29/03/2024 lúc 12:51 (GMT+7)
Breaking News

Vẻ đẹp nơi ấy Điện Biên

VNHN - Điện Biên được thiên nhiên ưu đãi với địa hình đa dạng, cảnh quan hùng vĩ, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, tạo nên nhiều điểm hấp dẫn khách du lịch. Đến với Điện Biên, du khách có thể tìm đến những địa danh sau để thưởng thức vẻ đẹp của mảnh đất, con người nơi đây.

VNHN - Điện Biên được thiên nhiên ưu đãi với địa hình đa dạng, cảnh quan hùng vĩ, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, tạo nên nhiều điểm hấp dẫn khách du lịch. Đến với Điện Biên, du khách có thể tìm đến những địa danh sau để thưởng thức vẻ đẹp của mảnh đất, con người nơi đây.

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần, nằm trên địa phận thành phố Điện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo và huyện Điện Biên.

Chiến trường Điện Biên Phủ là nơi ghi dấu thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới; tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày nay di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, là trường học lớn để nghiên cứu, học hỏi, giáo dục truyền thống cách mạng và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch.

Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

* Một số di tích thành phần nổi bật của di tích Chiến trường Điện Biên Phủ

Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng: Nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40km. Đây là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sở chỉ huy được bố trí thành một hệ thống liên hoàn có hầm, hào và lán trại làm việc, sinh hoạt. Gần với Sở chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh núi cao trên 1000m, có thể bao quát toàn bộ thung lũng Mường Thanh.

Đồi A1: Nằm tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Đồi A1 từng là nơi diễn ra trận đánh có tính chất quyết định thắng lợi của toàn chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954, mở ra thời cơ tổng công kích tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm. Đây cũng là trận đánh kéo dài, giằng co ác liệt nhất qua 39 ngày đêm, hơn 2.500 chiến sỹ ta đã anh dũng hy sinh tại đồi này.

Hầm De Castries: Hầm chỉ huy nằm ở vị trí trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đứng đầu là Tướng De Castries. Đây là nơi đã diễn ra các cuộc họp quan trọng của Bộ chỉ huy quân Pháp, là trung tâm sức mạnh của toàn bộ Tập đoàn cứ điểm. Chiều 7/5/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã bao vây và bắt sống toàn bộ chỉ huy Pháp, kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cây cầu Mường Thanh bắc qua dòng sông Nậm Rốm là hiện thân của lịch sử

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nằm trên di tích Đồi D1 - ngọn đồi cao nhất tại dãy đồi phía Đông trực tiếp bảo vệ cho sân bay Mường Thanh. Đây là công trình tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam (nặng 217 tấn). Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 chiến sỹ đứng quay lưng vào nhau; một chiến sỹ bế em bé Thái trên vai, tay giơ cao bó hoa; một chiến sỹ phất cao lá cờ “quyết chiến quyết thắng”, tung bay trên bầu trời Điện Biên như một biểu tượng của chiến thắng và hòa bình.

Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Được khởi dựng từ tháng 10/2012, trong khuôn viên rộng hơn 2ha, khánh thành vào tháng 5/2014, gồm tầng nổi, tầng hầm và nhiều hạng mục quan trọng khác. Phần trưng bày được bố trí ở tầng nổi của Bảo tàng, diện tích trưng bày rộng 1.250m2 với gần 1000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bản đồ, với 4 chuyên đề: sơ lược cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ 9/1945 - 9/1953, diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ, sự giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với trong nước và quốc tế; gian cuối cùng là Phòng Tôn vinh. Tầng hầm rộng 2.141m2, bao gồm các chức năng: sảnh đón tiếp khách, phòng hội thảo, không gian trưng bày triển lãm, phòng sa bàn chiếu phim tài liệu chiến dịch Điện Biên Phủ, và trưng bày hàng lưu niệm.

Bảo tàng chiến thắng

Thành Bản Phủ - Đền thờ Hoàng Công Chất Thành Bản Phủ thuộc xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 12km về phía Nam. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi thành này do nghĩa quân Hoàng Công Chất xây dựng và ngày nay trong thành còn có đền thờ thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất và 6 tướng lĩnh khác của ông. Thành Bản Phủ được xây dựng từ năm 1758 đến năm 1762 thì hoàn thành, do Hoàng Công Toản con trai Hoàng Công Chất đảm nhiệm.

Được xây dựng ở trung tâm Thành Bản Phủ là đền thờ Hoàng Công Chất, người chỉ huy tài trí đã cùng đồng bào các dân tộc Mường Thanh đánh tan giặc Phẻ, giải phóng Điện Biên năm 1754; sau đó đã có công xây dựng và bảo vệ miền biên cương, chống lại sự xâm lăng của giặc ngoại bang thời bấy giờ. Hằng năm đến ngày 25 tháng 2 âm lịch (ngày mất của Hoàng Công Chất) Hội đền lại mở bằng nghi lễ trang nghiêm, kết hợp tổ chức những trò chơi dân gian truyền thống để tưởng nhớ Hoàng Công Chất.

Di tích Thành Bản Phủ - Đền Hoàng Công Chất được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 1981.

Hồ Pá Khoang

Hồ Pá Khoang cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 25km. Theo tiếng Thái, Pá Khoang có nghĩa là rừng trúc bởi trước đây dưới lòng hồ là cả một rừng trúc. Được xây dựng từ năm 1974 đến năm 1979 với chiều dài 12km, rộng 3km, có diện tích mặt nước là 600ha với thảm thực vật phong phú, địa hình đa dạng, khí hậu trong lành, rất thích hợp cho việc nghỉ dưỡng. Hồ Pá Khoang nằm ở trung tâm bao bọc xung quanh là các ngọn núi, giữa một vùng thiên nhiên đẹp hùng vĩ, ẩn hiện trong mấy trời non nước. Ngoài ra trong khu vực lòng hồ còn có các bản dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... với sắc thái văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Tây Bắc, là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn. Giữa hồ Pá Khoang, trên một hòn đảo nhỏ, Đảo Hoa, là thiên đường của loài Hoa Anh Đào với hàng ngàn cây đủ sắc nở rộ giữa đại ngàn sắc xanh của núi rừng, tạo nên một bức tranh mê hoặc và cuốn hút.

Hồ Pá Khoang

Động Pa Thơm

Động Pa Thơm thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, giáp với biên giới Việt - Lào cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ chừng 30km về phía Tây. Nhân dân địa phương gọi động là “Thẩm Nang Lai” nghĩa là “Hang nhiều nàng tiên hoa”. Động được khám phá cách đây khá lâu cùng với những huyền thoại, truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa.

Động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi. Chính giữa lối vào là một khối đá khổng lồ giống như đầu voi đang rủ xuống. Chiều sâu động khoảng hơn 350m chạy theo hướng Nam. Động có 9 vòm lớn nhỏ. Lối vào giáp cửa động là ba khối đá lớn chắn ngang, nằm uốn lượn như một con trăn khổng lồ ngăn đôi động và tạo thành hai lối vào ra. Động có nhiều nhũ đá mang những hình hài hết sức sống động, màu sắc huyền ảo, lung linh dưới ngọn nến. Bên vách là những khối nhũ đá như những dòng thác lớn đang chảy, óng ánh bạc làm cho cảnh quan càng thêm vẻ huyền bí nhưng không kém phần thơ mộng. Có thể nói động Pa Thơm là một kỳ quan thiên nhiên, địa danh du lịch hấp dẫn của tỉnh Điện Biên. Động Pa Thơm được công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 2009.

Động Pa Thơm

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 200km.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có tổng diện tích khoảng 310.262 ha, trong đó có gần 118.000 ha đất rừng tự nhiên với độ che phủ 43%, đạt tỷ lệ cao nhất tỉnh Điện Biên. Có 10 xã biên giới huyện Mường Nhé nằm trong Khu bảo tồn là nơi cư trú của một số dân tộc như: Hà Nhì, Khơ Mú, Mông... Tại đây có hệ động thực vật rừng rất phong phú, và khá đa dạng về chủng loại; là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm, có một số loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Cảnh sắc thiên nhiên nơi núi rừng Mường Nhé vô cùng hùng vĩ nhưng cũng rất sống động: Pha lẫn màu xanh của cây rừng, màu vàng rực của hoa cúc quỳ, màu vàng đỏ của những con đường mòn ẩn hiện những nếp nhà sàn, nhà lá nằm ngay bên vệ đường, ven suối và cả trong những lùm cây rậm rạp.

Với hệ sinh thái rừng phong phú như vậy, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được đánh giá là Khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao và vào loại lớn ở Việt Nam.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé

Suối khoáng nóng Hua Pe

Suối khoáng nóng Hua Pe thuộc xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 5km về phía Tây Bắc. Tại đây có nguồn nước khoáng dồi dào với nhiệt độ thường xuyên khoảng 60 độ C. Bên cạnh là hồ nhân tạo Pe Luông quanh năm lộng gió, hình thành nên điểm du lịch sinh thái tắm nước khoáng nóng và nghỉ dưỡng, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước. Suối nước nóng Hua Pe là dòng suối khoáng quý giá có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người bởi nó đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, về hóa học cho nước uống và sinh hoạt, không phải bất kỳ dòng suối khoáng nào cũng có thể uống được như nơi đây. Quả thật không sai khi nói: Suối nước nóng Hua Pe là món quà thiên nhiên vô giá mà mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Điện Biên tươi đẹp.

Suối khoáng nóng Hua Pe

Động Xá Nhè Khó Chua La

Di tích danh lam thắng cảnh Động Xá Nhè được người dân địa phương gọi là Khó Xo (nghĩa là hang thuốc nổ), thuộc bản Pàng Dề B, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Còn Hang Khó Chua La theo tiếng của dân tộc Mông địa phương: “Khó” có nghĩa là là hang động, “Chua” có nghĩa là núi đá hoặc mỏm đá, “La” có nghĩa là khỉ; dịch sang tiếng phổ thông Khó Chua La có nghĩa là “hang động khỉ”, thuộc bản Pàng Dề A1 xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Hai hang động có cảnh sắc tuyệt đẹp đang mở ra những tiềm năng mới cho du lịch Tủa Chùa.

Hang động Xá Nhè và Khó Chua La đã và đang trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế, đồng thời là môi trường lý tưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu và khám phá. Với những ưu đãi của thiên nhiên, hang động giống như một bảo tàng địa chất quý giá trở thành điểm du lịch xanh phù hợp với các hình thức du lịch trải nghiệm, khám phá, nghiên cứu khảo cổ, địa chất.

Động Xá Nhè

Tháp Mường Luân Tháp Chiềng Sơ

Tháp Mường Luân thuộc bản Mường Luân I (bản người Lào), xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông có 4 cạnh, nhân dân địa phương gọi là “tháp đực”; ngọn tháp thứ hai, tháp Chiềng Sơ, ở bản Nà Muông (bản người Thái), xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông có 8 cạnh, nhân dân gọi đó là “tháp cái”. Hai ngọn tháp có cùng niên đại, nằm ở hai địa bàn khác nhau nhưng đều là di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, biểu trưng cho tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Lào.

Tháp Mường Luân được xây dựng từ thế kỷ XVI, có kiến trúc theo hình vuông, dưới to trên nhỏ. Tháp có cấu tạo hai phần rõ rệt gồm bệ tháp và thân tháp. Trên thân tháp có đắp nổi các họa tiết cách điệu như: hình hoa sen, chim bay, hoa lá, rồng cuốn… thể hiện tài năng, thẩm mỹ và tư duy sáng tạo của người xưa. Tháp Mường Luân được xây dựng theo truyền thuyết một trái núi mang dáng dấp một người đang ngồi thiền “hua táng Keo, eo táng Lao” (có nghĩa đầu quay về Việt, lưng quay sang Lào). Di tích Tháp Mường Luân ngoài ý nghĩa lịch sử còn chứa đựng những giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo; đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Tháp Chiềng Sơ được được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV - XVI, cùng thời với Tháp Mường Luân, là một trong những công trình kiến trúc cổ của dân tộc Thái còn lại trên miền núi rừng Tây Bắc.

Tháp Chiềng Sơ kiến trúc theo hình nậm, dưới to trên nhỏ dần, hiện nay tháp vẫn còn nguyên hình như khi mới xây dựng, toàn bộ kiến trúc tháp được chia thành hai phần: phần một là bệ tháp, phần hai là thân tháp và các tầng của tháp; tháp cao 10.5m. Tháp được xây dựng bằng nguyên liệu: gạch, vôi, vữa, mật. trải qua thời gian dài chịu đựng nắng gió, mưa của núi rừng Tây Bắc và sự tác động của con người, mặt tháp tuy bị bào mòn phần nào nhưng lớp rêu bám đã ngả màu xám trắng, làm cho cây tháp thêm cổ kính hùng vĩ, hàng ngày đứng che chở, bảo vệ cho bản Nà Muông.

Tháp Mường Luân thuộc bản Mường Luân

Đèo Pha Đin

Tên gọi đèo Pha Đin xuất phát từ tiếng thái “Phạ Đin” trong đó Phạ nghĩa là trời, Đin là đất. Được mệnh danh là “tứ đại đỉnh đèo” của Tây Bắc với chiều dài hơn 32km. Đèo Pha Đin là một trong những cung đường nguy hiểm nhất ở Việt Nam. Với độ cao so với mực nước biển là 1.200m, đường đèo có những đoạn lên dốc, xuống dốc chênh vênh giữa một bên là vực thẳm, một bên là núi cao. Trong chiến dịch Điên Biên Phủ năm 1954, đèo Pha Đin là một trong những tuyến đường huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực ra mặt trận. Nhằm chặn đứng tuyến tiếp viện của quân đội Việt nam vào Điện Biên Phủ, suốt 48 ngày đêm ròng rã, Pháp đã cho máy bay oanh tạc đường số 6 trong đó đèo Pha Đin là một trong những điểm hứng chịu nhiều bom đạn nhất.

Qua đèo Pha Đin, du khách sẽ được trải nghiệm khám phá những cung đường uốn lượn, gấp khúc, chiêm ngưỡng thung lũng hoa dã quỳ, chìm đắm trong sắc trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận. Đặt chân lên đỉnh đèo Pha Đin, chắc chắn du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.

Đèo Pha Đin

Du lịch Lòng hồ thủy điện ở Mường Lay

Từ lâu, thị xã Mường Lay được mệnh danh là “viên ngọc quý” trên đỉnh trời Tây Bắc bởi cảnh vật ở đây khiến nhiều du khách mê say. Người dân nơi đây đang tận dụng thế mạnh từ lòng hồ thủy điện và những nét đẹp trong đời sống văn hóa để phát triển du lịch. Sau sự kiện dâng nước khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La năm 2010, hiện nay thị xã Mường Lay có những dãy phố nhà sàn nằm bên lòng hồ thủy điện yên bình và thơ mộng, tạo nên hình ảnh một thị xã độc đáo, đặc trưng “trên bến dưới thuyền”.

Ngoài lợi thế du lịch từ lòng hồ thủy điện, đời sống văn hóa, phong tục tập quán của người dân thị xã Mường Lay cũng vô cùng đặc sắc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống từ lâu đời, trong đó có nghệ thuật Xòe Thái và lễ hội Kin Pang Then, hai nét sinh hoạt độc đáo đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong năm 2016.

Đầu năm 2015, thị xã Mường Lay đã phục dựng thành công Lễ hội Đua thuyền đuôi én. Cứ vào ngày đầu tiên của năm mới, địa phương lại tưng bừng mở hội đua thuyền, thu hút các đội thi từ Sơn La, Lai Châu và cả nước bạn Lào. Vào các ngày diễn ra lễ hội, hàng nghìn lượt du khách đến Mường Lay, dần tạo thành một điểm hẹn quen thuộc trong dịp đầu năm mới.

Hồ thủy điện

Cột mốc biên giới A Pa Chải

Điện Biên có một điểm mốc hết sức nổi tiếng với dân Phượt, đó là A Pa Chải, địa danh gắn liền với cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22°23’53”N 102°8’51”E, nằm trên đỉnh núi Khoan La San thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé. A Pa Chải là ngã ba biên giới giữa 3 nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào, nơi được mệnh danh “một con gà gáy cả ba nước đều nghe” và từ lâu đã trở thành một điểm đến lý tưởng cho những ai thích khám phá, chinh phục những thử thách bởi chặng đường đến với cột mốc này vẫn còn rất hoang sơ.

Cột mốc biên giới A Pa Chải

Đến với điểm Mốc này không chỉ là hành trình thử thách sức khỏe mà còn cả ý chí của người chinh phục. Tuy nhiên, mọi mệt mỏi sẽ tan biến ngay khi du khách đặt chân tới cột mốc số 0. Cột mốc được ốp đá hoa cương, ở giữa là cột hình tam giác cao 2m có ba mặt hướng về ba nước, mỗi mặt có khắc tên nước bằng chữ quốc ngữ và quốc huy của mỗi quốc gia. Với mỗi du khách, đặc biệt là các bạn trẻ, mặc trên mình chiếc áo in quốc kỳ thắm đỏ, chụp hình với cột mốc số 0 là cách thể hiện tình yêu đất nước và chủ quyền dân tộc ở mảnh đất cực Tây của Tổ Quốc.