20/04/2024 lúc 18:34 (GMT+7)
Breaking News

Về chốn linh thiêng những ngày đầu năm, một nét đẹp văn hóa có từ ngàn xưa

Cứ mỗi độ xuân về, người Việt Nam nói chung, người dân Hà Tĩnh nói riêng có phong tục đi lễ đền, chùa, miếu và các di tích lịch sử như một lời tri ân sâu sắc đến các bậc tiền nhân, cầu mong một năm mới mạnh khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa… Đền Truông Bát - Ngã ba Đồng Lộc điểm đến đầu năm của người dân Hà Tĩnh, một nét đẹp văn hóa có từ ngàn xưa, đang được gìn giữ, phát huy đến ngày nay và mai sau.

VNHN - Cứ mỗi độ xuân về, người Việt Nam nói chung, người dân Hà Tĩnh nói riêng có phong tục đi lễ đền, chùa, miếu các di tích lịch sử như một lời tri ân sâu sắc đến các bậc tiền nhân, cầu mong một năm mới mạnh khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa… Đền Truông Bát - Ngã ba Đồng Lộc điểm đến đầu năm của người dân Hà Tĩnh, một nét đẹp văn hóa có từ ngàn xưa, đang được gìn giữ, phát huy đến ngày nay và mai sau.

Đền Truông Bát, nơi thờ tự Lộc Hoa Công Chúa

Đền Truông Bát được bao bọc bởi 8 quả núi cạnh Ngã ba Khe Giao chỗ gặp nhau của Tỉnh lộ 3 và Quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Là một di tích cổ được xây dựng cách đây khoảng 600 năm, nơi thờ tự Vương nương Thánh mẫu Đệ nhị thượng ngàn - Lộc Hoa Công Chúa, Đệ nhất thượng thiên - Mẫu Liễu Hạnh, Đệ tam thủy phủ - Mẫu Thoải, Quan Hoàng Mười.

  Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền uy nghi cổ kính đã xuống cấp trầm trọng, năm 2006 nhân duyên hội tụ, người người nhất tâm, UBND xã Ngọc Sơn kêu gọi người dân đóng góp tiền bạc công sức xây dựng lại Đền Truông Bát khang trang, bề thế, tam tòa hoàn hảo, đồ tế lễ tôn nghiêm trên nền thiêng đất cũ ngày xưa. Năm 2011, Đền Truông Bát được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Hà Tĩnh.

   Tương truyền, Lộc Hoa Công chúa tên thật là Phạm Thị Thỏa, quê ở huyện Vũ Quang - Hà Tĩnh ngày nay, sống vào khoảng thế kỷ XV. Bà là người có công lớn trong việc giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh giành lại độc lập cho đất nước. Ghi nhớ công trạng của bà, vua Lê Thánh Tông đã cho lập miếu thờ và phong bà là Vương Nương Thánh Mẫu Lộc Hoa Công Chúa Thượng đẳng tối linh thần. Đến thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng trong một lần kinh lý qua đây, khi đến vùng Khe Giao, đột nhiên trời đất tối sầm, mây đen vần vũ, voi ngựa sợ hãi chùn chân. Trông lên phía trước mặt, vua và quần thần chợt thấy một ngôi miếu rêu phong cổ kính, thấp thoáng sau chòm cây cối um tùm, như có linh khí bay lên từ đấy. Nhà vua và quần thần vội buộc voi ngựa, vào miếu dâng hương, tiến lễ vái lạy. Một lúc sau, mây tạnh, mù tan, núi rừng trở lại quang đãng, đoàn người mới đi lại được. Thấy sự kỳ lạ của ngôi miếu cổ nơi rừng sâu núi thẳm, sau khi hồi kinh, nhà vua xem xét điển chế tiền triều và sự tích ngôi miếu, phong cho thần miếu là Vương Nương Thánh Mẫu, Cao Sơn Thần Nữ, Chế Thắng Đại Vương, Thượng thượng đẳng tối linh thần, đồng thời cho trùng tu đền thờ nguy nga ngay trên nền miếu cũ và chỉ dụ thần dân trong vùng hằng năm tế lễ vào ngày 7/4 âm lịch.

Sáng mồng 3 Tết Canh tý, dưới cái lạnh 15 độ C với mưa xuân lất phất, hàng trăm du khách thập phương vẫn hành hương về Đền Truông Bát thắp hương tế lễ cầu xin Thánh Mẫu và Bách Thần che chở, phù trì một năm mới an lành, mạnh khỏe, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa. Một du khách thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Năm nào ngày mồng 3 tết gia đình tôi cũng lên đây dâng hương tế lễ các vị Thánh mẫu cầu mong một năm mới an lành, mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc, mọi việc hanh thông”.

                                                    “Giang sơn phong cảnh hữu tình

                                                    Ngàn năm Chúa Lộc mãi còn anh linh”

 Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, nơi tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong.

 Rời Đền Truông Bát đi theo hướng Bắc khoảng 9km là đến Ngã ba Đồng Lộc, di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi 10 cô gái thanh niên xung phong đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ trên mảnh đất Đồng Lộc Anh hùng.

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Ngã ba Đồng Lộc là con đường huyết mạch giao thông để hậu phương chi viện cho tiền tuyến. Vì thế, Mỹ đã dội bom ác liệt, nơi đây được ví như “tọa độ chết”. Chỉ từ tháng 4 - 10/1968, trên đoạn đường vận tải chiến lược Bắc - Nam qua Ngã ba Đồng Lộc, không quân địch đã trút xuống 48.600 quả bom các loại, chưa kể đạn rốc-két, đạn 20mm,... Mỗi tháng, trung bình Ngã Ba Đồng Lộc có 28 ngày đêm gồng mình hứng đạn bom. Ngày 24/7/1968, 10 cô gái thanh niên xung phong đang san lấp hố bom đã anh dũng hi sinh ở độ tuổi đẹp nhất của đời người.

Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc được xây dựng khang trang  bên chân đồi Trọ Voi, nơi yên nghỉ của 10 cô gái. Với người dân quê tôi, mỗi dịp xuân về từ các bạn trẻ đến cụ già đều có tâm nguyện trở về Ngã ba Đồng Lộc  thắp nén hương, cắm cành cúc trắng lên mộ 10 cô gái để tri ân, tưởng nhớ một thời oanh liệt, hào hùng của một thế hệ đã hi sinh thân mình cho dân tộc.

Với người dân Hà Tĩnh, đi lễ đền, chùa, di tích lịch sử là một phong tục đẹp,

Với người dân Hà Tĩnh, đi lễ đền, chùa, di tích lịch sử là một phong tục đẹp, một việc không thể quên nhân dịp đầu xuân mới sau khi hoàn tất việc cúng tế gia tiên, chúc tết ông bà, cha mẹ, họ hàng. Ngày nay, nhiều bạn trẻ ở độ tuổi học sinh, sinh viên đầu năm hành hương về chốn linh thiêng như đền, chùa, di tích lịch sử để dâng hương, cầu nguyện những điều tốt đẹp cho năm mới. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, hướng đến các giá trị nhân văn trong thế hệ trẻ.