20/04/2024 lúc 01:29 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

VNHN - Một cuộc chiến thương mại nếu có giữa 2 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ - Trung Quốc sẽ mang lại những kết quả bất ngờ.

VNHN - Một cuộc chiến thương mại nếu có giữa 2 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ - Trung Quốc sẽ mang lại những kết quả bất ngờ.

Theo đó, thiệt hại từ cuộc chiến này sẽ là các DN, người lao động và người tiêu dùng của 2 nước. Trong khi đó, những đòn đáp trả về thương mại từ các bên sẽ tạo ra các ảnh hưởng tiêu cực về tăng trưởng kinh tế và việc làm đối với những quốc gia mà Trung Quốc và Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu.
Trước đó, vào ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký biên bản ghi nhớ về việc áp đặt hàng rào thuế quan lên tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Trong cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc đã có hành động đáp trả với đề xuất áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ - vốn có giá trị vào khoảng 3 tỷ USD trong năm 2017.

 Việt Nam và một số nền kinh tế mới nổi có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn.

Sự đối đầu này nhiều khả năng sẽ làm thay đổi cục diện ở một “cuộc chiến” khác, vốn đang âm thầm diễn ra giữa Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu toàn cầu. Về lâu dài, điều này sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho các nền kinh tế mới nổi so với những thiệt hại trước mắt.
Trung Quốc từ lâu đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu, đặc biệt là đối với những mặt hàng tiêu dùng sử dụng nhiều lao động như quần áo, giày dép và điện tử. Tuy nhiên, khi giá nhân công tại Trung Quốc tăng lên, làn sóng đầu tư đã dần dịch chuyển sang các nước đang phát triển với chi phí nhân công thấp hơn.
Việt Nam là một trong số các quốc gia trở thành điểm đến của xu thế này. Với vai trò ngày càng tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang hưởng lợi từ kim ngạch xuất khẩu gia tăng ở những ngành mà Trung Quốc chiếm ưu thế như may mặc, sản xuất linh kiện điện thoại di động.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có giá trị thặng dư cao, nhưng quốc gia này vẫn phải phụ thuộc vào các ngành xuất khẩu giá trị thấp để giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động phổ thông. Điều này được duy trì phần lớn nhờ vào hệ thống cơ sở hạ tầng và sự ổn định từ các dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Trong khi đó, các nước đang phát triển khác vẫn chưa thể tận dụng triệt để lợi thế từ yếu tố nhân công giá rẻ mang lại, dẫn đến sự áp đảo về kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến tình hình đảo ngược. Các công ty của Mỹ vốn đang phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ buộc phải thiết kế lại chuỗi cung ứng của họ để tránh những hàng rào thuế quan mà chính phủ hai nước áp dụng để trả đũa nhau.
Ngay cả khi tình hình hạ nhiệt, những tác động tiêu cực xoay quanh nó vẫn tạo ra tâm lý bất an đối với các công ty của Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc, khiến họ phải đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa các hoạt động đầu tư. Do đó, khi Mỹ càng đẩy nhanh nỗ lực làm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, các quốc gia thứ ba, mà Việt Nam là một điển hình, sẽ trở thành đối tượng hưởng lợi./.

Theo Kinh Tế Đô Thị