25/04/2024 lúc 02:09 (GMT+7)
Breaking News

Vì sao hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế?

VNHN-Với chủ đề "Liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hướng tới lợi ích chung", Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã điểm qua những thành tích và hạn chế sau 30 năm thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

VNHN-Với chủ đề "Liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hướng tới lợi ích chung", Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã điểm qua những thành tích và hạn chế sau 30 năm thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong hơn 30 năm qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nhiều chính sách được cập nhật kịp thời, bổ sung cho phù hợp, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được tháo gỡ. Từ đó, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, góp phần thu hút ngày càng nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước cả về số lượng và tiềm lực, đồng thời là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao.

Đến nay, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với khoảng 26.000 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 326 tỷ USD và tổng vốn thực hiện đạt trên 180 tỷ USD. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP, trong đó 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và cho 5 - 6 triệu lao động gián tiếp.

Với sự có mặt rộng khắp, doanh nghiệp FDI đã làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam theo hướng giảm tỷ trọng nguyên liệu thô, sơ chế và tăng dần sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao trình độ công nghệ trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, mặc dù khu vực FDI đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, nhưng sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng. Việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp...

Trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mức độ lan tỏa về hiệu quả sản xuất, kinh doanh của khối FDI với các thành phần kinh tế khác vẫn chưa như kỳ vọng. Trong khi khu vực FDI đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách nhà nước thì các doanh nghiệp tư nhân trong nước đóng góp đối với nền kinh tế vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế được chứng minh qua báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 vừa được công bố.

Vì tầm quan trọng của hợp tác doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, PCI năm 2018 đã dành một chương đánh giá khả năng hội nhập, hợp tác vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Theo đó, trong hơn 10.000 doanh nghiệp trong nước tham gia khảo sát thì có 66% chủ yếu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho cá nhân người Việt, 64% "chơi" với doanh nghiệp tư nhân trong nước, 24% thường xuyên chọn doanh nghiệp nhà nước làm bạn hàng chính; chỉ 15% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bán hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, 8,4% doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và vỏn vẹn 7,4% xuất khẩu gián tiếp.

Tình hình chỉ khá hơn với nhóm doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực chế tạo và nhóm doanh nghiệp có trên 500 lao động. 20% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo bán hàng cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, 17,4% xuất khẩu hàng hóa trực tiếp và 12% xuất khẩu gián tiếp qua bên thứ ba.

Kết quả điều tra hơn 2.000 doanh nghiệp FDI, PCI năm 2018 cũng cho biết, dù 60% doanh nghiệp nước ngoài có mua hàng hóa, dịch vụ trực tiếp từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhưng phần lớn giao dịch này lại bó hẹp trong phạm vi một số doanh nghiệp lớn, chiếm tới 62% tổng giá trị giao dịch.

Những con số trên không phải là điều mà Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong nước mong muốn khi những năm qua, nhiều biện pháp, chính sách đã được đưa ra, từ cải thiện hạ tầng, giảm rào cản hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện điều kiện lao động để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Kinh tế Việt Nam không thể phát triển hài hòa, vững chắc nếu không có sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, hình thành chuỗi giá trị và trách nhiệm xã hội.

Có nhiều nguyên nhân vì sao hợp tác doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế, nhưng các doanh nghiệp trong nước phải tự tin và nâng cao năng lực hợp tác,  Nhà nước phải có cơ chế bảo vệ doanh nghiệp trong nước khi hợp tác với doanh nghiệp FDI là những việc không thể để chậm trễ.