20/04/2024 lúc 08:34 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam: Hình mẫu quốc tế trong mùa dịch COVID-19

VNHN - Đại dịch COVID-19 được coi là chưa từng có khi gây ra sự đảo lộn tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đây là đại dịch chưa từng có trong hơn 100 năm qua, kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Nhiều quốc gia, ngay cả những cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế cùng nền y khoa tiên tiến cũng rơi vào thế lao đao. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong số ít các nước được đánh giá là một trong những điển hình phòng, chống dịch và thể hiện trách nhiệm và uy tín trong hợp tác qu

VNHN - Đại dịch COVID-19 được coi là chưa từng có khi gây ra sự đảo lộn tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đây là đại dịch chưa từng có trong hơn 100 năm qua, kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Nhiều quốc gia, ngay cả những cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế cùng nền y khoa tiên tiến cũng rơi vào thế lao đao. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong số ít các nước được đánh giá là một trong những điển hình phòng, chống dịch và thể hiện trách nhiệm và uy tín trong hợp tác quốc tế và khu vực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trao tượng trưng khoản đóng góp 50.000 đô-la Mỹ của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam ủng hộ Quỹ ứng phó với Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chiều ngày 24-4-2020

Toàn cầu lao đao vì đại dịch

Đến nay, sau 4 tháng, đại dịch đã lan ra hầu khắp các nước và có tới trên 3.500.000 người bị nhiễm dịch, với hơn 300.000 ca tử vong. Thế giới và tất cả các nước đúng là đang ở trong “những vùng nước chưa từng có người qua”. Vào lúc này, việc kiểm soát dịch, cũng vẫn mới chỉ coi là kết quả bước đầu. Dẫu vậy, thời gian 4 tháng cũng cho thấy những bài học, cả về thành công và không thành công trong phòng, chống dịch cũng như kết hợp với bảo đảm một cách phù hợp các hoạt động kinh tế, an sinh xã hội.

Thứ nhất, chưa bao giờ cùng một lúc, cả thế giới phải lao đao ứng phó với đại dịch, nhiều nơi, kể cả các cường quốc có tiềm lực về y tế, tài chính, khoa học công nghệ, vật lực, cũng đã trở thành tâm dịch và phải chịu những tổn thất nặng nề. Đơn cử như Mỹ, tính đến ngày 5-5-2020 đã có gần 1,2 triệu ca nhiễm, gần 70.000 ca tử vong; Tây Ban Nha: 250.000 ca nhiễm, với trên 25.000 ca tử vong; Ý: 210.000 ca nhiễm, với gần 29.000 ca tử vong; Anh: 190.000 ca nhiễm, với 28.500 ca tử vong; Pháp: 170.000 ca nhiễm, với gần 25.000 ca tử vong; tất cả đã vượt xa Trung Quốc, vốn là tâm dịch ban đầu (83.000 ca nhiễm, 4.600 ca tử vong).

Tháng 1-2020, IMF vẫn dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu của 2020 là 3,3% và 2021 là 3,4% (so với 2,9% của 2019). Khó ai có thể lường trước được, chỉ trong mấy tháng, do đại dịch COVID-19, đến giữa tháng 4-2020 IMF đã phải thay đổi và hạ thấp toàn bộ các dự báo kinh tế của mình: tăng trưởng thế giới giảm còn 3%, Trung Quốc (6,9%) và Mỹ (5,9%), khả quan nhất là châu Á, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, tăng trưởng gần như bằng 0%.

Thứ hai, yếu tố trực tiếp và quyết định đến sự bất lực của cả các quốc gia có tiềm lực y tế và các mặt mạnh nhất, đó là: (i) Chủng virus này ngay từ đầu đã có thể lây lan từ người sang người (trong cộng đồng), với một tốc độ chóng mặt (cấp bội số) và cực kỳ nguy hiểm đối với những người cao tuổi và có bệnh nền; (ii) Ngay kể các quốc gia có tiềm lực mạnh, cũng không thể có đủ cơ sở y tế, phương tiện, vật lực để có thể hỗ trợ, cứu chữa những người cần trợ giúp y tế, dẫn tới số ca tử vong lớn (Mỹ hay một số nước châu Âu, có lúc có tới hàng ngàn ca tử vong chỉ trong vòng 24 giờ). Người ta gọi đó là sự bất lực của nền y tế quốc gia, khi số ca bệnh cần chăm sóc y tế khẩn cấp vượt quá xa mức năng lực quốc gia.

Thứ ba, chưa bao giờ trong lịch sử, một dịch bệnh đã buộc hầu như cả thế giới, trong cùng một thời điểm, phải đồng thời đóng cửa, thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt. Điều này cho thấy: (i) Thế giới, bất lực và rất khó khăn khi phải áp dụng các biện pháp này (vì các nước có thể có quan điểm phòng, chống dịch khác nhau, đã không thể kiểm soát dịch như mong muốn, bao gồm cả việc tạo miễn dịch cộng đồng); (ii) Đóng cửa, cách ly gây hậu quả kinh tế, xã hội lớn, nếu không chủ động kiểm soát được, hậu quả sẽ càng lớn hơn, cả trước mắt và về lâu dài. Trên thực tế, nước Mỹ cũng lần đầu tiên ban hành lệnh khẩn cấp trên tất cả 50 bang. Nhiều nước châu Âu, bao gồm cả Anh, cuối cùng cũng phải áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa. Ấn Độ hay Ma-lai-xi-a còn áp dụng phong tỏa trên toàn quốc.

Thứ tư, đại dịch này còn nguy hiểm ở chỗ có thể tái bùng phát bất cứ thời điểm nào. Cho nên, mọi thành công về kiểm soát dịch, đều chỉ mang tính tạm thời, cho tới khi dịch bệnh được dập tắt hoàn toàn trên phạm vi thế giới. Xin-ga-po là trường hợp điển hình khi giai đoạn đầu đã rất thành công, cân đối kiểm soát dịch và hoạt động kinh tế, nhưng đã gặp phải sự bùng phát dịch lần hai, lây lan gấp nhiều lần so với giai đoạn đầu (từ bộ phận người lao động nước ngoài đang làm việc tại nước này - hiện Xin-ga-po là nước có số ca nhiễm cao nhất ở Đông Nam Á, hơn 18.000 ca và phải đóng cửa, cách ly xã hội tiếp tới tháng 6-2020).

Thứ năm, thế giới dường như bị bất ngờ, nên các nước không chỉ có quan điểm khác nhau về phòng, chống dịch, mà còn thiếu sự hợp tác bài bản cả ở cấp khu vực và quốc tế. Trong khi đó, đa phần các nước đều không chuẩn bị kịp các  biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả các cơ sở, phương tiện, trang thiết bị y tế.

Đại dịch thực sự là thách thức chưa từng có, đối với tất cả các quốc gia, bất kể giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, tiềm lực ít hay nhiều.

Việt Nam là một điểm sáng

Về hợp tác quốc tế, thế giới đánh giá cao Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngay từ đầu, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm, trước hết là việc kịp thời, công khai và minh bạch thông tin về số liệu và tình hình dịch bệnh, cả ở trong nước và bình diện quốc tế. Đồng thời, cũng đánh giá cao việc Việt Nam hỗ trợ, cung cấp các trang bị bảo hộ, khẩu trang y tế cho các nước, cho rằng Việt Nam nổi lên như một hình ảnh đẹp và điển hình hợp tác quốc tế khi thế giới gặp khó khăn, đại dịch. Đánh giá Việt Nam đã nỗ lực chủ trì, tham gia các hội nghị, tham vấn quốc tế, khu vực và các nước, kể cả bằng trực tuyến, nhất là trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, để tăng cường phối hợp về phòng, chống dịch, cũng như về các vấn đề ưu tiên, cùng quan tâm khác...

Việt Nam thực sự đã hết sức cảnh giác, trách nhiệm, ưu tiên dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, khi cần có thể chấp nhận những thiệt hại về kinh tế trước mắt. Do vậy, đánh giá chung của quốc tế như nêu trên càng góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín và hình ảnh của Việt Nam - sức mạnh mềm của Việt Nam, trên thế giới và ở khu vực.

Kinh nghiệm của Việt Nam còn ở chỗ đã vượt qua cái khó của một đất nước hội nhập sâu rộng, có nền kinh tế mở cao (200% GDP), tức là cũng đứng trước nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh và rộng hơn rất nhiều.

Ở đây, chúng ta cần và có thể rút ra một số điểm quan trọng, cần được tiếp tục nhân lên và chia sẻ với các nước trong thời gian tới, về phòng, chống dịch ở cấp quốc gia, cũng như trong hợp tác khu vực và quốc tế. Ngoài những biện pháp và kinh nghiệm như đã nêu ở trên, cần phải nhấn mạnh tính kịp thời và phù hợp, với điều kiện, khả năng và nguồn lực của quốc gia. Dù là nước nào, thì điểm chung cốt yếu là phải làm sao không để dịch bệnh vượt khỏi tầm năng lực và hệ thống y tế quốc gia. Đây cũng chính là cách làm của Việt Nam, để ngay cả khi có đại dịch, thì những người cần vẫn được chăm sóc về y tế, sức khỏe, cũng như các mặt khác.

Câu chuyện làm sao giành được sự ủng hộ, tin cậy và đồng hành của người dân với Chính phủ trong phòng, chống dịch, bao gồm cả khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết, mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch.

Câu chuyện về truyền thông, nâng cao ý thức của cả cộng đồng cũng là một điểm mạnh của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch, trong đó yếu tố quan trọng nhất là thông tin thường xuyên, đầy đủ, công khai và minh bạch.

Câu chuyện Việt Nam coi trọng và trách nhiệm trong hợp tác quốc tế, khu vực, chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần nhân đạo và phù hợp với điều kiện có thể có của mình, cũng như quan điểm xem đại dịch mang tính toàn cầu, nên càng cần phải có sự hợp tác chung tay của tất cả các nước cũng như thúc đẩy các giải pháp toàn cầu.

Và cả câu chuyện về việc các bác sỹ, nhân viên y tế Việt Nam trong điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, vừa hết sức chu đáo, vừa thể hiện tính nhân văn và năng lực chuyên môn cao, không chỉ với công dân Việt Nam mà cả những người nước ngoài ở Việt Nam, nhất là trường hợp các bệnh nhân nặng, đồng thời phải xử lý nhiều bệnh nền, thời gian chữa trị kéo dài. Việt Nam thực sự là một điển hình về việc này và ít có nước nào làm được như vậy. Ngoài ra, còn những câu chuyện thấm đẫm tình yêu thương, tận tâm, chu đáo của các nhân viên tại các khu cách ly tập trung trên khắp mọi miền đất nước...

Việt Nam sẽ tiếp tục viết thêm những câu chuyện qua đại dịch lần này bằng việc phát huy tính chủ động, trách nhiệm của mình trong hợp tác quốc tế, cả về phòng, chống dịch và trên các vấn đề quan tâm chung, nhất là sự nỗ lực, chủ động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN, bao gồm cả việc thúc đẩy triển khai kết quả của hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 tháng 4 vừa qua, về phòng, chống dịch, cũng như khi ra khỏi dịch, để phục hồi, phát triển và xây dựng cộng đồng.

Chặng đường vừa qua có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất của chúng ta trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và chúng ta đã thu được những thành công bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh, được nhiều quốc gia ghi nhận. Uy tín và vị thế của Việt Nam được dư luận đánh giá cao, như là một điển hình về kiểm soát dịch hiệu quả, hầu như không có sơ suất, để giờ đây Việt Nam có thể là một trong những nước đầu tiên nới lỏng các hạn chế và bắt đầu khôi phục các hoạt động của xã hội. Điều đó cũng đồng thời thể hiện sự đánh giá cao của quốc tế và khu vực về năng lực quản trị quốc gia của Việt Nam, cả về mặt quản lý xã hội và y tế công cộng.

Thế giới cũng đánh giá cao Việt Nam trong hợp tác quốc tế, nhất là về minh bạch thông tin, chủ động và trách nhiệm trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Thời gian tới, chúng ta vẫn cần đặc biệt cảnh giác và tiếp tục đề cao công tác phòng, chống dịch hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo, khi đồng thời vừa phải kiểm soát dịch, vừa từng bước khôi phục lại các hoạt động kinh tế và xã hội. Theo đó, chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn hậu dịch, nắm bắt những thay đổi có thể có và tranh thủ các điều kiện mới của khu vực và quốc tế, trong đó có chuỗi cung ứng toàn cầu, để đẩy mạnh các ưu tiên về phát triển, hội nhập và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và việc giải quyết các vấn đề toàn cầu nói chung.

PHẠM QUANG VINH, Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Mỹ,

nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao