18/04/2024 lúc 10:56 (GMT+7)
Breaking News

Văn hóa Nga trong nhà trường Việt Nam

Do xu thế của thời đại cùng quy luật của văn hóa, 70 năm qua (từ sau Cách mạng tháng Tám đến những năm gần đây), mối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với nước Nga trên nhiều bình diện luôn mạnh mẽ, liên tục, hiệu quả, thủy chung, trong sáng.

VNHN-Do xu thế của thời đại cùng quy luật của văn hóa, 70 năm qua (từ sau Cách mạng tháng Tám đến những năm gần đây), mối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với nước Nga trên nhiều bình diện luôn mạnh mẽ, liên tục, hiệu quả, thủy chung, trong sáng.

Trải rộng từ Đông Âu sang Bắc Á, Liên bang Nga hiện nay chiếm 1/6 diện tích toàn cầu, giữ vị thế đặc biệt quan trọng trên trường quốc tế, có nền văn hóa đồ sộ, giàu chất nhân văn, chứa đựng giá trị nghệ thuật đích thực cũng như tính cộng đồng nhân loại.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là một trong những người Việt Nam đầu tiên tiếp cận và đánh giá cao một đại diện lớn của văn hóa Nga là L. Tônxtôi. Trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên đã viết: “Antôn Phơrăngxơ (Anatole France) và Lêông Tônxtôi có thể nói là người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn”.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vào năm 1951, với mục đích học tập kinh nghiệm về chiến tranh du kích của Liên xô, dưới bút danh Nguyễn Du Kích, Hồ Chủ tịch đã dịch tác phẩm “Tỉnh ủy bí mật” của A. Phêđôrốp. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ 3 của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Bác Hồ đã trích một đoạn thơ của nhà thơ Xô Viết Maiakốpxki nói về vai trò to lớn của tuổi trẻ trong Cách mạng Tháng Mười ở Nga. Nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam như Nam Cao, Hải Triều, Nguyễn Đình Thi… với mức độ khác nhau, cũng đã tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Nga và để lại dấu ấn trong tác phẩm của mình.

Văn hóa chứa đựng nội dung rộng lớn, bao gồm đa ngành, nhiều lĩnh vực. Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều ngành chủ yếu trong văn hóa của nước ta có dấu ấn văn hóa Nga. Trong bài viết này, xin được giới hạn ở việc giảng dạy văn học Nga và tiếng Nga trong nhà trường.

Suốt cả thế kỷ vừa qua, ở nước Nga diễn ra biết bao biến động lớn. Nền văn hóa Nga đạt nhiều thành tựu, nhưng cũng nhiều xu hướng đan xen khá phức tạp. Ngay tại nước Nga, sự đánh giá về hiện thực ấy cũng không thống nhất. Trong hoàn cảnh như vậy, những nhà hoạch định chương trình cũng như các tác giả trực tiếp biên sọan sách giáo khoa về Văn học nước ngoài (đặc biệt là phần văn học Nga) ở nước ta gặp không ít khó khăn khi nhận định, tuyển chọn trào lưu, tác giả, tác phẩm văn học để giảng dạy trong nhà trường. Tuy vậy, nhìn trên tổng thể, dễ nhận thấy việc giảng dạy văn học Nga trong nhà trường ở Việt Nam là tương đối bài bản, đảm bảo được tính hệ thống, tính khoa học. Quan điểm Nhà trường cần lựa chọn những điều tương đối ổn định, có tính chính thống để giảng dạy chính khóa là hợp lí. Từ cấp tiểu học, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4, có bài đọc truyện “Con sẻ” của Turgenhep. Ở các lớp cao hơn, học sinh được tiếp cận nhiều hơn với văn học Nga. Nền văn học này chiếm dung lượng đậm hơn cả trong phần Văn học nước ngoài của sách giáo khoa lớp 12 (lớp cuối cấp của phổ thông trung học). Ba nhà văn lớn có tác phẩm được trích giảng khá kỹ là Gorki, Êxênin và Sôlôkhốp (Văn học 12 - phần văn học nước ngoài và lí luận văn học, NXB Giáo dục). Sinh viên các trường Đại học sư phạm, Cao đẳng sư phạm, Đại học Xã hội - nhân văn đều có Giáo trình Văn học Nga, sách tham khảo về văn hóa Nga tương đối đầy đủ. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ấn hành một số sách loại này: Giáo trình văn học Nga (Đỗ Hải Phong và Hà Thị Hòa), Văn học Nga trong nhà trường (Hà Thị Hòa)…Tuy vậy, các sách kể trên hầu hết dừng lại ở nhà văn Mikhain Sôlôkhốp (1905 - 1984) với các tác phẩm: “Sông Đông êm đềm”, “Đất vỡ hoang”, “Số phận con người”. Cũng có một vài tài liệu tham khảo về văn học Nga mở rộng hơn, nhưng người học ít có điều kiện tiếp cận. Như vậy, cả một giai đọan dài của tiến trình văn học Nga, người học ở nước ta chưa được tiếp cận một cách chính thống. Công việc này như một món nợ còn để đó. Rất cần thêm sách tham khảo tốt nhằm rộng đường cho học tập và nghiên cứu. Trong khi chưa có điều kiện đưa nội dung văn hóa Nga từ thời kỳ cải tổ (perestroika) về sau vào chương trình giảng dạy chính, thì tài liệu tham khảo, đọc thêm sẽ rất bổ ích. 

Về dạy và học tiếng Nga, khi còn Liên Xô, việc này khá thịnh hành ở nước ta. Sau ngày Liên Xô tan rã (1991), công việc này gặp nhiều khó khăn, thưa thớt dần. Người biết tiếng Nga (đủ trình độ làm việc) ngày một ít đi. Tuy vậy, những năm gần đây thì yêu cầu đó lại ngày càng tăng lên (đặc biệt là trong các lĩnh vực như du lịch, khoa học - kỹ thuật cơ bản, thương mại…). Sở dĩ tác phẩm văn học - nghệ thuật của Liên bang Nga ít được dịch ra tiếng Việt để xuất bản, lý do trước tiên là thiếu dịch giả tiếng Nga đủ trình độ.

Văn hóa Nga trong nhà trường ở Việt Nam

Ở các trường đại học, viện nghiên cứu của nước ta, khái niệm về bộ môn Nga học còn mờ nhạt. Trong khi đó ở Nga, bộ môn Việt Nam học có chỗ đứng vững chắc ở 2 trung tâm khoa học hàng đầu là Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva Lômônôsôp và Đại học Tổng hợp Xanh Pêterbua. Vợ chồng Giáo sư Niculin đều là những nhà Việt Nam học tầm cỡ thế giới. Cuốn từ điển lớn Nga - Việt (2 tập) của nhiều soạn giả (trong đó có tên của cả 2 ông bà), theo dư luận của giới khoa học, tới nay chưa có cuốn từ điển nào cùng loại vượt được. Số người học tiếng Việt ở Nga ngày một tăng. Những điều nêu trên làm chúng ta không khỏi phải suy nghĩ.

Vào thời kỳ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, điện ảnh Việt Nam có những thành tựu đáng được ghi nhận với các bộ phim mà giá trị còn mãi với thời gian: Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… Trong những thành tựu đó, dấu ấn của điện ảnh Xô Viết rất rõ. Ở Trường Sân khấu - Điện ảnh khi đó, sinh viên được học các giáo trình có nguồn gốc từ Liên Xô. Không ít những người thầy Nga đã sang Việt Nam sát cánh cùng các giáo viên người Việt (nhiều người được đào tạo từ Liên Xô) hết lòng chăm lo xây dựng ngành điện ảnh non trẻ của nước ta. Trong lĩnh vực âm nhạc, cũng có hiện tượng tương tự như thế.

Sau khi Liên Xô tan rã, ngay cả tới hôm nay, những giá trị to lớn, đích thực của văn hóa Nga đang có xu hướng bị hạ thấp ngay chính trên quê hương đã sản sinh ra nó. Ở một số nước châu Âu, những thế lực không thực sự đại diện cho nhân dân, còn đang mưu toan viết lại lịch sử, hạ thấp giá trị của văn hóa Nga. Cách đây không lâu, một vị thủ tướng của quốc gia láng giềng với nước Nga đã ngang nhiên đổi trắng thay đen phủ nhận vai trò to lớn có tính chất quyết định của Hồng quân Liên Xô trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít, giải phóng nước Đức và châu Âu. Hiện nay, nước Nga đang phải đối mặt với sự cấm vận hà khắc của Phương Tây trong mưu toan kiềm chế quốc gia này.

Với truyền thống thủy chung, sống có nghĩa có tình, trọng lẽ phải, nhân dân Việt Nam đã và đang tích cực bảo vệ chân lý, tiếp tục tôn vinh những giá trị đích thực của văn hóa Nga. Trên cơ sở “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, chúng ta cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, khám phá, tiếp thu những tinh hoa của văn hóa Nga. Kết quả nghiên cứu như vậy sẽ thiết thực đóng góp cho việc giảng dạy và học tập trong nhà trường. Các lĩnh vực như in ấn, xuất bản, biểu diễn nghệ thuật cũng được hưởng lợi. Đồng thời, cũng tránh được những nhận định vội vã, thái quá, thậm chí là sai lầm về một nền văn hóa lớn của nhân loại rất gần gũi với chúng ta.

Cùng với việc bảo vệ, khẳng định giá trị đích thực của văn hóa Nga truyền thống, văn hóa Nga - Xô Viết, cũng cần cởi mở tiếp nhận những giá trị chân chính của bộ phận văn hóa do người Nga sáng tạo ra ở ngoài quê hương của họ.