18/04/2024 lúc 16:11 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam không ngại đương đầu, “tư duy để tồn tại” trước đại dịch COVID-19

VNHN - Tuy tình hình kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều thiệt hại khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, nhưng việc khống chế tốt dịch bệnh chính là cú “lội ngược dòng” ngoạn mục, để Việt Nam được các chuyên gia, các Tập đoàn lớn, nhà đầu tư trên thế giới đánh giá là “vùng đất hứa” nhiều tiềm năng và lợi thế nổi bật.

VNHN - Tuy tình hình kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều thiệt hại khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, nhưng việc khống chế tốt dịch bệnh chính là cú “lội ngược dòng” ngoạn mục, để Việt Nam được các chuyên gia, các Tập đoàn lớn, nhà đầu tư trên thế giới đánh giá là “vùng đất hứa” nhiều tiềm năng và lợi thế nổi bật.

Nắm chắc tình hình

Theo cập nhật, đến 14h ngày 21/4, toàn cầu đã ghi nhận hơn 170.482 người chết vì COVID-19 và 652.480 người bình phục. Cập nhật lúc 6h ngày 22/4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sau 6 ngày cách ly toàn xã hội, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới, số ca nhiễm ở Việt Nam hiện vẫn là 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%). Đến nay đã có 216 trường hợp được công bố khỏi bệnh và ra viện. Trong số 52 ca còn đang điều trị, 20 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1-2 lần.

Ngay sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Thành phố Vũ Hán - Trung Quốc, Việt Nam đã sớm nhận thức rõ về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá một đất nước đang phát triển. Trước vấn đề này, Việt Nam đã có hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời, đã đạt được thành công vang dội. Không chỉ vậy, công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 hiệu quả của Việt Nam đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của dư luận quốc tế. Theo đó, các chuyên gia, nhà tư vấn đầu tư và công ty phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp dự báo sau khi đại dịch COVID-19 đi qua, các nhà sản xuất quốc tế sẽ dịch chuyển đầu tư, trong đó Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia được chú ý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn ASEAN.

Trong thời khắc nghiệt ngã này, sự đoàn kết của cộng đồng ASEAN tỏa sáng như ngọn hải đăng trong bóng tối” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh. Với tinh thần đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, Chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng dành một phần nguồn lực của mình để giúp đỡ Chính phủ các nước có thêm phương tiện để bảo vệ sức khỏe cho người dân, giúp đỡ nhân dân các nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Điu này đã thắt chặt mối quan hệ, đoàn kết và hợp tác trong khối, cũng như với các đối tác, khẳng định đây chính là sức mạnh giúp Việt Nam và các nước ASEAN chiến thắng đại dịch COVID-19. Bằng những hành động thiết thực là Việt Nam đã đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế và quyên góp cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Đức và Vương quốc Anh. Điều này đã gây tiếng vang lớn, đưa hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam “vang xa” khắp toàn cầu.

Doanh nghiệp Mỹ mong muốn hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho rằng: Từ đại dịch COVID-19 cần rút ra một bài học đắt giá. Đó là sự mong manh của nền kinh tế trước một thảm họa bất ngờ khi doanh nghiệp quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu của một quốc gia. Ông đánh giá Việt Nam sẽ là một quốc gia được chú ý nhiều với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau khi hồi phục bởi cú sốc từ dịch COVID-19. Năng lực quản lý rủi ro của Việt Nam cũng được các công ty Nhật đánh giá tích cực khi chính phủ đã thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, trong tương lai, đặc biệt là sau đại dịch, những Tập đoàn lớn của Nhật Bản tại Việt Nam sẽ rót thêm vốn vào nước ta, điển hình là trong lĩnh vực sản xuất chế tạo ở Việt Nam. Ông Hirai Shinji dự báo sẽ có đến 75% doanh nghiệp được thành lập 5 năm trở lại đây mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đây là một tỷ lệ khá cao so với nhiều nước khác trong khu vực mà JETRO khảo sát gần nhất.

Siêu thị Nhật Bản tại Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư BĐS JLL cũng khẳng định COVID-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong lương lai. Một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác vào năm 2021, đặc biệt là nếu các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và EU di chuyển hàng loạt để chuyển các chuỗi cung ứng sau đại dịch ra khỏi Trung Quốc và vào Việt Nam.

BĐS du lịch có nhiều cơ hội lớn

Lĩnh vực BĐS, đặc biệt là BĐS du lịch đang phải trải qua một kỳ "ngủ đông" bất đắc dĩ khi hứng chịu tác động kép, gây nên những hệ lụy nặng nề. Song, không vì thế mà các nhà đầu tư mất niềm tin vào tiềm năng của Ngành tại Việt Nam. Như PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 bùng phát là một thách thức rất lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể bật dậy và thu hút được nhiều hơn lượng đầu tư nước ngoài. Việc thành công trong việc phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và người dân Việt Nam cho thấy một thực tế rõ ràng đất nước, xã hội và nền kinh tế của nước nhà đang có sự hợp lý và ưu việt trong con mắt của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư rất cần nền kinh tế, chính trị - xã hội ổn định để từ đó tính toán đúng và thực hiện đầu tư một cách hiệu quả. Đặc biệt gần đây, Việt Nam đã tham gia 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc tham gia các FTA thế hệ mới này mang tới cho Việt Nam nhiều cơ hội cả về chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại và kinh tế. Đây được đánh giá là thời cơ rất lớn để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong 5 - 10 năm tới. 

Tòa nhà cao nhất Việt Nam – Landmark 81.

Tóm lại, Việt Nam hội tụ đầy đủ những yếu tố trở thành điểm đến "vàng" để các nhà đầu tư lựa chọn “xây ngôi nhà thứ hai" cho mình. Song, để đảm bảo BĐS du lịch Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung không chỉ hồi phục mà còn phát triển bền vững theo chiều tịnh tiến thì nước nhà cũng cần có những chính sách hiệu quả. Chính những chính sách thông thoáng là yếu tố quyết định, là giải pháp quan trọng giúp kích cầu thị trường có quá nhiều tiềm năng này.

Ông Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO cũng đã bày tỏ quan điểm “Thu hút người nước ngoài mua BĐS du lịch tại Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy thị trường phát triển. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có những đổi mới về chính sách, pháp luật nhằm thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam. Chúng tôi mong rằng những cơ chế, chính sách thông thoáng về sở hữu BĐS của người nước ngoài thể hiện qua những sửa đổi đồng bộ của pháp luật về đất đai, kinh doanh BĐS, xây dựng, du lịch, tín dụng, xuất nhập cảnh… sẽ sớm được áp dụng, như một giải pháp cấp bách giúp thị trường hồi phục nhanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Đồng thời, đây cũng là giải pháp dài hạn để Việt Nam trở thành điểm đến nghỉ dưỡng, hưu trí và đầu tư BĐS của người nước ngoài, tăng ưu thế cạnh tranh với các nước trong khu vực”.

Nhiều khu nghỉ dưỡng và đầu tư lý tưởng tại Việt Nam.

Không thể nói quá sớm những gì có thể xảy ra trong tương lai sau khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 qua đi. Nhưng chắc chắn rằng nếu Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, thì hình ảnh nước nhà sẽ trở nên thân thiện, an toàn, để các nhà đầu tư tự tin tìm đến. Và chắc chắn khi sự dịch chuyển đầu tư trong khu vực dành lợi thế về Việt Nam sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước mà còn tác động tích cực không nhỏ vào thị trường BĐS nước nhà./.