19/04/2024 lúc 10:12 (GMT+7)
Breaking News

Vận hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam

VNHN - Cơ hội có trở thành hiệu quả kinh tế, thực tế hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của các doanh nghiệp.

VNHN - Cơ hội có trở thành hiệu quả kinh tế, thực tế hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của các doanh nghiệp.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết tại buổi Tọa đàm “Hiệu quả kinh tế và những tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)” diễn ra mới đây tại TP.HCM, Hiệp định này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam nói chung và DN TP.HCM nói riêng trong việc tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU. Tuy nhiên cơ hội đó có trở thành hiệu quả kinh tế, thương mại thực tế hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của các DN.

Vận hội mới cho doanh nghiệp Việt

Theo ông Dũng, hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cơ hội rất lớn cho DN trong việc mở rộng mạng lưới thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và thu lại ngoại tệ lớn cho đất nước. Đặc biệt, việc tham gia EVFTA có ý nghĩa đặc biệt khi EU là khu vực thị trường rộng lớn, có chất lượng tiêu dùng cao và đang là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ…

"Mặc dù cơ hội là thế nhưng việc thực thi và vận dụng tốt để mang lại hiệu quả cao thì phụ thuộc phần lớn vào sự chủ động, chuẩn bị của từng DN. Những điều khoản trong hiệp định về cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường chỉ mang tính mở đường, còn có đến đích hay không là do DN có chuẩn bị đủ nguồn lực để thực hiện”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trước thực tế đó, nhiều DN đã chủ động nghiên cứu các nội dung mà Việt Nam và đối tác đã cam kết, đặc biệt là các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật vì đó là điều kiện bắt buộc phải đáp ứng để hưởng ưu đãi về thuế quan khi hiệp định có hiệu lực thi hành. Phần lớn DN có quy mô lớn về sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, đồ gỗ, may mặc... đã có kế hoạch cụ thể nghiên cứu thị trường đối với những nước nhập khẩu tiềm năng trong khu vực EU để nắm rõ nhu cầu số lượng, chất lượng, sở thích tiêu dùng, từ đó định hướng sản xuất phù hợp.

Đại diện Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho biết, EVFTA chuẩn bị bước vào giai đoạn thực thi, nên cộng đồng DN đặt kỳ vọng rất lớn vào những lợi ích mà hiệp định đem lại. Tuy nhiên, trên thực tế các DN trong nước chưa có sự kết nối với nhau để tận dụng cơ hội. Ví dụ, DN chuyên sản xuất thì không nắm được nhu cầu thị trường, trong khi DN thương mại chưa có nhà cung ứng đảm bảo chất lượng để cung cấp cho khách hàng thường xuyên. Vì vậy, trước tiên các DN cần phải liên kết chặt chẽ với nhau giữa các khâu trong chuỗi từ sản xuất đến thương mại, dịch vụ, đặc biệt DN lớn cần dẫn dắt, hỗ trợ DN nhỏ cùng tham gia vào mạng lưới kinh doanh để phát huy sức mạnh, lợi thế tổng hợp, từ đó vận dụng hiệu quả nhất các ưu đãi mà hiệp định mang lại.

Theo Bộ Công thương, EVFTA là một trong những hiệp định được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo “cú hích lớn” để đẩy mạnh thương mại song phương Việt Nam-EU, nhất là ở chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang EU do Việt Nam có lợi thế về sản xuất hàng tiêu dùng. Cơ cấu hàng hóa giữa hai bên mang tính bổ sung cho nhau và hầu như không có sự đối đầu, cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ký kết FTA với cả khu vực EU với các cam kết cắt giảm thuế sâu, lộ trình giảm thuế nhanh. Điều này sẽ giúp tạo lợi thế so sánh về giá cũng như ưu tiên giao thương so với các nước khác đang cạnh tranh trực tiếp về chủng loại và giá thành.

“Tuy nhiên, cần phải nói rõ, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do nói chung và EVFTA nói riêng không đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ tự động tìm đến, thậm chí nếu khách hàng tự tìm đến thì cũng chưa chắc đáp ứng được đơn hàng của họ nếu DN không tìm hiểu, chuẩn bị trước. Do đó, hơn ai hết, DN cần phát huy tính chủ động trong việc tận dụng cơ chế, chính sách để xây dựng chiến lược phát triển thị trường”, chuyên gia đưa ra khuyến cáo.

EVFTA mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy việc tự do hóa ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam. Tác động với nhóm ngành này là rất tích cực trên các góc độ cầu về dịch vụ, về cơ hội hợp tác với các DN từ EU. Dự báo, đến năm 2025, xuất khẩu dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam sẽ tăng khoảng 21%, nhập khẩu sẽ tăng 9,65%. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh cũng sẽ rất lớn; đồng thời, áp lực ổn định vĩ mô cũng lớn hơn, lúc đó Việt Nam sẽ dễ nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài. Nhưng cần khẳng định rằng, đây là những ngành “huyết mạch” của nền kinh tế đang cần phát triển nhằm nâng cao năng lực thông qua hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư nước ngoài có trình độ, vốn, công nghệ và kinh nghiệm.