầu tư công, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, chủ đầu tư tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; xem xét thu hồi kế hoạch đầu tư của các sở, ngành địa phương đến ngày 30/9/2021 giải ngân dưới 60% để điều chỉnh, bổ sung cho các sở, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân tốt. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp công tác chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra về quản lý các dự án đầu tư xây dựng. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị các điều kiện xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022.