19/04/2024 lúc 22:05 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam với cơ hội vào chuỗi giá trị toàn cầu

VNHN - Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất lớn của thế giới, nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tìm đến Việt Nam, mong muốn hợp tác với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng DN nhỏ và vừa (NVV). Tuy nhiên, do DN trong nước chưa hội nhập sâu chuỗi giá trị toàn cầu (CGTTC) nên đã bỏ lỡ mất cơ hội này.

VNHN - Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất lớn của thế giới, nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tìm đến Việt Nam, mong muốn hợp tác với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng DN nhỏ và vừa (NVV). Tuy nhiên, do DN trong nước chưa hội nhập sâu chuỗi giá trị toàn cầu (CGTTC) nên đã bỏ lỡ mất cơ hội này.

Tại sự kiện “Ngày hội cung cấp 2019” do Hiệp hội Thương mại Mỹ phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ lần đầu được tổ chức tại Hà Nội, đã có hơn 60 nhà cung cấp là DNNVV Việt Nam và hơn 300 doanh nhân, trong đó có nhiều đại diện DN lớn của Mỹ tham dự, đánh dấu một bước phát triển quan trọng về chất lượng và quy mô của chương trình liên kết CGTTC tại Việt Nam. Đây cũng là minh chứng rõ nét nhất về sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, những cơ hội cụ thể nhất mà DN Việt Nam cần phải nắm bắt.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đặc biệt trong hai thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, đang có những thách thức trong việc tăng cường khả năng định vị vai trò của DN. DNNVV hiện chiếm tới 98% số DN nhưng chỉ đóng góp khoảng 40% vào GDP, chỉ một phần tư số DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá trị tiềm năng của nội địa hóa trong xuất khẩu thông qua CGTTC của Việt Nam là 115 tỷ USD, tiềm năng phát triển cho Việt Nam qua việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu khoảng 58 tỷ USD. Tuy nhiên, do DN Việt Nam không hội nhập sâu CGTTC nên đã bỏ lỡ mất cơ hội này.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương cũng cho rằng, DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV, đang có nhiều cơ hội hợp tác với DN nước ngoài. Việt Nam trở thành công xưởng lớn trên thế giới, nhiều NĐT, DN lớn ở các quốc gia đang đến Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác.

Tuy nhiên, nghiên cứu từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy, chỉ khoảng 20% số DNNVV tham gia chuỗi cung ứng, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu với các diễn biến thương mại khó lường, sự hợp tác giữa DN Việt Nam với các DN nước ngoài là chìa khóa để phát triển, điều quan trọng nhất là sự nỗ lực của DN Việt Nam.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, liên tục trong những năm qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng và 56% trong số đó được đổ vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo. Tuy nhiên, số DN Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng của các DN FDI là hết sức hạn chế, đặc biệt ở những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao như sản xuất ô-tô, thiết bị điện tử.

Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đánh giá các DN nước ngoài thường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp và tiến độ giao hàng, trong khi nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được. Về bản chất, khó khăn này thuộc loại chủ quan, nếu DN Việt Nam không tự vươn lên thì sẽ không thể tham gia “cuộc chơi”. Tuy nhiên, thực tế cũng cần nhìn nhận DN Việt Nam hầu hết là DNNVV nên thông thường luôn có suy nghĩ có đơn hàng chắc chắn, có đầu ra bảo đảm mới dám vay vốn, đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tuyển dụng nhân lực trình độ cao… Trừ việc đăng ký thành lập DN hiện khá thuận lợi, còn khi xin cấp giấy phép về kinh doanh, giấy phép xây dựng, các loại giấy phép về môi trường, về an toàn lao động và phòng cháy, chữa cháy… hầu hết đều vướng thủ tục rườm rà, phức tạp, lãng phí thời gian và làm nản lòng DN. Vì vậy, để giải quyết câu chuyện trên, ngoài việc các DN cả hai phía có sự phối hợp chặt chẽ, tạo dựng lòng tin, nâng cao năng lực quản trị rủi ro… cần thêm sự hỗ trợ từ các hiệp hội, tổ chức tư vấn đầu tư, tổ chức tín dụng…

Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam, nhìn nhận sở dĩ năng lực tham gia CGTTC của DN Việt Nam còn yếu là do đang phải đối mặt với các khó khăn, rủi ro tiềm ẩn. Nhiều bài học cho thấy những thương hiệu Việt Nam bị lép vế trên “sân nhà” là do chịu ảnh hưởng bởi chính sách chưa ổn định, rủi ro khi thiếu thông tin thị trường, tư duy quản lý lạc hậu, công nghệ cũ… Điều đó dẫn tới cơ hội vươn ra thị trường quốc tế của DN Việt vẫn đang là hạn chế và khó vượt qua. Vì vậy, môi trường kinh doanh cần phải cải thiện hơn nữa, thủ tục hành chính thuận lợi, thông thoáng là công cụ hỗ trợ DN Việt lớn mạnh.

Cùng quan điểm nêu trên, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội nhận định, con số DNNVV Việt Nam tham gia CGTTC còn khiêm tốn so khu vực và thế giới. Bởi vậy, DN cần quyết tâm đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tạo dựng thương hiệu… Đặc biệt, Nhà nước đang có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho những ngành, lĩnh vực phù hợp thế mạnh của DN Việt Nam như: nông nghiệp công nghệ cao, thiết kế sản xuất phần mềm, dịch vụ du lịch, công nghiệp hỗ trợ… đều là những lĩnh vực có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.