19/04/2024 lúc 04:14 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam hướng đến xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện tính ưu việt của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định, hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các th

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện tính ưu việt của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định, hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ,... bảo đảm bền vững, công bằng; Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh(1).

Trên cơ sở xác định thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển và giải quyết tốt lao động, việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội,... để mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện..., các nội dung về an sinh xã hội trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống luật pháp và chính sách an sinh xã hội nhanh chóng được sửa đổi, bổ sung, tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Thứ nhất, chính sách giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo đạt được nhiều thành quả tích cực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp đoàn học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc ngành giáo dục

Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Vì người nghèo, các chính sách tín dụng ưu đãi, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm,... đã góp phần quan trọng bảo đảm tỷ lệ cao dân số từ 15 tuổi trở lên có việc làm (trên 77%) và giảm nghèo bền vững. Trong 10 năm qua, nước ta luôn duy trì được tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp (từ 2% - 3%) và thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới. Thu nhập bình quân của người lao động được cải thiện, tăng bình quân 8,7%/năm trong giai đoạn 2013 - 2018(2).

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả, chú trọng vào các huyện nghèo nhất và xã đặc biệt khó khăn. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,76% năm 2011 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) xuống còn 3,75% năm 2019 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020), bình quân mỗi năm giảm hơn 1,3%. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thứ hai, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được bổ sung, sửa đổi đã mở rộng cơ hội tham gia, thụ hưởng của người dân và tăng cường bền vững tài chính của các quỹ bảo hiểm.

Bảo hiểm xã hội đã mở rộng đến mọi người lao động, theo 3 nhóm chính sách lớn là bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đã tăng từ 21,8% năm 2011 lên 32% năm 2019. Đặc biệt, bảo hiểm xã hội tự nguyện trong cả giai đoạn 2008 - 2018 chỉ thu hút được hơn 270 nghìn người tham gia thì hết năm 2019 đã tăng lên 545 nghìn người. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 17,1% năm 2011 lên trên 27% năm 2019. Cả nước có 85,39 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 90% dân số năm 2019, cơ bản bao phủ toàn dân(3).

Bảo hiểm y tế góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội (Trong ảnh: Khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số) _Ảnh: Tư liệu

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trở thành lưới an sinh xã hội quan trọng, hỗ trợ người dân vượt qua các rủi ro ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thai sản, thất nghiệp, hết tuổi lao động... Hiện nay, cả nước có trên 3,1 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; mỗi năm Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho từ 6  - 10 triệu lượt người; do tác động của đại dịch COVID-19, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp cho trên 500 nghìn lượt người. Bảo hiểm y tế giúp giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Năm 2019, Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả cho 186 triệu lượt người khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (năm 2009 là 92,1 triệu lượt người). Nhiều trường hợp được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lên đến hàng tỷ đồng.

Thứ ba, công tác trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từng bước chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người là trung tâm.

Diện đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội được mở rộng và mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh tăng lên, góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế. Số người hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng bằng tiền mặt, tăng từ gần 1,7 triệu người năm 2011 (chiếm 1,9% dân số) lên hơn 2,9 triệu người năm 2019 (chiếm 3% dân số). Chính sách trợ giúp xã hội đột xuất hỗ trợ kịp thời người dân bị rủi ro do thiên tai bão lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại,... và các nguyên nhân khách quan khác. Từ năm 2012 - 2019, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 343 nghìn tấn gạo (cứu đói giáp hạt và nhân dịp tết Nguyên đán hằng năm) cho khoảng 18,4 triệu nhân khẩu thiếu lương thực; hỗ trợ hơn 3.700 tỷ đồng để các địa phương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai(4). Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội nước ta, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, của Chính phủ, “Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24-4-2020, “Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch. Các giải pháp ứng phó nhanh với đại dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Mặt khác, các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội. Cả nước hiện có 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập) nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 41 nghìn người.

Thứ tư, hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được chú trọng đầu tư, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng.

- Về phổ cập giáo dục: Đã hoàn thành từ cấp mầm non đến trung học cơ sở; trẻ em đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp trung học cơ sở đạt trên 90% từ năm 2014, góp phần tăng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên đạt trên 97%. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Năm 2018, có 70% trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận với giáo dục và học hòa nhập tại các trường. Các chương trình, chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được triển khai hiệu quả. Năm học 2017 - 2018 có hơn 520.000 học sinh được nhận gạo hỗ trợ và hơn 1.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ ăn trưa cho các học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn: đã hỗ trợ đào tạo được trên 8,3 triệu người trong giai đoạn 2012 - 2019, góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ ngành hàng có năng suất thấp sang ngành hàng có năng suất cao hơn. Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản từ chiếm 48,3% năm 2011 đã giảm còn 34,7% năm 2019.

- Hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng đã giúp nâng cao cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số: đến cuối năm 2018 có 98,4% xã có trạm y tế; 96,0% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoạt động, 90% số xã có bác sĩ, 76% số xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020, trên 95% số xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh. Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được củng cố và phát triển, bao phủ 100% huyện, 93% xã, 96% thôn, bản.

Y tế dự phòng đóng vai trò quyết định trong ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn. Mô hình kết hợp quân - dân y được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt ở mức rất cao, từ 96% đến 98%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, giảm dần từ 16,2% năm 2012 xuống 12,7% năm 2018 và ước 12% năm 2020.

- Nhà ở cho các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương được triển khai thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước: thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, giai đoạn 2011 - 2015 đã hỗ trợ được 531.000 hộ nghèo. Giai đoạn 2016 - 2018 tiếp tục hỗ trợ 89.378 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành hỗ trợ cho khoảng 144.000 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở. Từ nguồn vận động, tài trợ của doanh nghiệp, cộng đồng các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội đã xây dựng, sửa chữa 323.229 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Đến hết năm 2018, cả nước đã hoàn thành 198 dự án nhà ở xã hội với hơn 81.700 căn hộ với diện tích hơn 4.085.000m2 cho người có thu nhập thấp. Hiện đang tiếp tục triển khai 226 dự án, với khoảng 182.200 căn hộ và diện tích khoảng 9.110.000m2. Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã đầu tư 100 dự án, với 41.000 căn hộ và diện tích 2.050.000m2; đang tiếp tục triển khai 73 dự án với 88.400 căn hộ và diện tích 4.420.000m2.

Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn biết ơn và quan tâm chăm lo các thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ, tiếp nối truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc _Ảnh Tư liệu

- Mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đã góp phần tăng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 80,5% năm 2012 lên 88% vào năm 2018, dự kiến đạt 90% vào năm 2020. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia tăng từ 38,7% năm 2012 lên 52% năm 2018, dự kiến đạt 57% vào năm 2020.

- Hệ thống thông tin truyền thông cơ sở đã giúp rút ngắn khoảng cách về bảo đảm tiếp cận thông tin của nhân dân giữa các vùng, miền: từ năm 2017 đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất. Đến năm 2018 có 90% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có đài truyền thanh xã, dự kiến đến năm 2020 đạt 100%.

Thứ năm, tài chính cho an sinh xã hội được tăng cường, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và phát huy sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội. Giai đoạn 2012 - 2019, tổng chi từ ngân sách nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là 256 nghìn tỷ đồng; chi thực hiện an sinh xã hội là 1.100 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng doanh số cho vay khoảng 104.836 tỷ đồng. Từ năm 2012 đến năm 2018, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tiếp nhận ủng hộ từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước và quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân được hơn 32.980 tỷ đồng. Nếu tính cả chi cho an sinh xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng thì tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước bằng khoảng 3% GDP.

Những thành quả an sinh xã hội đạt được đã góp phần hiện thực hóa quan điểm lấy con người là trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Nước ta được Liên hợp quốc công nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội đã góp phần quan trọng vào nỗ lực phát triển con người Việt Nam cả về kinh tế, giáo dục và sức khỏe, vì hạnh phúc của người dân. Báo cáo phát triển con người của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) xác nhận chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam ngày càng tiến bộ và đến nay được xếp vào “nhóm nước có thứ hạng trên” trong nhóm nước có mức phát triển con người trung bình. Về điểm số HDI, Việt Nam tăng từ 0,48 năm 1990 lên 0,63 năm 2019. Về xếp hạng, từ xếp thứ 128/187 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2010, đã tăng lên thứ 118/189 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2019.

Tuy nhiên, hệ thống an sinh xã hội còn chưa thực sự bền vững, thể hiện một số hạn chế chủ yếu sau:

Một là, mức độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội chưa cao, đối tượng còn hẹp. Tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp do các giải pháp mở rộng đối tượng chưa thật sự hiệu quả. Quỹ Bảo hiểm xã hội chưa bền vững. Quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản chưa cao, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội còn hạn hẹp; mức hỗ trợ còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu trong khi một số đối tượng thụ hưởng còn ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Chưa phát huy hết tiềm năng tham gia của người dân, doanh nghiệp.

Ba là, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, bất bình đẳng tuyệt đối giữa người giàu và người nghèo có xu hướng gia tăng; chênh lệch phát triển giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Tỷ lệ hộ nghèo tập trung cao ở nhóm dân tộc thiểu số.

Để giải quyết những hạn chế và hướng đến một hệ thống an sinh xã hội bền vững, ứng phó và thích ứng kịp thời với xu hướng già hóa dân số, đô thị hóa nhanh, rủi ro kinh tế - xã hội và tác động của biến đổi khí hậu diễn biễn khó lường, cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của nhân dân trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tổ chức đảng các cấp quán triệt sâu sắc, chủ động đóng vai trò nòng cốt, hạt nhân; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến các cấp, các ngành và địa phương. Tăng cường tính chủ động của địa phương, các tổ chức, cộng đồng dân cư trong thực hiện, tư vấn, phản biện, kiến nghị và giám sát thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội hướng đến bao phủ toàn dân.

- Về hỗ trợ giải quyết việc làm: phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; phát triển việc làm thỏa đáng, đẩy nhanh quá trình chính thức hóa khu vực phi chính thức. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, chất lượng cao; nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo. Tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

- Về giảm nghèo bền vững: thực hiện giảm nghèo theo tiếp cận đa chiều, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo hướng toàn diện, bao trùm, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau; hỗ trợ người dân có sinh kế bền vững thông qua đào tạo, chuyển đổi việc làm.

- Về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế: đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Đẩy nhanh lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và thông tuyến tỉnh cho người dân khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thương mại để phục vụ tốt hơn nữa an ninh xã hội.

- Về trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: thiết kế các chương trình trợ giúp theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân bị rủi ro và cộng đồng sau thiên tai và thảm họa; bảo đảm hỗ trợ kịp thời người yếu thế, nhóm yếu thế và cộng đồng việc khắc phục rủi ro do dịch bệnh và thiên tai; phòng, chống bạo lực, xâm hại, nhất là phụ nữ, trẻ em. Chú ý ưu tiên hơn nữa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

- Về bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản: phát triển dịch vụ xã hội theo hướng chuyên nghiệp. Chú trọng hơn nữa đối với chất lượng y tế cơ sở và y tế dự phòng; giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em, mất cân bằng giới tính khi sinh. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Tăng cường đầu tư, bảo đảm nước sạch và thông tin truyền thông cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo. Đẩy mạnh xã hội hóa để bảo đảm nhà ở an toàn cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong quản lý, Nhà nước tăng cường giám sát tiêu chuẩn, chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội, tạo điều kiện cho khu vực ngoài nhà nước cùng tham gia cung cấp dịch vụ, nhất là dưới hình thức hợp tác công - tư.

Thứ ba, đa dạng hóa nguồn lực, đồng thời thực hiện lồng ghép để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho thực hiện chính sách xã hội.

Tăng cường và bảo đảm nguồn lực đầu tư của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho vùng có tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp; đồng thời, huy động các nguồn lực khác trong xã hội và quốc tế để giải quyết các vấn đề xã hội. Tập trung nguồn lực cho các vùng khó khăn, không bao cấp cho các địa phương có khả năng vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, hiện đại hóa hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Đẩy mạnh công tác rà soát và tích hợp chính sách, giảm chồng chéo, trùng lắp; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thống nhất số hóa cơ sở dữ liệu. Cải cách mạnh mẽ quản lý tài chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở sử dụng khoa học, công nghệ, thanh toán điện tử và thống nhất triển khai trên nền tảng cơ sở dữ liệu tập trung.

Thứ năm, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ xã hội. Đồng thời, tăng cường các nghiên cứu, đánh giá độc lập về chính sách và kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội./.