18/04/2024 lúc 23:12 (GMT+7)
Breaking News

Vấn đề quản lý phát triển báo chí về Phật giáo ở Việt Nam

Hiện nay, nước ta có hàng nghìn trang mạng điện tử, hàng trăm Fanpage nói về Phật giáo. Hầu như các chùa ở Việt Nam đều có website riêng phản ánh đời sống tâm linh, tin tức Phật sự hàng ngày của chùa đến Phật tử.

VNHN-Hiện nay, nước ta có hàng nghìn trang mạng điện tử, hàng trăm Fanpage nói về Phật giáo. Hầu như các chùa ở Việt Nam đều có website riêng phản ánh đời sống tâm linh, tin tức Phật sự hàng ngày của chùa đến Phật tử.

Do đó, làm thế nào để những thông tin Phật giáo có ích đến được với nhiều người dân, rất cần sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chỉ đạo để quản lý tốt các tờ báo về Phật giáo cũng như những thông tin trên mạng xã hội hiện nay.

Ảnh minh họa

TRUYỀN THÔNG VÀ PHẬT GIÁO

Bước vào thế kỷ XXI - kỷ nguyên công nghệ số đã cho phép con người có thể giao tiếp, tương tác với nhau thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc truyền thông xã hội. Trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, sự giao tiếp của công chúng dường như không còn khoảng cách. Điều này nói lên sự giao thoa, đan xen về văn hóa vô cùng phong phú. Thông tin cũ, mới nối tiếp chồng chéo, phức tạp cũng phần nào làm xô lệch trong văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam.

Trên thế giới, Phật giáo có sức sống trường tồn và tầm ảnh hưởng rộng khắp; từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ,... Phật giáo đáp ứng được sự phát triển của thế giới mà không bị lạc hậu hay bó hẹp trước những luận cứ khoa học nào. Albert Einstein (1879- 1955) - nhà vật lý người Đức với công trình nghiên cứu nổi tiếng “Thuyết tương đối” từng có nhận xét mang tính nghiên cứu: “Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng”. Ông đã nhìn thấy Đạo Phật như một triết lý phương Đông cực kỳ sống động, triết lý ấy đã đi vào cuộc đời bằng chân lý thực chứng. Đạo Phật đã đem lại cho con người một cái nhìn mới, lối sống mới, một sự hài hòa như ánh sáng trong không gian, chan hòa sánh quyện với nhau.

Chính thấy được điều đó mà Einstein đã phát biểu về Đạo Phật như sau: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên, trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”(1).

Ở châu Á, Nhật Bản là đất nước có Đạo với 3 tín ngưỡng chính là Thần đạo, Phật giáo và Kitô giáo. Trong đó tâm từ bi và trí tuệ giác ngộ của đạo Phật phần nào làm nên ý thức của người dân Nhật Bản, giúp họ có được đời sống tâm linh với sự thống nhất về tính tự giác và nhường nhịn từ trong ý thức hệ. Qua trận động đất và sóng thần năm 2011, người dân Nhật Bản đã khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ khi thể hiện được ý thức tuyệt vời trong khó khăn hoạn nạn đối chọi với thiên tai. Đối diện trước sự sống và cái chết, nhưng tinh thần vẫn vững vàng mặc dù thiếu lương thực, nước uống, họ xếp hàng trật tự, nhường nhịn không xô đạp lẫn nhau để nhận cứu trợ.

Xuất phát từ Ấn Độ, Phật Giáo du nhập vào Việt Nam những năm đầu công nguyên. Đến thế kỷ IV được thể hiện rõ nét qua 2 phái Nam và Bắc Tông. Phật giáo được phát triển và cực thịnh trong thời đại Lý Trần (1010 - 1400). Dấu ấn mạnh mẽ cho tới ngày nay chính là đại diện của “Vua đời, vua đạo” - Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Ngài chính là người sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Dòng Thiền Phật giáo mang bản sắc riêng của Việt Nam, là hiện thân của đức Phật, của giá trị nhân văn cao cả.

Tạp chí Phật giáo Việt Nam số ra ngày 15/8/1956 có bài nói về quan điểm của Tổng hội Phật giáo viết: “Trong tâm hồn dân tộc Việt Nam thật đã sẵn có mầm móng tinh thần Phật giáo. Hèn gì mà Đạo Phật với dân tộc Việt Nam trong gần hàng ngàn năm nay, bao giờ cũng theo nhau như bóng với hình trong cuộc sinh hoạt toàn cầu. Đã là viên đá nền tảng cho văn hóa dân tộc, cố nhiên Phật giáo Việt Nam vĩnh viễn phải là một yếu tố bất ly của cuộc sống toàn diện. Ngày nay, những hào nhoáng của một nền văn minh vật chất đã làm mờ mắt một số đông người, nhưng cơ bản của nền văn hóa dân tộc đang còn bền chặt, khiến cho người Việt Nam dù có bị lôi cuốn phần nào trong một thời gian, rồi cũng hồi đầu trở lại với cội nguồn yêu dấu ngàn xưa...”.

Công cuộc tái thiết và phát triển đất nước đòi hỏi trí lực cũng như đề cao văn hóa giữ vững tinh thần dân tộc. Do vậy, phát triển kinh tế cần đi đôi với duy trì và phát triển văn hóa. Trong sự cộng hưởng nhiều nền văn hóa trên thế giới như hiện nay thì Phật giáo cũng không còn nguyên thủy mà phát triển theo nhiều tông phái khác nhau.

QUẢN LÝ BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG VỀ PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM

Theo nghiên cứu, cụm từ “Truyền thông Phật giáo” mới được xuất hiện từ sau Đại hội Phật giáo lần thứ VII (nhiệm kỳ 2012 - 2017), tuy nhiên nếu dựa trên bản chất của truyền thông là “quá trình trao đổi thông tin” thì có lẽ “truyền thông Phật giáo” đã xuất hiện ngay từ khi đạo Phật ra đời.

Hiện nay, hệ thống báo chí truyền thông Phật giáo ở nước ta có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc truyền bá tư tưởng đạo Phật đến với công chúng. Có thể kể đến kênh Truyền hình An Viên, Báo Giác ngộ, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Tạp chí Nghiên cứu Phật học... Các website, trang tin điện tử cùng hệ thống ấn phẩm băng đĩa đồ sộ được xuất bản có nội dung phong phú và hình thức đa dạng. Do đó, vấn đề quản lý báo chí truyền thông Phật giáo ở Việt Nam là việc làm hết sức cấp thiết hiện nay.

Sự quản lý về báo chí truyền thông đối với Phật giáo được hiểu trong khuôn khổ thông qua các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Một đất nước có đạo là một đất nước có truyền thống và ý chí mang tính thống nhất, có cùng một niềm tin kiên định trong tinh thần. Sự hòa hợp đó được thể hiện bằng ý thức con người qua những việc làm cụ thể tốt đẹp như nhường nhịn lẫn nhau, coi trọng chữ hiếu, tôn sư trọng đạo, tránh sát sinh và tạo nghiệp chướng...

Về mặt Nhà nước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý tôn giáo về báo chí truyền thông còn hạn chế, chưa có văn bản quy định cụ thể về hoạt động báo chí trong lĩnh vực Phật giáo. Vì vậy, nhà báo khi viết về Phật giáo chưa hiểu các giáo lý nhà Phật và những quy định chung trong hoạt động tôn giáo để có cái nhìn toàn diện, khách quan, đúng luật và có chuyên môn.

Quy định trong văn bản pháp luật về Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng đối với hoạt động Báo chí Phật giáo qua Pháp lệnh số 21/2004/PLUBTVQH11 ngày 18/06/2004 có hiệu lực ngày 15/11/2004 về tín ngưỡng, tôn giáo. Đến tháng 11/2012 có thêm nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định về biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với thực tế và xu hướng phát triển của Đất nước, trong đó, nêu rõ những hoạt động mà tôn giáo cũng như người theo tôn giáo cần thực hiện. Luật Báo chí 2016 được thông qua kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, nêu rõ: Nghiêm cấm các hành vi đăng, phát thông tin có nội dung “Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”(2).

Nội dung của những vấn đề về Phật giáo phải được truyền tải một cách dễ hiểu, không mất đi ý nghĩa trong từng câu kinh hay sách Phật. Do đó, công tác biên tập cũng cần có người hiểu đạo để tránh lạm dụng từ ngữ chuyên ngành gây nên sự phức tạp khó hiểu của thông tin cũng như nội dung bài viết mà tác giả muốn thể hiện.

Có thể thấy, việc quản lý, phát triển báo chí truyền thông Phật giáo một cách tốt nhất nhằm đem lại lợi ích phục vụ nhận thức, thay đổi suy nghĩ của người dân sống tự giác và có ý thức với đồng loại cũng như gìn giữ môi trường sống quanh ta một cách tốt và văn minh nhất. Làm được điều này tức là tiếng nói của báo chí Phật giáo đã có sức mạnh lớn kéo theo sự hưng phát của tôn giáo cả nước, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng ngày càng tăng của nhân dân.

Quá trình làm việc nghiêm túc của báo chí - truyền thông Phật giáo không đồng nghĩa với tinh thần của Phật giáo được giữ nguyên bản thể của nó. Sự tha hóa về mặt đạo đức và phẩm chất của những “con sâu làm rầu nồi canh” đã tạo nên góc nhìn xấu về “sư hổ mang” về người tu hành mà nhiều người trong xã hội đã nhìn nhận rằng “tu là một nghề”.

Các thế lực phản động và chống phá nhà nước luôn tìm kẽ hở để “thọc gậy” hay xuyên tạc, nâng tầm nhân quyền hay tự do tín ngưỡng. Chính những vị sư thiếu “tâm tu” đã tạo nên mảng tối trên bức tranh tươi đẹp của Phật giáo. Việc bổ sung điều luật, quy định riêng để phù hợp hơn trong việc quản lý cũng như đầu tư đào tạo trong đội ngũ những cây viết về báo chí Phật giáo sẽ thúc đẩy đáng kể nền Phật giáo phát triển lành mạnh. Từ đó thấm sâu tư tưởng đạo đức, ý thức tự giác tốt đẹp giữa con người với nhau trong xã hội. Điều này góp phần tạo nên một đất nước Việt Nam tốt đẹp, hưng thịnh. Đúng như lời Hồ Chủ tịch đã viết: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”(3).

Tài liệu tham khảo

(1) Trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm.

(2) Điểm c, khoản 2, điều 9, chương I, Luật báo chí 2016.

(3) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Tập IV, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1958, tr.39.

Bước vào thế kỷ XXI - kỷ nguyên công nghệ số đã cho phép con người có thể giao tiếp, tương tác với nhau thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc truyền thông xã hội. Trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, sự giao tiếp của công chúng dường như không còn khoảng cách. Điều này nói lên sự giao thoa, đan xen về văn hóa vô cùng phong phú. Thông tin cũ, mới nối tiếp chồng chéo, phức tạp cũng phần nào làm xô lệch trong văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam

Theo nghiên cứu, cụm từ “Truyền thông Phật giáo” mới được xuất hiện từ sau Đại hội Phật giáo lần thứ VII (nhiệm kỳ 2012 - 2017), tuy nhiên nếu dựa trên bản chất của truyền thông là “quá trình trao đổi thông tin” thì có lẽ “truyền thông Phật giáo” đã xuất hiện ngay từ khi đạo Phật ra đời.