29/03/2024 lúc 08:40 (GMT+7)
Breaking News

Văn hóa: “chân thắng” và “chân ga” cho xã hội

VNHN - Trong một lần trò chuyện với người bạn của tôi đang là bác sĩ tại một bệnh viện huyện, anh cho rằng: Văn hóa chính là đích đến của mọi sự phát triển. Còn một nhà văn đã từng nói: “kinh tế là chân ga, còn văn hóa là chân thắng”, tôi rất thích hình tượng này. Và, tôi còn nghĩ văn hóa vừa là “chân thắng” mà lại vừa là “chân ga” cho sự phát triển của xã hội.

VNHN - Trong một lần trò chuyện với người bạn của tôi đang là bác sĩ tại một bệnh viện huyện, anh cho rằng: Văn hóa chính là đích đến của mọi sự phát triển. Còn một nhà văn đã từng nói: “kinh tế là chân ga, còn văn hóa là chân thắng”, tôi rất thích hình tượng này. Và, tôi còn nghĩ văn hóa vừa là “chân thắng” mà lại vừa là “chân ga” cho sự phát triển của xã hội.

Ảnh minh họa - TL

Trong nhiều năm trở lại đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục xuất hiện những cụm từ như “sự xuống cấp của văn hóa xã hội”, “lỗ thủng của văn hóa xã hội”… Người ta băn khoăn đi tìm câu hỏi đâu là nguyên nhân của sự xuống cấp đó? Mấy năm trước, khi người bán báo dạo dắt chiếc xe đạp của mình qua các quán cafe buổi sáng, nghe trong cái máy cassette vọng ra tiếng rao vụ “hôi của tại…”, “thầy đánh trò”, “trò đánh nhau”,… người ta còn thảng thốt giật mình. Nhưng rồi gần đây, khi những chuyện đó xảy ra, người ta lại tự nhủ “ôi dào,  xã hội bây giờ điều gì chả có thể xảy ra…”.Tại một hội nghị về công tác phòng chống tội phạm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định một trong những nguyên nhân làm cho tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và gia tăng nhiều là do “sự suy thoái và xuống cấp về đạo đức xã hội”. Vậy, nguyên nhân của sự suy thoái và xuống cấp ấy là từ đâu?

Những năm đầu thực hiện đổi mới, bằng tài năng và cái nhìn dự cảm, không ít nhà văn đã đề cập vấn đề “đạo đức xã hội” một cách thẳng thắn và sâu sắc. Trong truyện ngắn “Nếp nhà”, nhà văn Nguyễn Khải đã từng băn khoăn: “Bây giờ các con anh đều lao vào kiếm tiền, đều nuôi mộng làm triệu phú, tỷ phú trong chớp mắt. Khốn một nỗi chúng lại chưa được ai dạy bảo cái cách ăn ở với đồng tiền. Đồng tiền vừa là đầy tớ vừa là ông chủ, vừa là bạn đường vừa là giặc cướp, các con anh biết chọn cái nào? Chúng chỉ biết lựa chọn theo trực giác, theo kinh nghiệm tức thì, theo lợi ích trước mắt. Anh nghĩ xem đã đến thế thì con người và nền văn minh của con người đã bị chúng gạt ra khỏi mọi sự tính toán rồi”. Phải chăng cái sự “xuống cấp của đạo đức” ngày hôm nay đều do con người ta lao vào vòng xoáy kim tiền, kinh tế không còn là đòn bẩy cho văn hóa phát triển? Phải chăng người ta cần tiền hơn là cần sự giáo dục bài bản?

Cũng chính nhà văn Nguyễn Khải đã từng dùng hình ảnh: “Cuộc đời như cái bánh xe lăn giữa hai bờ thiện và ác, sáng và tối. Lực bên nào mạnh hơn, nó sẽ lăn về bên ấy. Cái chèn bánh xe chính là pháp luật, chính là văn hóa. Cuối cùng thì cũng chính là vấn đề con người”. Vấn đề con người chính là văn hóa cá nhân, mà văn hóa cá nhân là cái tạo ra bản sắc riêng của mỗi người mà chúng ta vẫn thường nói một cách “nôm na” đó là “sự thể hiện chính mình”. Suy cho cùng cái sự xuống cấp của văn hóa hay đạo đức ngày nay cũng một phần là do nền giáo dục, nền giáo dục của chúng ta nhiều khi không chú ý đến “cái chính mình” trong mỗi con người. Chính vì vậy mà văn hóa của mỗi cá nhân chính là cái đáng xem xét trong tổng thể văn hóa chung của cả xã hội hiện nay. Người trẻ thì luôn muốn tự do, luôn muốn “là chính mình” nhưng “cái chính mình” của giới trẻ lại thiếu định hướng, thành ra cái chính mình hoang dã. Ngày xưa các cụ vẫn nói: “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng theo tôi thì thà vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng còn hơn rào tất cả mọi lối, chỉ còn hướng đâm vào bụi rậm. Thà là một con hươu “chạy” có văn hóa còn hơn là một con hươu hoang dã!

Để văn hóa thực sự là “chân ga” và “chân thắng” cho xã hội, phải cần một cuộc cách tân lớn, và chìa khóa quan trọng của sự cách tân đó là giáo dục. Cần xác định rõ đích đến của giáo dục phải là con người văn hóa, con người khai phóng, con người có “chính mình”. Con người văn hóa sẽ kiến tạo gia đình văn hóa, tổ chức văn hóa, xã hội văn hóa. Từ đó những “lỗ thủng” trong văn hóa, đạo đức tự khắc sẽ được bịt kín.

Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhìn nhận chung về nền giáo dục của ta hiện nay, “đổi mới” thì có, nhưng “căn bản toàn diện” thì còn hạn chế! Bởi lẽ sự thay đổi không đơn thuần chỉ là thay đổi về vật chất, thay đổi về cách thức dạy và học, thay đổi về sách vở, mà cái thay đổi quan trọng nhất chính là thay đổi về tư duy. Sự thay đổi về vật chất, về phương thức chấm bài, phương thức dạy có thể chỉ làm cho người dạy, người học tại thời điểm nhất định đỡ vất vả hơn thôi. Còn sự thay đổi về tư duy mới là cái yếu tố tiên quyết cho tương lai. Tư duy tốt sẽ làm nên một chiến lược tốt.

Nhưng lúc này, trong khi chưa thể trông chờ vào một cuộc cách mạng giáo dục thì mỗi cá nhân cần phải đổi mới, phải làm cách mạng bản thân: tìm ra chính mình ở hiện tại, hình dung ra chính mình trong tương lai và biết cách làm ra chính mình; tạo ra chìa khóa canh tân văn hóa, để văn hóa thực sự là “chân ga” và “chân thắng” cho sự phát triển của xã hội. Xưa ông cha ta đi làm cách mạng dân tộc để cứu nước, còn nay mỗi người cần làm cách mạng bản thân để cứu mình. Cứu mình trước tiên (bởi một xã hội mà có nhiều người tốt sẽ là một xã hội tốt) và để góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội.