29/03/2024 lúc 20:41 (GMT+7)
Breaking News

Văn hóa là cái ta có nghĩ và làm!

VNHN - Văn hoá, theo nghĩa rộng, là “tất cả những gì con người CÓ, con người NGHĨ và con người LÀM với tư cách là những thành viên của một xã hội”.

VNHN - Văn hoá, theo nghĩa rộng, là “tất cả những gì con người CÓ, con người NGHĨ và con người LÀM với tư cách là những thành viên của một xã hội”.

Những gì con người có bao gồm các hiện vật vật chất như quần áo, trang phục, nhà cửa, công cụ sản xuất, các công trình kiến trúc, chùa chiền, đền, miếu, vv...Những gì con người nghĩ bao hàm các thành tố ‘ẩn’, nằm trong suy nghĩ của con người, như niềm tin tôn giáo, triết lý sống, thế giới quan, quan niệm thẩm mĩ, vv...). Những gì con người làm là các khuôn mẫu hành vi ứng xử mà chúng ta quan sát được như vái lạy, bắt tay, gật đầu, vv.

Trong ba thành tố này, thành tố “NGHĨ” đóng vai trò hết sức quan trọng, có tính chất chi phối hai thành tố còn lại là “CÓ” và “LÀM”. Chính vì vậy, trong một nền văn hoá, cả ba thành tố ‘ CÓ’, ‘NGHĨ’, “LÀM’ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, và mỗi thành tố văn hoá đều có một giá trị, chức năng nào đó trong hệ thống tổng thể của nền văn hoá mà nó tồn tại. 

Nếu nhìn nhận các thành tố, thực hành văn hoá trong sự nối kết như vậy thì không có một thực hành hay phong tục tập quán nào là “lạc hậu”, là “thừa” . Cũng với cách nhìn này, truyền thống văn hoá của tất cả các nhóm tộc người, dù ở miền núi hay đồng bằng, thiểu số hay đa số, châu Á hay châu Âu đều có giá trị như nhau, không có nền văn hoá ‘lạc hậu’ hay văn hoá ‘tiến bộ’, văn hoá ‘cao’ hay văn hoá ‘thấp’.

Một số thuộc tính cơ bản của văn hóa

Thích ứng

Trong khi loài vật thích ứng với môi trường xung quanh thông qua các đặc tính sinh học của chúng thì con người sáng tạo ra các thực hành văn hoá để giúp họ thích ứng và tồn tại trong những tiểu môi trường tự nhiên và xã hội cụ thể. Văn hoá, đến lượt nó, lại giúp cho con người thích ứng và tồn tại. Ví dụ, sinh sống trong các tiểu môi trường không thuận lợi cho canh tác ruộng nước, các tộc người thiểu số Việt Nam sáng tạo ra hệ thống canh tác nương rẫy và các công cụ lao động phù hợp với địa hình đất dốc như gậy chọc lỗ để họ thích ứng và tồn tại trong môi trường tự nhiên có đặc trưng khắc nghiệt của miền núi. Tương tự như vậy, do sinh sống trên các triền núi cao, nhiều tộc người thiểu số sáng tạo ra những kiểu ngôi nhà thấp, kín đáo, để tránh cái lạnh vào mùa đông...

Thuộc tính thích ứng của văn hoá cũng hàm ý rằng, các thành tố văn hoá của nền văn hoá này có thể sẽ không thích ứng, phù hợp với nền văn hoá khác và ngược lại. Chẳng hạn, canh tác lúa nước là mô hình nông nghiệp phù hợp ở môi trường đồng bằng hay các thung lũng dưới chân núi, song mô hình nông nghiệp này sẽ không phù hợp ở các địa hình miền núi đất dốc và thiếu nước.Tương tự như vậy, trong bối cảnh thiếu nguồn tiền mặt và nền sản xuất nông nghiệp chưa đủ cho sự phát triển của kinh tế hàng hoá thì hình thức trao đổi buôn bán với những người ‘quen’ hay chợ chạy như câu chuyện của người Ra-glai trình bày dưới đây sẽ phù hợp hơn so với hình thức buôn bán ở chợ trung tâm.

Biến đổi

Mặc dù có sự kế tục, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác thông qua quá trình văn hoá hoá (học văn hoá), song văn hoá của mỗi nhóm tộc người không tĩnh tại mà biến đổi không ngừng. Sự biến đổi của các thực hành văn hoá cơ bản được diễn ra thông qua sự giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hoá khác. Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc này, chủ nhân của các nền văn hoá lựa chọn, tiếp biến các thành tố văn hoá từ các truyền thống văn hoá khác, làm cho văn hoá của tộc người mình biến đổi và thích ứng với các bối cảnh tự nhiên, kinh tế và xã hội mới.Trong quá trình biến đổi, các thành tố văn hoá ‘vật chất’, (chẳng hạn như trang phục, đồ dùng sinh hoạt, hay nhà cửa) của một nền văn hoá thường có xu hướng biến đổi nhanh hơn các thành tố ‘tinh thần’ (niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, vũ trụ quan, vv...).

Quá trình biến đổi văn hoá làm cho các tộc người có thể thích ứng với hoàn cảnh kinh tế - xã hội và môi trường mới, song không phải sự thay đổi văn hoá nào cũng mang lại các hệ quả tích cực, đặc biệt là những sự biến đổi do áp đặt từ bên ngoài. Chẳng hạn, sân khấu hoá hay trình diễn hoá nghi lễ nghi thức cổ truyền có thể tạo ra sức hấp dẫn cho khách du lịch, nhưng nó có thể sẽ làm mất đi những ý nghĩa tâm linh và chức năng xã hội cơ bản vốn có của chúng. Tương tự như vậy, thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng ‘hiện đại’ ở các tộc người có thể giúp người dân tối đa hoá sản lượng và giảm sức lao động, song sự thay đổi cũng có thể sẽ phá huỷ sự đa dạng sinh học và tính bền vững của môi trường.

Chỉnh thể

Một nền văn hóa không phải là tổng của các thành tố mà tất cả các thành tố văn hóa của một nền văn hóa đều có sự nối kết chặt chẽ mang tính hữu cơ với nhau và mỗi thành tố đều có giá trị, chức năng nào trong CHỈNH THỂ nền văn hoá chúng tồn tại. Nói một cách ẩn dụ, nếu coi một nền văn hoá giống như một cơ thể của con người thì mỗi thành tố văn hóa sẽ đóng vai trò như một bộ phận trong cơ thể đó. Các thành tố của một nền văn hoá có sự nối kết mang tính cộng sinh với nhau, cùng nhau mang lại sự tồn tại một cách đầy đủ và bền vững của cả nền văn hoá giống như các bộ phận trong một cơ thể con người cùng nhau giúp cho cơ thể tồn tại và phát triển một cách khoẻ mạnh. Chính vì các thành tố của một nền văn hoá có các mối tương liên với nhau như vậy nên chúng ta chỉ có thể hiểu chức năng và giá trị của chúng một cách đầy đủ khi đặt các thành tố đó vào trong chỉnh thể văn hoá mà nó sinh ra và tồn tại

Các quan điểm và cách tiếp cận về đa dạng văn hoá

Quan điểm chỉnh thể (holistic approach)

Do văn hoá mang tính chỉnh thể nên chỉ có thể có được một hiểu biết đầy đủ và sâu sắc nội dung, ý nghĩa và chức năng của một thực hành văn hoá nào đó trong bối cảnh rộng nhất có thể của chúng. Chính vì vậy, khi nghiên cứu một thành tố văn hoá nào đó, không thể không quan tâm đến các yếu tố tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của cộng đồng nơi thực hành văn hoá đó được sinh ra và tồn tại. Thêm vào đó, cách tiếp cận chỉnh thể cũng đòi hỏi phải đặt các thành tố văn hoá được tìm hiểu, nghiên cứu trong mối liên hệ với các thành tố khác trong chính nền văn hóa đó. 

Quan điểm tương đối văn hoá (cultural relativism)

Tương đối văn hoá là quan điểm cho rằng, việc nhìn nhận, đánh giá các giá trị của các thực hành văn hoá (niềm tin, quan điểm, phong tục, vv...) nào đó phải được đặt trong bối cảnh của chính nền văn hoá đó. Vì vậy, văn hoá, theo quan điểm tương đối văn hoá, không có ‘đúng’ hay ‘sai’, ‘cao’ hay ‘thấp’ mà là sự khác biệt và đa dạng. Các nền văn hoá đều có giá trị như nhau do mỗi nền văn hoá đều được sáng tạo và phát triển để thích ứng với mỗi môi trường tự nhiên và xã hội mà chúng được sinh ra và tồn tại.

Quan điểm người trong cuộc (emic view)

Quan điểm người trong cuộc là ‘cách nhìn từ bên trong’ hay những suy nghĩ, diễn giải về ý nghĩa của một thực hành văn hoá nào đó từ chính chủ nhân của các thực hành văn hoá đó. Những suy nghĩ, diễn giải này thường rất khác, thậm chí ở nhiều trường hợp là đối lập, so với cách nhìn, cách nghĩ và sự diễn giải của người ngoài cuộc (etic view). Quan điểm người trong cuộc thường được định hình bởi hệ giá trị, phong tục tập quán, niềm tin, vũ trụ quan, vv... của chính nền văn hoá mà họ đang sống. Vì vậy, để hiểu đúng, đủ và sâu về giá trị một thực hành văn hoá của một tộc người, tìm hiểu cách thức người trong cuộc diễn giải về ý nghĩa và chức năng của các thực hành văn hoá của họ là rất quan trọng.