26/04/2024 lúc 03:45 (GMT+7)
Breaking News

Vai trò của luật quốc tế trong hợp tác kinh tế đối ngoại

VNHN - Luật quốc tế (LQT) là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế. Đó là nguyên tắc và quy phạm áp dụng chung mà không có sự phân biệt về tính chất, hình thức hay vị thế của từng quốc gia khi thiết lập quan hệ quốc tế giữa những chủ thể này với nhau.

VNHN - Luật quốc tế (LQT) là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế. Đó là nguyên tắc và quy phạm áp dụng chung mà không có sự phân biệt về tính chất, hình thức hay vị thế của từng quốc gia khi thiết lập quan hệ quốc tế giữa những chủ thể này với nhau.

Trên bình diện chung, hệ thống quốc tế được tạo thành bởi nhiều yếu tố, như các quốc gia; các tổ chức quốc tế liên quốc gia; các thực thể quốc tế khác (và các thiết chế quốc tế của những tổ chức này); luật quốc tế và các quy phạm khác của hệ thống quốc tế. Giữa các yếu tố này có sự gắn kết với nhau trong những mối quan hệ tương tác, tạo thành hệ thống quốc tế. Đặc trưng tiêu biểu của hệ thống quốc tế được thể hiện qua yếu tố trung tâm là quốc gia và những mối quan hệ, liên kết giữa quốc gia với yếu tố khác, thông qua sự điều chỉnh của các loại quy phạm mang tính pháp lý -  chính trị và với những phương thức nhất định. Liên quan đến quốc gia và sự phát triển của hệ thống quốc tế, luật quốc tế hiện đại giữ vai trung tâm, bởi được các quốc gia và thực thể quốc tế khác sử dụng với tính chất là công cụ pháp lý để duy trì sự phát triển của hệ thống này trong một trật tự pháp luật nhất định và có sự bao quát tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống quốc tế.

Hình thành và tồn tại trong hệ thống quốc tế như vậy, kết hợp với xu thế phát triển của thời đại (xu thế quốc tế hóa mọi mặt của đời sống quốc tế ở cả hai cấp độ, khu vực và toàn cầu, dựa trên cơ sở nền kinh tế trí thức), luật quốc tế hiện đại trong những thập nguyên đầu của thế kỉ XXI là kết quả và là sự phản ánh các quan hệ quốc tế trong điều kiện hợp tác, phát triển của cộng đồng thế giới đang có những thay đổi to lớn về mọi phương diện, cấp độ, tuân theo quy luật vận động khách quan ở từng quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Quan hệ kinh tế giữa các quốc gia đã hình thành từ rất lâu đời nhưng pháp luật quốc tế điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế quốc tế, trước hết là các quan hệ thương mại, xuất hiện muộn hơn rất nhiều. Quan hệ kinh tế quốc tế bao gồm các quan hệ thương mại quốc tế, quan hệ tài chính - tiền tệ quốc tế, vấn đề hợp tác quốc tế trog lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, các hoạt động đầu tư nước ngoài… và được điều chỉnh bởi luật kinh tế quốc tế.

Xét trong quan hệ thương mại quốc tế: để đảm bảo lợi ích của nhau, đảm bảo quá trình phát triển có hiệu quả của hợp tác kinh tế quốc tế, quan hệ thương mại quốc tế giữa các quốc gia được điều chỉnh thông qua các điều ước quốc tế song phương và đa phương. Chẳng hạn điều chỉnh liên quan đến hoạt động thương mại hàng hóa nông nghiệp trong đó quy định khối lượng hàng hóa cung cấp trên thị trường thì các bên có thể kí kết các hiệp định hàng hóa. Mục đích chung của các hiệp định hàng hóa là ổn định giá cả của thị trường thế giới bằng biện pháp cân bằng giữa cung và cầu, mở rộng hợp tác quốc tế trên thị trường thế giới… Chính vì vậy, trong một số hiệp định loại này đã ấn định việc thành lập quỹ dự phòng một số sản phẩm như thiếc, cao su. Nhờ có quỹ dự phòng này có thể ngăn chặn được sự thay đổi đột ngột của giá cả hàng hóa và khả năng xuất hiện khủng hoảng trong sản xuất cũng như trong buôn bán loại hàng hóa này…

Có thể nói, các điều ước quốc tế (ĐƯQT) đa phương ngày nay là huyết mạch của luật kinh tế quốc tế. Trong đó phải kể đến Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT) năm 1947 và hệ thống các Hiệp định Maraket 1994 hình thành tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Đồng thời, việc duy trì và phát triển quan hệ kinh tế quốc tế giữa các quốc gia phần lớn thông qua các điều ước song phương, trong đó phải kể đến các hiệp ước về hữu nghị và hợp tác, hiệp ước thương mại -  hàng hải, hiệp định thương mại, hiệp định thanh tóan, hiệp định tín dụng, đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, thuế quan, lao động v.v…

Việc kí kết các ĐƯQT giữa mỗi quốc gia phải dựa trên các nguyên tắc của luật kinh tế quốc tế. Đó là sợi chỉ xuyên suốt đảm bảo việc kí kết đúng LQT, cũng như làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Các nguyên tắc này gồm có: nguyên tắc không phân biệt đối xử, nguyên tắc tối huệ quốc, nguyên tắc đối xử quốc gia và nguyên tắc đối xử ưu đãi.

Chỉ xem xét riêng một chế độ đãi ngộ tối huệ quốc thôi có thể thấy rõ vai trò của LQT đối với vấn đề hợp tác kinh tế. Theo đó, trong mối quan hệ giữa các quốc gia kí điều khoản tối huệ quốc và các quốc không có tối huệ quốc thì phải dành quyền ưu đãi hơn hoặc tối thiểu bằng so với các quốc gia không có tối huệ quốc. Đối với các quốc gia cùng có điều khoản tối huệ quốc thì được đảm bảo quyền ưu đãi và bình đẳng với nhau. Ví dụ: Mỹ kí ĐƯQT với Việt Nam, Trung Quốc, Pháp trong đó có điều khoản tối huệ quốc. Trong trường hợp Mỹ đánh mức thuế vải đối với Việt Nam là 6%, với Trung Quốc là 7%, với Pháp là 8%. Trường hợp này, Mỹ đã vi phạm nguyên tắc tối huệ quốc. Ở đây, các quốc gia đã kí kết ĐƯ tối huệ quốc với Mỹ đều có quyền được hưởng mức thuế suất giống nhau và ưu đãi nhất, cụ thể Mỹ phải áp dụng mức thuế 6% với cả 3 quốc gia.

Bên cạnh đó, nói tới vấn đề hợp tác kinh tế, không thể không nhắc tới những thiết chế kinh tế quốc tế hiện hành làm cơ sở cho việc bảo đảm và thực thi ĐƯQT được kí kết giữa các quốc gia. Đó bao gồm thiết chế kinh tế phổ cập (Liên hiệp quốc và Tổ chức thương mại thế giới) và tổ chức kinh tế quốc tế khu vực (có thể kể đến như ASEAN, EU, NAFTA).

Đối với LHQ chức năng điều phối quan hệ hợp tác kinh tế dành cho Đại hội đồng với sự hỗ trợ của Hội đồng kinh tế – xã hội (ECOSOC) trong đó có các cơ quan giúp việc như Ủy ban luật thương mại quốc tế (UNCITRAL).

Đối với WTO thì nhiệm vụ trọng tâm của Tổ chức là tự do hóa thương mại bằng biện pháp cắt giảm thuế quan và hủy bỏ các hàng rào phi thuế quan, mở rộng lưu thông quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm sự phát triển kinh tế ổn định cho các quốc gia, bảo vệ và sử dụng bền vững môi trường sống.

Đặc biệt, sự ra đời của diễn đàn kinh tế quốc tế đa phương APEC càng khẳng định xu thế tự do hóa thương mại từ khu vực cho đến toàn cầu, tiến tới tăng cường lợi ích chung cho tất cả các thành viên về vươn lên tầm quốc tế trong lĩnh vực kinh tế. Vai trò của diễn đàn trong quan hệ đối thoai hợp tác thể hiện ngay trong mục tiêu cụ thể của APEC như: phát triển và tăng cường hệ thống thương mại đa phương vì lợi ích của nền kinh tế khu vực và của tất cả nền kinh tế khác; giảm bớt rào cản thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư… Việc APEC ra đời đáp ứng đúng lúc nhu cầu của các nền kinh tế ngày càng tùy thuộc vào nhau nhiều hơn của khu vực châu Á - Thái Binh Dương cũng như trên toàn thế giới.

Như vậy, với những thiết chế trên đã tạo ra một hành lang pháp lý quốc tế chắc chắn giúp giữ vững ổn định và trật tự các quan hệ kinh tế quốc tế. Tạo điều kiện cho các quan hệ này ngày càng phát triển hơn nữa.