20/04/2024 lúc 18:00 (GMT+7)
Breaking News

Vi phạm pháp luật đê điều chưa được xử lý triệt để

VNHN - Chiều 27/11, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị giao ban công tác quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt tại Nam Định .

VNHN - Chiều 27/11, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị giao ban công tác quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt tại Nam Định .

Hiện nay cả nước có gần 9.300 km đê; trong đó đê từ cấp III đến cấp đặc biệt có trên 2.700 km. Theo báo cáo từ các địa phương, do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, nhiều vị trí đê, kè đã bị sạt, sụt, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn. Hệ thống đê không những bị tác động mạnh bởi thiên tai mà tại các tỉnh, thành phố, tình trạng vi phạm pháp luật đê điều vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu là lấn chiếm lòng sông, bãi sông để xây dựng công trình, nhà ở, nhà xưởng, làm bãi tập kết vật liệu... Nhiều vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra trong thời gian dài tại các địa phương chưa được xử lý triệt để.

Từ tháng 1/2011 - 12/2018, cả nước xảy ra trên 10.180 vụ vi phạm pháp luật về đê điều trong đó các cơ quan chức năng mới xử lý được hơn 3.000 vụ, tồn đọng trên 7.100 vụ. Từ đầu năm đến hết tháng 10/2019, tiếp tục xảy ra trên 310 vụ vi phạm pháp luật đê điều nhưng cơ quan chức năng mới xử lý được 120 vụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 1.150 tỷ đồng, trong đó có 650 tỷ đồng để gia cố các tuyến đê từ cấp III trở lên. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí 1.700 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách năm 2019 để hỗ trợ các địa phương gia cố đê điều xung yếu, tập trung vào các tỉnh có đê từ cấp III trở lên...

Nhiều vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra trong thời gian dài tại các địa phương chưa được xử lý triệt để. (Ảnh minh họa)

Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các tuyến đê, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão các địa phương cần tham mưu cho UBND cấp tỉnh đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành các công trình sửa chữa, nâng cấp đê đang thi công dở dang.

Chi cục quản lý đê điều các địa phương tăng cường công tác tuần tra, bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh; đồng thời quản lý tổng thể hồ sơ vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; tham mưu cho chính quyền và cơ quan chức năng địa phương chỉ đạo, xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật đê điều. Các địa phương tập trung sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê, bảo đảm giao thông thông suốt, sẵn sàng phục vụ ứng cứu, hộ đê; khẩn trương tu sửa, bổ sung cột mốc, biển báo, điếm canh đê; phát quang mái đê, chân đê để phục vụ tuần tra canh gác trong mùa mưa, lũ.