25/04/2024 lúc 05:25 (GMT+7)
Breaking News

Vận tải đường sắt sẽ như thế nào trong tương lai?

VNHN - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt.

VNHN - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt.

Ảnh minh hoạ.

Nâng cấp tuyến cũ, xây dựng đường sắt tốc độ cao năm 2020

Bộ GTVT cho biết theo chiến lược và phát triển quy hoạch đường sắt, từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam để đạt tốc độ 50-60 km/h đối với tàu hàng và 80-90 km/h đối với tàu khách.

Bên cạnh đó, nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt trọng điểm, các nhà ga có lượng hành khách lớn, từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt.

Giai đoạn này, Bộ GTVT cũng sẽ nghiên cứu xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc-Nam. Trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.Hồ Chí Minh. Nghiên cứu phương án xây dựng mới các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ… phù hợp với quy hoạch và khả năng huy động vốn.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, ngoài khai thác đường sắt hiện hữu, Bộ GTVT sẽ bắt tay vào xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao, trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160-200 km/h, sau đó có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai.

Sau năm 2050, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam và triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h.

Bên cạnh đó, sẽ hiện đại hóa mạng lưới đường sắt hiện hữu, đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hành khách địa phương và hàng hóa. Hoàn thành việc xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn.

Bộ GTVT dự tính nếu có tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đáp ứng tối thiểu 5-8% thị phần vận tải hành khách và 5-6% thị phần vận tải hàng hóa.

Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tự chủ tự chế tạo phương tiện vận tải đường sắt đáp ứng nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy, toa xe đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, đã làm chủ công nghệ chế tạo giá chuyển toa xe khách tốc độ 120 km/h, công nghệ ray hàn liền, công nghệ chế tạo tà vẹt bê tông dự ứng lực. Từ năm 2010 đến 2017 đã chế tạo được 90 toa xe khách thế hệ mới, 550 toa xe hàng với tỉ lệ nội địa hóa từ 20-40%.

8 tuyến đường sắt đô thị tại TPHCM

Theo đó, TPHCM sẽ xây dựng tám tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của Thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô với chiều dài khoảng 173 km.

Cụ thể, tuyến số một, Bến Thành-Suối Tiên, chiều dài khoảng 19,7 km, nghiên cứu kéo dài tới thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Tuyến số hai, đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) - Quốc lộ 22 - Bến xe Tây Ninh - Trường Chinh - (nhánh vào Depot Tham Lương) - Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm, chiều dài khoảng 48 km.

Tuyến số 3a, Bến Thành - Phạm Ngũ Lão - Ngã 6 Cộng Hòa - Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Depot Tân Kiên - ga Tân Kiên, chiều dài khoảng 19,8 km. Nghiên cứu kéo dài tuyến số 3a kết nối thành phố Tân An (tỉnh Long An) từ ga Hưng Nhơn đi dọc theo Quốc lộ 1.

Tuyến số 3b, ngã 6 Cộng Hòa - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13 - Hiệp Bình Phước, chiều dài khoảng 12,1 km. Đồng thời, nghiên cứu kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc Quốc lộ 13, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương.

Tuyến số 4, Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trung - Bến Thành - Nguyễn Thái Học -Tôn Đản - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước, chiều dài khoảng 36,2 km.

Tuyến số 4b, Ga Công viên Gia Định (tuyến số 4) - Nguyễn Thái Sơn - Hồng Hà - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Công viên Hoàng Văn Thụ - Ga Lăng Cha Cả (tuyến số 5), chiều dài khoảng 5,2 km.

Tuyến số 5, Bến xe Cần Giuộc mới - Quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Phù Đổng Thiên Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn, chiều dài khoảng 26,0 km. Tuyến số 6, Bà Quẹo - Âu Cơ - Lũy Bán Bích - Tân Hòa Đông - Vòng xoay Phú Lâm, chiều dài khoảng 5,6 km.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail) với chiều dài khoảng 57 km.

Cụ thể, tuyến xe điện mặt đất số một: Ba Son - Tôn Đức Thắng - Công trường Mê Linh - Võ Văn Kiệt - Lý Chiêu Hoàng - Bến xe Miền Tây hiện hữu, chiều dài khoảng 12,8 km. Định hướng kéo dài từ Ba Son đến khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh).

Tuyến Monorail số hai: Quốc lộ 50 (quận 8) - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy (Quận 2) - Khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh); định hướng kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3a, chiều dài khoảng 27,2 km.

Tuyến Monorail số ba: Ngã tư (Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh) - Phan Văn Trị - Quang Trung - Công viên phần mềm Quang Trung - Tô Ký - ga Tân Chánh Hiệp, chiều dài khoảng 16,5 km.

Hiện nay Bộ GTVT, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, đồng thời tạo nên dáng dấp đô thị hiện đại tại TP. Hồ Chí Minh

Theo số liệu báo cáo của Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn vừa qua là 29.994 tỉ đồng. Trong đó, Hà Nội là 12.750 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với hai dự án (tuyến số 1 và tuyến số 3) và TP. Hồ Chí Minh là 17.244 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với hai dự án (tuyến số 1, tuyến số 2).