25/04/2024 lúc 10:57 (GMT+7)
Breaking News

Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển

VNHNO - Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 26, ngày 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

VNHNO - Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 26, ngày 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Những năm qua, Nhà nước rất quan tâm, ưu tiên đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ vậy, cuộc sống của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, khu vực đồng bào DTTS vẫn chưa theo kịp trình độ phát triển chung của cả nước.

Nguồn lực đầu tư lớn

Báo cáo tại phiên chất vấn cho thấy, nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 DTTS sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 458 huyện, 5.266 xã, trong đó có 1.928 xã, 3.975 thôn bản đặc biệt khó khăn. Đến nay, có hơn 95% xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đã có điện lưới quốc gia, có trạm y tế, trường học các cấp, được phủ sóng điện thoại di động, sóng phát thanh và truyền hình, mặt bằng dân trí được nâng lên.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2016-2020 bố trí gần 200.000 tỷ đồng cho 53 tỉnh có đồng bào DTTS, tăng gấp 2,28 lần so với giai đoạn 2011-2015. Vốn ODA đầu tư cho khu vực DTTS cũng tăng rất nhanh, 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được dành hơn 38.000 tỷ đồng, tăng 2,47 lần so với giai đoạn 2011-2015. 

Từ năm 2016 đến tháng 7-2018, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng DTTS và miền núi đạt khoảng 210.543 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương bố trí cho 43/51 tỉnh, thành phố là 19.984 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 34.915 tỷ đồng... Nhờ vậy, 2.541 xã thuộc vùng DTTS và miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ ngày có sóng điện thoại di động do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đầu tư, đời sống đồng bào các dân tộc ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã đổi thay nhiều. Ảnh: Nguyễn Tuấn Huy.

Tính đến 30-6-2018, dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS đạt 44.587 tỷ đồng với hơn 1,4 triệu khách hàng dư nợ. Dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 30,2 triệu đồng. Từ năm 2016-2018, ngân sách Trung ương bố trí 5.730 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em đồng bào DTTS, nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ đề nghị Thủ tướng xem xét và phê duyệt đề án kiên cố hóa trường, lớp ở khu vực DTTS.

Từ năm 2017 đến nay, Nhà nước đã cấp 9.410.202 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, với kinh phí 6.606 tỷ đồng. Qua gần hai năm, có hơn 11 triệu lượt người DTTS khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Số tiền quỹ BHYT chi khám, chữa bệnh là 6.563 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017, vùng đồng bào DTTS đã được bố trí riêng các chính sách liên quan đến chi thường xuyên là 91.000 tỷ đồng, tương tự như vậy năm 2018 là 96.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 21.597,557 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, bình quân hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng DTTS và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016.

Với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng cùng sự ưu tiên dành nguồn lực của Nhà nước, khu  vực đồng bào DTTS thời gian qua đã có sự phát triển đáng kể về kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 vùng Tây Bắc đạt 8,4%, Tây Nguyên đạt 8,09% và Tây Nam Bộ đạt 7,26%. Cơ cấu kinh tế cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực.

Để đồng bào vươn lên thoát nghèo

Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Tây Bắc là 28,1%, miền núi Đông Bắc 14,87%; Tây Nguyên 12,86%; các tỉnh Bắc Trung Bộ là 8,2%. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS tái nghèo còn cao. Một bộ phận đồng bào DTTS vẫn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc bị thiên tai.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhắc tới một thực tế, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS rất cao, theo đó cần sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng nói trên.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đưa ra 6 nhóm giải pháp để giảm nghèo cho khu vực đồng bào DTTS. Đó là phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, nhất là giao thông, thông tin kết nối vùng DTTS với vùng động lực phát triển; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và phát triển giáo dục, đào tạo vùng DTTS và miền núi; tạo sinh kế cho vùng đồng bào DTTS, ổn định dân cư; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con để bà con tự hào về nguồn cội, tự tin là có thể làm được mọi việc và tự lực để phát huy nội lực, tự vươn lên không trông chờ, dựa dẫm vào Nhà nước; tích hợp tất cả các chính sách lại để thành một chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng DTTS, vùng KT-XH đặc biệt khó khăn...

Tham gia trả lời chất vấn cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, riêng tỷ lệ đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho khu vực đồng bào DTTS gấp 4 lần so với bình quân chung, 96% chương trình giảm nghèo là đầu tư cho khu vực đồng bào DTTS, trong đó quan tâm nhiều đến đào tạo nghề và hỗ trợ để có việc làm cho thanh niên. Bộ cũng đang quan tâm tới việc thúc đẩy xuất khẩu lao động cho thanh niên khu vực đồng bào DTTS, đến nay đã đưa 613 thanh niên DTTS đi lao động ở nước ngoài, giúp họ có nguồn thu nhập cao hơn.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, để phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng, miền khác, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mục tiêu đặt ra trong hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và các chương trình mục tiêu, chương trình dự án khác; thu hút mạnh mẽ đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, phát triển sản xuất, kinh doanh ở khu vực DTTS; tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, thực hiện hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS và đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS.

Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở trên 3 phương diện đầu tư xây dựng bệnh viện huyện, trạm y tế xã, đào tạo nhân lực y tế, hỗ trợ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số, thể trạng người DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, ưu tiên bố trí nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án di dân tái định cư tại các vùng trọng điểm, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên.

Kết luận nội dung phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối, bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS đang có hiệu lực; phân công rõ đầu mối chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ bảo đảm quản lý tập trung theo nguyên tắc một cơ quan chịu trách nhiệm chính, thống nhất nguồn lực đầu tư thực hiện chính sách đồng bào DTTS, tránh chồng chéo, bảo đảm phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện chính sách Chính phủ.

Nghiên cứu tích hợp thu gọn đầu mối quản lý thực hiện chính sách dân tộc hướng tới đề xuất một chương trình chung có thời hạn 10 năm cho giai đoạn tới trên cơ sở đánh giá, sơ kết thực hiện chính sách dân tộc 3 năm qua; chỉ đạo rà soát, đánh giá xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao, vùng DTTS theo trình độ phát triển khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là ở các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống./.

Theo Qdnd.vn