28/03/2024 lúc 20:13 (GMT+7)
Breaking News

Về Duệ Đông nghe câu quan họ cổ

VNHN - Hương thơm man mác của những bông hoa bưởi vào mùa và mưa xuân phơi phới bay dường như là thứ gia vị làm cho những câu hát quan họ thêm đậm đà. Dù bận rộn với công việc thường ngày, nhưng những liền anh, liền chị của làng quan họ Duệ Đông, thị trấn Lim, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vẫn thu xếp để tổ chức các canh hát quan họ truyền thống mộc mạc, đúng lề lối như mọi năm. Và dù không diễn ra thâu đêm suốt sáng "ca cho tàn canh, mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày", nhưng đã phần nào làm thỏa niềm mo

VNHN - Hương thơm man mác của những bông hoa bưởi vào mùa và mưa xuân phơi phới bay dường như là thứ gia vị làm cho những câu hát quan họ thêm đậm đà. Dù bận rộn với công việc thường ngày, nhưng những liền anh, liền chị của làng quan họ Duệ Đông, thị trấn Lim, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vẫn thu xếp để tổ chức các canh hát quan họ truyền thống mộc mạc, đúng lề lối như mọi năm. Và dù không diễn ra thâu đêm suốt sáng "ca cho tàn canh, mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày", nhưng đã phần nào làm thỏa niềm mong mỏi của "người chơi" và nhất là những ai đã trót mê đắm quan họ.

"Nghề chơi" lắm công phu

Bà Nguyễn Thị Bình năm nay ngoài 70 tuổi, một mình từ huyện Đông Anh, Hà Nội, tìm về làng Duệ Đông. Nơi đây bà đã sinh ra và lớn lên, giờ đi lấy chồng xa, mỗi năm cứ vào dịp đầu Xuân, bà Bình lại nhớ nhung những câu hát quan họ mình đã được nghe thuở trước, nhớ nhung những canh hát quan họ truyền thống mà tìm về.

Bà Bình kể rằng: Ở Hội Lim trên đồi đông quá không chen được, chỉ có tìm vào làng nghe hát canh như thế này mới thỏa nhớ nhung. Ngày trước, thuở 15, 16 tuổi, bà đã sang ông Đắc, ông Chùa (thế hệ cao tuổi chơi quan họ của làng Duệ Đông) học hát. Lúc đó còn trẻ, chưa thấm câu quan họ, thế nào lại chuyển sang học dân ca. Để đến bây giờ cứ tiếc mãi.

Một canh hát quan họ truyền thống tại làng Duệ Đông, thị trấn Lim, huyện Tiên Du (Bắc Ninh)

Các cụ cao niên của làng Duệ Đông khẳng định rằng, quan họ cổ hát đã khó lại kén người nghe, phải là những người thật sự đam mê, có lòng yêu quan họ say đắm thì mới nghe và cảm được nó. Thế mà đã gần 20 năm nay, ông Đặng Thọ Tường sống tại TP Hải Phòng chưa bỏ nghe một canh hát quan họ truyền thống nào của làng Duệ Đông.

Không giống bà Bình, ông là khán giả nhiệt thành của canh hát nhiều năm như vậy vì ông yêu lối sống giản dị, quý bạn, quý khách của những liền anh, liền chị làng Duệ Đông. Khi đến với họ, ông cảm thấy gần gũi như thể trở về nơi thân thiết của mình. Ông đặc biệt yêu thích dân ca miền bắc, mà trong đó mê nhất là những câu quan họ, nhất là quan họ cổ. Vì yêu thích và mong nhiều người yêu thích như mình, năm nào ông cũng tới làng Duệ Đông thật sớm, ngồi chăm chú lắng nghe và ghi lại canh hát cổ bằng chiếc máy quay nhỏ. Hỏi ra mới biết, mặc dù những câu hát và canh hát năm nào cũng vậy, thế mà ông Tường chưa một lần bỏ canh hát quan họ cổ vào dịp đầu Xuân hằng năm của làng Duệ Đông trong suốt nhiều năm qua.

Trong ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Kim Thanh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ thôn Duệ Đông, canh hát quan họ cổ được phục dựng lại với đầy đủ lề lối. Bọn quan họ (cách gọi truyền thống về những người chơi quan họ) nam ngồi đối diện với bọn quan họ nữ, ở giữa chiếu là những cơi trầu têm cánh phượng và chén trà thơm.

Bên nữ ra câu "Mong người như cá mong mưa", bên nam đối "Nhẽ ra em cũng ở nhà"; bên nữ ra câu "Nhớ ai nhớ mãi thế này", bên nam đối câu "Ông tơ hồng ơi"… Không nhạc đệm, không loa máy, hàng trăm câu quan họ mộc mạc trữ tình vang lên giữa không gian trầm mặc, tĩnh lặng. Một canh hát quan họ thường diễn ra từ sẩm tối hôm trước cho đến hai, ba giờ sáng hôm sau, được chia thành ba chặng. Đầu tiên là hát giọng lề lối như La rằng, Tình tang, Bạn kim lan, Cái ả… những giọng này đòi hỏi người ca phải chậm rãi, đúng chất "vang, rền, nền, nảy". Chặng giữa hát các bài thuộc giọng lẻ, giọng vặt như Khách đến chơi nhà, Tay em nâng cái cơi đựng giầu, Em là con gái Bắc Ninh, Tiên sa xuống cõi trần chơi… không phải theo trình tự bắt buộc như chặng đầu, cho nên các anh Hai, chị Hai càng hát, càng say, kể về niềm thương, nỗi nhớ về tình yêu, tình người… Chặng cuối thường vào lúc hai, ba giờ sáng, cả chủ và khách đều lưu luyến, bịn rịn, cho nên thường ca những câu giã bạn như Chuông vàng gác cửa tam quan, Người ơi người ở đừng về, Chia rẽ đôi nơi, Kẻ bắc, người nam…

"Nghĩa người em để trong cơi/ Nắp vàng đậy lại để nơi giường nằm", trong văn hóa quan họ, tình người và phong cách ứng xử khiêm nhường, lịch lãm giữa các liền anh, liền chị cũng là một vẻ đẹp nổi bật. Người quan họ bình đẳng, luôn quý trọng, tôn kính nhau. Điều này biểu hiện không chỉ trong các ca từ, bài bản quan họ mà còn trong giao tiếp. Bao giờ người quan họ cũng xưng "em" hoặc "chúng em" và gọi bạn là "anh" hoặc "chị" cho dù ít tuổi hay nhiều tuổi hơn và thậm chí là tài năng "chơi quan họ" không bằng. Các cụ bảo "Nghề chơi của chúng em công phu lắm nên muốn chơi được quan họ đòi hỏi nhiều tâm sức và thật kỳ công".

Hàng trăm câu hát và cách giao tiếp trong canh hát quan họ cổ không được ghi chép trong bất cứ tư liệu nào, cách duy nhất là học từ các nghệ nhân cao tuổi. Ở làng Duệ Đông có nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế năm nay 100 tuổi và nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc năm nay 96 tuổi luôn là người giữ lửa, thuần thục về các kỹ năng hát quan họ và tâm huyết trong việc gìn giữ và phát huy những làn điệu quan họ cho thế hệ trẻ.

Tuổi đã cao như vậy, nhưng ông Đắc vẫn tự dò đường trong con ngõ tối của làng sang nhà bà Thanh, một trong những học trò của ông, để tham gia canh hát như một thói quen không thể bỏ từ năm này sang năm khác. Vừa hát vừa nghe các học trò hát, ông Đắc gật gù với nét mặt mừng vui về một thế hệ sau đã tiếp nối được những gì ông mong muốn. Ông kể lại về những canh hát xưa: "Bây giờ các cô, các chị hát quan họ đã cải biên nhiều, nhưng lối hát cổ thì không thể cải đi được. Ngồi như thế này là hát canh, bên anh Hai, chị Hai ngồi hát đối nhau thế, tình cảm nó mới nhiều. Cất lên câu hát là biết ngay".

Nơi trao truyền các giá trị truyền thống

Năm 1992, Câu lạc bộ quan họ làng Duệ Đông chính thức được thành lập mà nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế và nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc là hạt nhân chính. Với suy nghĩ, ngày xưa các cụ đã dạy mình gì thì mình truyền dạy cho con cháu cái đó, cụ Kế và cụ Đắc dành hết tâm huyết để truyền dạy quan họ.

Năm nay, khi cụ Kế đã tuổi cao sức yếu, cụ Đắc vẫn miệt mài truyền nghề. Mỗi thứ bảy hằng tuần, chẳng kể trời mưa hay nắng, lớp học chưa khi nào vắng bóng người thầy già. Sau khi giao bài, hát mẫu cho những người trong câu lạc bộ quan họ, cụ lại dành ra một buổi, kiểm tra, uốn nắn từng lời ca, giọng ngân… của "học viên". Khi lớp học trò của cụ đạt được đến giọng chuẩn, theo tiêu chí vang, rền, nền, nảy của người quan họ, thầy giao nhiệm vụ cho các thành viên tiếp tục truyền dạy cho các lớp kế cận.

Bà Nguyễn Kim Thanh, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã lớn lên với những canh hát quan họ cổ bởi đây là truyền thống gia đình. Cách đây 26 năm, bà Thanh quyết định nghiên cứu chuyên sâu về quan họ, cho nên đi theo hai thầy Nguyễn Thừa Kế và Nguyễn Văn Đắc để học hỏi. Bà nhớ lại: "Năm 1992 thành lập, Câu lạc bộ quan họ chỉ có 14 người theo học, sinh hoạt tại đình làng cũ. Những ngày đầu hoạt động, câu lạc bộ còn nhiều khó khăn, vất vả, trang phục biểu diễn không có; nơi sinh hoạt không được khang trang, ổn định; những người chưa học hát bao giờ còn lúng túng, vụng về, sinh hoạt chưa đều đặn…

Thế nhưng, vượt qua tất cả khó khăn, đến nay, Câu lạc bộ quan họ Duệ Đông đã phát triển ổn định, ai cũng có thể hát hay, hát giỏi như những nghệ nhân quan họ thực thụ".

Hiện, Câu lạc bộ quan họ Duệ Đông có hơn 40 thành viên, sinh hoạt với các lớp thế hệ khác nhau. Người lớn tuổi nhất là nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế và nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc. Cùng sinh hoạt tại Câu lạc bộ với các liền anh, liền chị trung niên là các cháu thiếu nhi, học sinh các lứa tuổi. Các nghệ nhân quan họ lớn tuổi truyền lại tình yêu và kỹ năng hát cho thế hệ trung niên như bà Nguyễn Kim Thanh, rồi bà lại tiếp tục truyền lại cho con cháu trong nhà, trong câu lạc bộ.

Những liền anh, liền chị làng Duệ Đông đã và đang gắn bó với quan họ bằng tình yêu, lòng đam mê với ý thức về một trọng trách gìn giữ, trao truyền các làn điệu truyền thống cha ông để lại. Đó là lý do mà các canh hát quan họ cổ ở làng Duệ Đông vẫn còn duy trì đến ngày hôm nay và hy vọng sẽ được nhân rộng hơn nữa trong tương lai./.

Theo Nhandan.com.vn