19/04/2024 lúc 05:44 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam 'thăng hạng' trong Báo cáo Nhập khẩu toàn cầu của Mỹ

VNHN - Trong danh sách nhà xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Mỹ, Việt Nam đã “nhảy” 4 bậc, từ vị trí thứ 6 năm 2015 lên vị trí thứ 2 vào năm 2020.

VNHN - Trong danh sách nhà xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Mỹ, Việt Nam đã “nhảy” 4 bậc, từ vị trí thứ 6 năm 2015 lên vị trí thứ 2 vào năm 2020.

Ngày 14/9 vừa qua, Jungle Scout (công cụ bổ trợ bán hàng hàng đầu trên Amazon) công bố Báo cáo Nhập khẩu Toàn cầu năm 2020, trong đó phân tích dữ liệu nhập khẩu bằng đường biển của Mỹ giai đoạn 2015-2020 từ tất cả các quốc gia và trên tất cả các lĩnh vực.

Báo cáo nêu bật những thay đổi đáng kể trong bảng xếp hạng các quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất vào thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam, và cho thấy bối cảnh thương mại quốc tế đã thay đổi như thế nào trong đại dịch Covid-19.

Mặc dù nhập khẩu vào Mỹ tăng đều trong những năm qua, song tổng nhập khẩu năm 2020 dự kiến giảm 4,8% so với năm 2019. Từ nửa đầu năm 2019 đến nửa đầu năm 2020, có 143 quốc gia giảm xuất khẩu sang Mỹ với mức giảm trung bình 21%.

Ảnh minh họa

Chiếm 41% tổng thị phần nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc giữ vững vị trí dẫn đầu trong số hơn 200 quốc gia xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Trung Quốc cũng đứng đầu về chủng loại sản phẩm.

Việt Nam thăng hạng

Trong danh sách nhà xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Mỹ, Việt Nam đã “nhảy” 4 bậc, từ vị trí thứ 6 năm 2015 lên vị trí thứ 2 vào năm 2020. Tính từ năm 2015 đến nay, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 72% và tăng 65% trong tỉ trọng nhập khẩu của Mỹ.

Cùng trong khoảng thời gian này, gần như tất cả 10 “nhà cung cấp” hàng đầu khác của Mỹ đều giảm lượng hàng xuất khẩu sang thị trường này, ngoại trừ mức tăng nhỏ của Trung Quốc, Bỉ và Thái Lan.

Trong quý II/2020, Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan đều ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 giảm đáng kể. Ba nước này cũng nằm trong số ít các quốc gia có nhập khẩu dương so với cùng kỳ năm 2019.

Tương tự, ở Ấn Độ, khi số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng từ tháng 3, lượng hàng hóa Mỹ nhập từ Ấn Độ cũng giảm đáng kể và cả hai xu hướng này tiếp tục duy trì đến tháng 6.

Triển vọng phục hồi

Các quốc gia phục hồi sớm sau sự gián đoạn kinh tế năm 2020 có nhiều triển vọng hơn, các các nước này đều ở châu Á. Trong nửa đầu năm 2020, chỉ có 5 trong số 20 quốc gia có mức tăng trưởng thuần dương so với cùng kỳ năm 2019 và tất cả đều ở châu Á: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Dù Việt Nam, Malaysia và Singapore có mức tăng trưởng hàng năm hơn 100% trong tháng 2 và tháng 3, song các mức tăng này không bù đắp được tỷ trọng nhập khẩu lớn bị mất từ Trung Quốc trong những tháng đó.

Giám đốc điều hành của Jungle Scout, Greg Mercer cho biết: “Gián đoạn kinh tế không phải là điều gì mới đối với năm 2020, nhưng một số tác động chỉ mới khởi phát. Các doanh nghiệp lớn và nhỏ của Mỹ đều phụ thuộc vào nhập khẩu, vì vậy điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng và chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể thích ứng".

Báo cáo Nhập khẩu toàn cầu 2020 được tổng hợp dựa trên dữ liệu nhập khẩu bằng đường biển của Mỹ từ 237 quốc gia, tính từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2020.

Jungle Scout đã phân tích số liệu dựa trên hơn 63 triệu hồ sơ nhập khẩu này của Mỹ, bao gồm thông tin về bên gửi hàng, lô hàng, quốc gia xuất khẩu và danh mục được trích xuất.