18/04/2024 lúc 18:54 (GMT+7)
Breaking News

Văn Chấn: Nhiều khởi sắc trong phát triển du lịch

VNHN - Trong những năm vừa qua, huyện Văn Chấn – Yên Bái tích cực thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội trên toàn huyện, từ đó góp phần nâng cao đời sống của người dân ngày một tốt đẹp hơn.

VNHN - Trong những năm vừa qua, huyện Văn Chấn – Yên Bái tích cực thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội trên toàn huyện, từ đó góp phần nâng cao đời sống của người dân ngày một tốt đẹp hơn.

Văn Chấn là một huyện nằm ở phía Đông Nam tỉnh Yên Bái, Việt Nam, bao gồm 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc và 3 thị trấn. Huyện Văn Chấn cách trung tâm tỉnh 72 km và cách thị xã Nghĩa Lộ 10 km; Phía Bắc giáp huyện Mù Cang Chải, phía Đông giáp huyện Văn Yên và Trấn Yên, phía Tây giáp huyện Trạm Tấu, phía Nam giáp tỉnh Sơn La. Văn Chấn có đường Quốc lộ 32 chạy dọc theo chiều dài của huyện và đường Quốc lộ 37 chạy qua 4 xã, là điều kiện thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế với các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Toàn cảnh trung tâm huyện Văn Chấn – Yên Bái

Địa hình Văn Chấn phức tạp, chủ yếu là rừng núi, hang động, khe suối và thung lũng với độ cao trung bình so với mặt nước biển là 400m. Văn Chấn được chia thành 3 tiểu vùng kinh tế: Vùng trong (vùng cánh đồng Mường Lò) gồm 12 xã là vùng tương đối bằng phẳng, có cánh đồng Mường Lò rộng trên 2.400 ha đứng thứ 2 trong 4 cánh đồng Tây Bắc. Vùng ngoài: gồm 9 xã, thị trấn, có lợi thế về phát triển vườn đồi, vườn rừng và trồng lúa nước. Vùng cao thượng huyện: gồm 10 xã, có độ cao trung bình 600 m trở lên, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc.

Với địa hình phức tạp, là tiềm năng giúp huyện Văn Chấn phát triển du lịch với nhiều điểm đến như: Khu sinh thái Suối Giàng – suối khoáng nóng ở Bản Hốc, xã Sơn Thịnh – Du lịch cộng đồng bản Khá, xã Thanh Lương - suối nước nóng của bản Bon, xã Sơn A; Khu sinh thái Suối Giàng - Nghĩa Lộ - suối khoáng nóng Trạm Tấu – chinh phục đỉnh Tà Xùa; Khu sinh thái Suối Giàng – bản Sà Rèn – động Tiên Nữ - Tú Lệ - ruộng bậc thang Mù Cang Chải – bản Kim Nọi… thu hút nhiều du khách đến tham quan mỗi năm.

Suối Giàng - miền xanh hoang sơ giữa núi rừng Tây Bắc

Tại huyện Văn Chấn có nguồn suối khoáng nước nóng ở 2 xã Sơn Thịnh và Sơn A được khai thác phục vụ nghỉ dưỡng và tắm khoáng. Đến với Suối Giàng, du khách được tận hưởng không khí trong lành, ngâm mình trong nước suối khoáng nóng tự nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của thác nước Tập Lăng 1, vẻ nguyên sơ của rừng nguyên sinh, thăm các bản người Mông và thưởng thức các món ăn dân tộc như: thắng cố, thịt lợn hun khói…

Địa phận Suối Giàng chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mông sinh sống (chiếm 98%), với nhiều phong tục đặc sắc được giữ gìn và phát triển. Đặc biệt, Suối Giàng còn được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng làng cổ văn hóa dân tộc Mông thôn Pang Cáng gắn với du lịch cộng đồng; đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái hỗ trợ 7 hộ làm nhà cửa khang trang tiếp đón khách du lịch tham quan lưu trú; phát triển các sản phẩm văn hóa và ẩm thực...

Đồng thời, đầu tư cho công tác bảo tồn, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, di tích lịch sử được quan tâm như: khôi phục, tổ chức các lễ hội giới thiệu dân ca, dân vũ, kiến trúc nhà ở của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; đầu tư phát triển 11 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Người đồng bào dân tộc Mông đeo gùi hái chè Suối Giàng

Nằm gần khu vực Suối Giàng còn có đặc sản chè Suối Giàng ngon có tiếng. Đã đến với Suối Giàng thì chắc chắn du khách không thể không ngồi lại nơi đây để nhâm nhi một tách trà thơm cùng chút kẹo lạc ngọt bùi, ngắm mây mờ trên đỉnh núi mang sắc thơ này. Hay đặc sản xôi nếp Tú Lệ cũng được du khách cực kì yêu thích.

Ngoài ra, Văn Chấn còn chỉ đạo xây dựng không gian văn hóa trà và bản sắc làng du lịch sinh thái người Mông ở Suối Giàng và du lịch tâm linh người Thái đen - Văn Chấn; xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng khám phá bản sắc tộc người Khơ Mú của xã Nghĩa Sơn và một số mô hình du lịch cộng đồng dân tộc Dao xã Nậm Lành, Nậm Mười.

Đáng kể đến, trong năm 2019, huyện Văn Chấn đã xây dựng chương trình phát triển du lịch, trọng tâm hướng kết nối các tour, tuyến, xây dựng thương hiệu du lịch đặc thù phấn đấu thu hút trên 70.000 lượt du khách với doanh thu đạt 43 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt Đề án, Văn Chấn tập trung vào một số giải pháp cụ thể, trong đó ưu tiên xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; liên kết địa phương, vùng và liên vùng; phát triển thị trường và giải pháp về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng...

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp cùng chính quyền địa phương và sự đồng lòng của nhân dân huyện Văn Chấn. Hy vọng rằng với những điều kiện, nguồn lực có sẵn, huyện Văn Chấn sẽ ngày càng đổi mới và khởi sắc hơn trong công cuộc xây dựng và phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, góp phần xây dựng huyện Văn Chấn giàu mạng./.