20/04/2024 lúc 11:53 (GMT+7)
Breaking News

Vì sao tôi viết?

VNHN - Sự hỗ trợ và học hỏi từ những anh chị em đồng nghiệp đã giúp tôi có cái nhìn hoàn thiện hơn về nghề - cái nghề mà người ta vẫn thường nhầm lần như một nhà văn mà xưa kia tôi cũng nghĩ thế. Thực tế đến giờ, tôi có thể khẳng định, nhà báo khác với nhà văn ở chỗ, nhà báo phải đào xới thông tin và biết dùng ngòi bút của mình để phản biện, để trở thành “người đưa tin” đúng nghĩa, và tờ báo là tờ đưa tin đáng tin tưởng.

VNHN - Trên chặng đường còn nhiều va vấp và trưởng thành của chính mình, có lẽ những cụm từ “Sáng tạo – Hiệu quả -  Bản lĩnh – An toàn” tại Tòa soạn Việt Nam Hội nhập đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng với nghề, dạy cho tôi rèn luyện thói quen làm việc, vận dụng tư duy, kỹ năng nhanh nhạy và sự cẩn trọng vốn dĩ còn đang thiếu trong mình.

 

Tôi đã từng có những suy nghĩ, những ước ao sau này sẽ viết sách về nghề, tường thuật lại những sự việc, những nỗi khổ nhọc của anh em làm báo chúng tôi trên suốt chặng đường đã và đang đi qua. Tôi muốn viết cho biết bao nhiêu con người, bao mảnh đời của nhiều số phận nông dân cần lao, trong đó cũng ẩn chứa biết bao nhiêu nụ cười và nước mắt, đối diện cũng chính là những tham nhũng, nhiêu khê, "luật rừng" còn tồn tại... nhưng đâu đó vẫn có những niềm tin bị thử thách, có cả những lý trí và tình cảm buộc phải dặn lòng. Trên chặng đường còn nhiều va vấp và trưởng thành của chính mình, có lẽ những cụm từ “Sáng tạo – Hiệu quả -  Bản lĩnh – An toàn” tại Tòa soạn Việt Nam Hội nhập đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng với nghề, dạy cho tôi rèn luyện thói quen làm việc, vận dụng tư duy, kỹ năng nhanh nhạy và sự cẩn trọng vốn dĩ còn đang thiếu trong mình.

Góc phòng họp xanh tươi mát được gắn với những điều nhắc nhở anh em làm báo chúng tôi

Từ những năm 2013, khi mới chập chững theo nghề báo chí, tôi cũng vô cùng ngỡ ngàng với nhiều điều tưởng chừng như chỉ có trong sách vở lại xuất hiện ngay trước mắt mình. Yêu có, thương có, buồn có, giận có không phải với bản thân mà là với những con người lam lũ ngoài kia, những lời kêu oan nghiệt, thậm chí là những con người khiến cả xã hội phải chỉ trỏ và ruồng bỏ. Bằng lương tâm và ngòi bút cũng như rèn luyện tôi dần quen với việc thường xuyên phải tiếp xúc với họ và biết cách dùng ngòi bút để phân tích và phản ánh một cách khách quan. Không chỉ làm quen với lối viết điều tra phản ánh, tôi còn tự học hỏi và rèn kỹ năng viết những mẩu tin vắn, những sự kiện nổi bật hay những bài tuyên truyền…

Cho đến bây giờ tôi nhận thấy rằng viết báo – cái nghề viết lách không chỉ dừng lại ở việc có gì viết đó, mà đó có “chất xúc tác” đúng hơn là nhà báo dùng các loại “chất liệu” của ngòi bút kết hợp với thực tiễn được lấy ý kiến từ những chuyên gia, nhà quản lý, người dân… để chạm đến cảm xúc của người đọc và làm lay động trái tim của họ. Thậm chí là “xoay chuyển nhận thức của cả xã hội” về những chính sách pháp luật được cải cách hay còn nhiều hạn chế cần sửa đổi mà nhiều nhà báo “lão thành” đã thực hiện rất thành công khiến tôi không ngừng sự thán phục.

Tự thấy mình có duyên với Việt Nam Hội nhập, tôi nhạy bén hơn trong những công việc và học hỏi nhiều điều từ lãnh đạo, anh chị em đồng nghiệp. Đặc biệt với tôi, nơi đây đã dạy cho tôi nhiều bài học, nhiều điều mà tôi chưa từng được biết đến trước kia, tôi tự đúc rút ra cho mình những điều tuyệt đối quan trọng cho nghề.

Sự cẩu thả và lười biếng có thể sẽ làm mất đi cả tài nguyên đề tài của tòa soạn. Một nhà báo, hay một phóng viên trong quá trình thực hiện tuyến bài hoặc bài viết của mình chỉ cần mắc phải một trong những lỗi như: tuyển chọn dễ dãi, không liên tưởng, thiếu kiến thức nền, lười suy nghĩ, đào bới hay còn được gọi là lỗi “ăn xổi ở thì” sẽ mang tới những hậu quả khó lường. Nói đến đây, chắc nhiều người đã nghĩ đến việc vì sai sót của phóng viên, nhà báo mà tòa soạn đã bị đình chỉ hoặc tạm dừng hoạt động báo điện tử trong một khoảng thời gian, tiêu biểu trong năm qua như Báo Tuổi trẻ, Báo điện tử Người tiêu dùng, hay đình chỉ chức vụ với “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Tuấn Anh…Chắc hắn nhiều người sẽ cho rằng mình sẽ ít mắc phải những sai phạm hoặc ngồi đọc và đàm phán, đánh giá. Nhưng không nói đâu xa, ngay cả những nhà báo kỳ cựu và có tiếng trong làng báo cũng khó tránh được những sai sót đáng tiếc này. 

“Thắp que diêm hãy nghĩ đến cháy rừng”. Tôi nhớ đã từng đọc tác phẩm của Nhà báo Đức Hiển (hiện là Tổng thư ký Tòa soạn Báo Pháp luật TP. HCM) cho ra đời tác phẩm “Hai Lúa đi tìm công lý” được phát hành năm 2001 trên Báo Pháp luật Tp. HCM, đây là tác phẩm mà Nhà báo đã dành đến 3 năm làm tư liệu và nhiều tháng trời đi thực tế. Ấy thế mà, trong tác phẩm của mình, Nhà báo đã có đoạn viết như sau: Ông Trần Văn Mỗi 85 tuổi, là Đảng viên, đi kiện và bị khai trừ Đảng dù 8/11 Đảng viên trong chi bộ đề nghị không kỷ luật. Nhà báo kết luận là sai điều lệ Đảng và trái nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhưng Nhà báo chưa đọc điều lệ Đảng nên kết luận sai vì trong đó quy định rất rõ: “Cấp ủy cấp trên có quyền phủ quyết một quyết định của Đảng ủy cấp dưới”. Ngoài ra, trong văn phong những bài phóng sự điều tra, phản ánh, đặc biệt là những bài mang tính xác thực để luận tội và khẳng định hậu quả tuyệt đối không được dùng những từ ngữ biểu hiện trạng thái tình cảm khó đánh giá được bằng các luận điểm chứng cứ như: “đau lòng”, “uất ức”, “giận giữ”, “đau buồn”…thì Nhà báo Đức Hiển có đoạn viết rằng:…Khi nghe Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc mời tiếp sau nhiều năm đi kiện không được ai giải quyết, cụ xuống ghe để đi gặp Bộ trưởng nhưng nhớ lại những ngày cay đắng đã qua, cụ chết “vì xúc động” khi chưa kịp đến chỗ gặp. Thực tế kết luận ông Trần Văn Mỗi chết vì đột quỵ không phải “vì xúc động” như Nhà báo đã viết.

Từ sai sót này, Tổ công tác của Thủ tướng gửi kết luận trong đó có nội dung đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa – Thông tin thu hồi thẻ Nhà báo của Nguyễn Đức Hiển trong 6 tháng. Đó là câu chuyện của sự bất cẩn, cẩu thả, sở hở, nóng vội và không tra cứu rõ điều luật đã gây ra hậu quả đáng tiếc cho lòng yêu nghề của một nhà báo kỳ cựu rất đáng để thế hệ như tôi đọc và học, giúp tôi thoát được cái “chết” trong “hàng trăm kiểu để chết” vì ngôn từ.

Cần mạnh mẽ, xông pha, ghi nhận bằng thực tiễn chứ không đơn thuần chỉ tham dự những hội nghị, sự kiện để tường thuật lại chính sách và pháp luật, chép lại ý kiến cuộc họp. Phải biết cách “làm giàu” bằng cách tích lũy những tư liệu hình ảnh mỗi ngày. Ngày còn bé, cứ nghĩ nhà báo chẳng khác gì mấy so với nhà văn, lớn lên chút xíu lại thích anh nhà báo trẻ trung vác cái máy ảnh tung tăng khắp nơi, phiêu lưu. Ra trường, chập chững vào nghề với những tin bài tuyên truyền, tin vắn quảng cáo lại thấy mình giống một người “bán báo”. Rồi năm tháng theo nghề, tôi còn nhiều lần thấy mình như một "hiệp sĩ" ngồi giữa những người nông dân, thay họ lên tiếng những lời kiến nghị và cầu cứu. Nhưng tôi thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm, tôi chỉ biết dùng tình cảm của mình để thấu hiểu, và đúng hơn tôi cho rằng tôi đang đồng điệu với họ.

Tôi giữa những người dân trước buổi tiếp dân về vụ việc ỉm 175 bìa đỏ của chính quyền xã Vĩnh Phong tại UBND huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng (2015)

Mãi đến sau này, tôi mới nhận ra làm nghề báo cũng rất cần có những lúc lạnh lùng, biết dùng lý trí để trấn an mọi suy nghĩ nóng nảy, bồng bột. Không nên nhìn một chiều, phải biết phản biện và đào xới bằng cây bút chứ không phải là tuyên ngôn vỉa hè hoặc một kết luận phiến diện. Nhà báo phải học cách vận dụng tư duy và kinh nghiệm của mình một cách sáng tạo trong công việc, dùng bản lĩnh tích lũy được để tạo thành một tác phẩm có “hiệu quả”, mang lại giá trị tin tức thiết thực với xã hội, với dư luận và với tòa soạn, giữ và bảo mật những thông tin có đầy đủ luận cứ và luận chứng xác thực để đảm bảo an toàn cho chính mình và tờ báo.

Khi được trở thành một thành viện của gia đình Việt Nam Hội nhập, tôi càng tự tin hơn khi những kinh nghiệm những bài học của mình được vận dụng hiệu quả, đặc biệt được hướng dẫn và chỉ đạo chi tiết từ Tổng biên tập cùng lãnh đạo ban, sự hỗ trợ và học hỏi từ những anh chị em đồng nghiệp đã giúp tôi có cái nhìn hoàn thiện hơn về nghề - cái nghề mà người ta vẫn thường nhầm lần như một nhà văn mà xưa kia tôi cũng nghĩ thế. Thực tế đến giờ, tôi có thể khẳng định, nhà báo khác với nhà văn ở chỗ, nhà báo phải đào xới thông tin và biết dùng ngòi bút của mình để phản biện, để trở thành “người đưa tin” đúng nghĩa, và tờ báo là tờ đưa tin đáng tin tưởng.

Tôi học hỏi được từ chính những vấp ngã của chính mình, của đồng nghiệp, của những nhà báo kỳ cựu. Đến giờ, tôi cũng phải khẳng định nhắc nhở chính mình rằng đừng bao giờ từ bỏ những suy nghĩ, niềm tin tưởng và những yêu cầu khắt khe của một tòa soạn, đúng hơn là những yêu cầu từ Tổng biên tập và lãnh đạo cấp trên mình đưa ra đối với tác phẩm của mình vì chính họ đã đặt mình vào những thử thách, nhắc nhở cho mình sự cẩn trọng.

Tôi viết cho ngày của nghề chào mừng 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Viết để cảm ơn lãnh đạo và đồng nghiệp mà tôi rất yêu mến và trân trọng của Việt Nam Hội nhập đã giúp tôi đúc kết được những kinh nghiệm và những nhận định chắc chắn để định hướng đúng trong công tác nghề của mình. Và tôi viết cho chính mình!