20/04/2024 lúc 10:14 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam nhất quán trong thực hiện đường lối đối ngoại

VNHN - Ngày 5/3 mới đây, nhóm tàu tác chiến sân bay Hoa Kỳ gồm: Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52) cập cảng thăm Đà Nẵng và rời Đà Nẵng ngày 9/3.

VNHN - Ngày 5/3 mới đây, nhóm tàu tác chiến sân bay Hoa Kỳ gồm: Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52) cập cảng thăm Đà Nẵng và rời Đà Nẵng ngày 9/3.

Họp báo giới thiệu chương trình, nội dung chuyến thăm của Đoàn tàu Hải quân Hòa Kỳ tại Đà Nẵng

Đây là hoạt động kỷ niệm 25 năm bình thường quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (1995-2020). Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, trong chuyến thăm này, cả hai bên phối hợp tổ chức một số hoạt động giao lưu về nhân đạo và hữu nghị, thể hiện quan hệ giữa hai nước thời kỳ mới. Chuyến thăm Đà Nẵng của chiến hạm Theodore Roosevelt khi đang thực hiện hoạt động thường niên tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo lịch trình hằng năm. Tại Đà Nẵng, thủy thủ đoàn đã có cuộc giao lưu với sinh viên Đại học Đông Á. Nhiều thành viên của thủy thủ đoàn đã thể hiện tình cảm tốt đẹp với đất nước và con người Việt Nam; nhiều sinh viên Đại học Đông Á cũng thể hiện sự thân thiện với thủy thủ đoàn. Theo lịch trình, sau buổi đón tiếp, tại cầu cảng Tiên Sa đã có buổi họp báo cung cấp thông tin về chuyến thăm của chiến hạm Theodore Roosevelt. Ngay sau buổi họp báo này, ban tổ chức đã tổ chức cho các phóng viên lên thăm tàu sân bay.

Sự thực là vậy, nhưng trên mạng xã hội đã xuất hiện một số bình luận không phù hợp với thực tế quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày nay. Có người cho rằng: Chuyến thăm của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52) được xem là một chỉ dấu cho thấy cam kết của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối phó với Trung Quốc; đồng thời gây sức ép lên Việt Nam trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình…

Những ai theo dõi quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong vài thập kỷ qua sẽ thấy, chuyến thăm Đà Nẵng của chiến hạm Theodore Roosevelt không có gì bất bình thường. Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (30-4-1975), nhân dân Việt Nam đã phải vượt qua chính sách cấm vận của Hoa Kỳ (từ năm 1975 đến 1994). Từ năm 1978 đến 1989, Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn kiên trì đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường xã hội chủ nghĩa. Công cuộc đổi mới, mở đầu từ Đại hội VI (năm 1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay từng bước đưa dân tộc Việt Nam vượt qua khó khăn về kinh tế-xã hội, khôi phục, mở rộng quan hệ quốc tế.

Đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam ngày nay ra đời trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc (năm 1991), tình hình quốc tế có những thay đổi cơ bản. Tư duy chính trị dựa trên sự đối lập ý thức hệ được khép lại, thay vào đó là nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, với phương châm: Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và khu vực, như: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, Hiệp định về biên giới trên bộ, Hiệp định về phân định vịnh Bắc Bộ, Hiệp định nghề cá với Trung Quốc… Trong thập kỷ qua, Việt Nam cũng đã tham gia vào các tổ chức khu vực và quốc tế, như: ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn kinh tế Á-Âu (ASEM) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm nay, lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).

Với Hoa Kỳ, năm 1995, Việt Nam đi từ tháo gỡ cấm vận đến bình thường hóa quan hệ. Năm 2013, Việt Nam đã ký Hiệp định đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark T. Esper có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm này, hai bên nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ đối tác dựa trên nguyên tắc: Tôn trọng chế độ xã hội, thể chế chính trị của nhau, hai bên cùng có lợi. Trong lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi là để cho tất cả mọi người dân được sống trong thịnh vượng, an ninh và tự do… Hoa Kỳ kiên quyết phản đối hành vi yêu sách về lãnh thổ hay hàng hải nhằm bảo đảm tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong hòa bình và ổn định". Trong dịp này, Bộ trưởng Esper cũng chính thức công bố Hoa Kỳ sẽ chuyển giao chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực thực thi luật hàng hải để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên thiên nhiên của mình.

Là một dân tộc đã trải qua nhiều hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam không đi quá giới hạn bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, đồng thời luôn tôn trọng quyền của các nước khác. Trên Biển Đông, Việt Nam tôn trọng quyền của các quốc gia được lưu thông trên không, trên biển theo nguyên tắc “Không gây hại”, trong đó có hoạt động của tàu chiến, máy bay của Hoa Kỳ đi qua khu vực biển này.

 Chính sách quốc phòng, an ninh của Việt Nam là công khai, minh bạch. Chính sách này được công bố trong “Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019" (công bố ngày 25/5/2019). Sách trắng tái khẳng định nguyên tắc “Ba không”, đó là: “1. Không tham gia liên minh quân sự; 2. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam; 3. Không liên kết với nước này để chống nước kia”… Ngoài ra, "Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019" còn bổ sung một điểm mới, đó là “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Như vậy, cần khẳng định rằng: Chuyến thăm của chiến hạm Theodore Roosevelt không nằm ngoài khuôn khổ của Hiệp định đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2013 và không nằm ngoài các nguyên tắc “Ba không” trong "Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019". Những nguyên tắc cam kết về quốc phòng, an ninh trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ năm 2019 là hoàn toàn phù hợp với các hiệp định mà Việt Nam-Hoa Kỳ đã ký kết. Hoàn toàn không có chuyện chiến hạm Theodore Roosevelt cập cảng Đà Nẵng là Việt Nam “chịu sức ép của Hoa Kỳ”. Cũng không có chuyện Việt Nam thay đổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, ngả theo nước này hay đi theo nước kia như bình luận của một số người trên không gian mạng./.

TS. Cao Đức Thái
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.