25/04/2024 lúc 21:45 (GMT+7)
Breaking News

Vì sao dư luận ủng hộ bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội?

VNHN - Việc bầu trực tiếp bí thư tại Đại hội không những mở rộng dân chủ trong Đảng, khẳng định được năng lực, trình độ, uy tín của người được bầu, mà còn giúp cấp trên dựa vào đó để đánh giá cán bộ, xem xét mức độ đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

VNHN - Việc bầu trực tiếp bí thư tại Đại hội không những mở rộng dân chủ trong Đảng, khẳng định được năng lực, trình độ, uy tín của người được bầu, mà còn giúp cấp trên dựa vào đó để đánh giá cán bộ, xem xét mức độ đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển tặng hoa chúc mừng tân Bí thư Thành ủy Hải Dương khóa XXIII nhiệm kỳ 2020–2025 Lê Đình Long. (Ảnh: TTXVN)

Phát huy dân chủ, khẳng định uy tín cán bộ

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tổ chức xây dựng Đảng ngày 1-7, Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Tính đến ngày 20-6-2020, đã có 94% tổ chức cơ sở đảng trên toàn quốc tổ chức Đại hội, trong đó có 1.665 Đại hội bầu trực tiếp Bí thư; đến hết ngày 30-6 đạt 99,75%. "Hiện 85 Đảng bộ cấp trên cơ sở đã tổ chức Đại hội, trong đó có 54 Đại hội điểm, 33 Đại hội bầu trực tiếp Bí thư”.

Có thể nói, việc bầu trực tiếp Bí thư cấp cơ sở và cấp trên cơ sở tại Đại hội không phải là chủ trương mới. Theo đồng chí Trần Huy Sáng, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội: “Cách đây khoảng 10 năm, thành phố đã có một số quận, huyện triển khai bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội”.

Ông Lê Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho biết: “Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội cấp cơ sở đã diễn ra từ lâu”. Tuy nhiên, việc bầu trực tiếp Bí thư trong Đại hội trước đó chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp, nhưng hiện nay, chúng ta đã tổ chức được hàng nghìn Đại hội cấp cơ sở trên toàn quốc, hàng chục Đại hội cấp trên cơ sở, thậm chí Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đề xuất xin Trung ương bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội.

Thực tế cho thấy, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Nếu địa phương nào lựa chọn được người đứng đầu có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín chắc chắn địa phương đó sẽ phát triển.

Tinh thần Chỉ thị 35 đã nhấn mạnh, phát huy dân chủ trong Đảng, tăng cường khuyến khích những nơi có điều kiện thì bầu trực tiếp Bí thư.

Từ trước đến nay, Đại hội Đảng các cấp tiến hành bầu cử theo nhiều tầng nấc: Đại hội bầu Ban chấp hành khóa mới, Ban chấp hành bầu Thường vụ, rồi Thường vụ bầu Bí thư. Ưu điểm của cơ chế này là người được bầu nằm trong phương án nhân sự, nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên cấp ủy khóa mới, đảm bảo khâu thời gian Đại hội…

Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Anh Tú, Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Lâm: “Nếu chức danh Bí thư Huyện ủy chỉ bầu ở trong Ban chấp hành thì uy tín, trách nhiệm của người được bầu chỉ được đánh giá trong Ban chấp hành. Nhưng nay, để Đại hội bầu với sự có mặt 219 đại biểu đại diện cho 51 đơn vị cấp cơ sở thì uy tín, trách nhiệm của người được bầu được trải rộng và đánh giá toàn diện hơn”.

Cùng chung quan điểm này, Ông Lê Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII khẳng định: Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội là việc tốt vì mở rộng dân chủ hơn, là quá trình kiểm soát đánh giá chất lượng nhân sự tốt hơn so với việc chỉ do Ban Chấp hành khóa mới bầu. Bởi hàng trăm đại biểu bầu sẽ khác với Ban Chấp hành chỉ vài chục người.

Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước đã tiến hành thành công Đại hội Đảng cấp cơ sở và một số Đại hội cấp huyện. Đáng lưu ý, có một số Bí thư được bầu trực tiếp tại Đại hội với số phiếu tín nhiệm rất cao. Ví như đồng chí Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm tiếp tục được bầu làm Bí thư Huyện ủy với số phiếu đạt 218/219 (99,54%).

Có thể nói, việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội góp phần mở rộng hơn dân chủ trong Đảng. Đại biểu dự Đại hội được phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong lựa chọn nhân sự lãnh đạo.

Qua bầu cử, cán bộ cũng thấy được tín nhiệm của mình. Những cán bộ trúng cử, nhất là tỷ lệ phiếu bầu cao thì uy tín, tiếng nói sẽ có trọng lượng hơn, lan tỏa hơn trong cấp ủy khóa mới nói riêng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ nói chung. Ngược lại, nếu mức độ tín nhiệm còn thấp, cũng là bài học để cán bộ đó tự soi lại bản thân, nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm năng lực trong công tác, nhìn nhận những vấn đề hiện còn tồn tại để có biện pháp khắc phục, uốn nắn.

Cơ sở để đánh giá cán bộ và Đảng bộ

Hiện chúng ta có nhiều căn cứ để đánh giá năng lực, trình độ, uy tín cán bộ. Song, kết quả bầu trực tiếp Bí thư qua Đại hội là một cơ sở quan trọng để cấp trên xem xét.

Từ sự thành công của Đại hội Đảng cấp cơ sở và một số Đại hội cấp huyện cho thấy, có rất nhiều đồng chí Bí thư được bầu trực tiếp tại Đại hội trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao. Ví như, đồng chí Lê Đình Long từ lúc được luân chuyển về giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hải Dương đến lúc tổ chức Đại hội được 1 năm 14 ngày nhưng tái đắc cử chức danh Bí thư Thành ủy Hải Dương khóa XXIII với số phiếu đạt 98,7%. Điều này cho thấy sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên thành phố Hải Dương với đồng chí Long, cũng như sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ tương đối cao.

Ngược lại, theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Mới đây, tại cấp cơ sở có xảy ra trường hợp Bí thư, Chủ tịch không trúng vào Ban Chấp hành Đảng bộ.

Sự việc trên có thể nhìn nhận, đánh giá ở nhiều góc độ: Hoặc là, vị cán bộ đó chưa đủ tín nhiệm trong Đảng viên, năng lực, trình độ, uy tín thấp; hoặc là nội bộ Đảng chưa thống nhất, tinh thần đoàn kết chưa cao, hoặc là cả hai.

Đề cập vấn đề này, đồng chí Vũ Đức Bảo - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho rằng: “Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội trong tình hình hiện nay là rất tốt, giúp phát huy dân chủ trong Đảng, để các đồng chí Bí thư, người đứng đầu cấp ủy khẳng định được uy tín của mình trước Đại hội. Ngoài ra để cho cấp trên đánh giá cán bộ và cũng khuyến khích tính chủ động cao của các đồng chí được bầu, thay đổi phương thức để đảm bảo ngày càng dân chủ của Đảng”./.