19/04/2024 lúc 05:13 (GMT+7)
Breaking News

Ưu tiên đào tạo nghề, sử dụng lao động tại chỗ

VNHN-Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, chuẩn bị tái định cư. Một trong những vấn đề quan trọng được Chính phủ chỉ đạo là đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân thuộc diện thu hồi đất phục vụ dự án. Vấn đề này cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra trong phiên họp thứ 33, ngày 10-4.

VNHN-Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, chuẩn bị tái định cư. Một trong những vấn đề quan trọng được Chính phủ chỉ đạo là đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân thuộc diện thu hồi đất phục vụ dự án. Vấn đề này cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra trong phiên họp thứ 33, ngày 10-4.
Dự án sân bay Long Thành ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của 4.864 hộ gia đình và 26 tổ chức. Tổng số nhân khẩu trong vùng dự án là 15.557, với khoảng 9.700 người trong độ tuổi lao động. Ngoài ra còn phải chuyển đổi nghề nghiệp cho hàng nghìn người khi chuyển đến khu vực tái định cư. Đây là việc không đơn giản, đòi hỏi UBND tỉnh Đồng Nai phải xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình, chủ động triển khai đồng bộ với tinh thần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: "UBND tỉnh đã ban hành đề án đào tạo, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân trong vùng dự án với tổng kinh phí 305 tỷ đồng; giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng 4 biểu mẫu khảo sát, tổ chức điều tra thống kê thực tế nhu cầu việc làm của người dân 6 xã (Suối Trầu, Bình Sơn, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An và Long Phước) để đào tạo nghề, tư vấn hỗ trợ việc làm phù hợp cho người lao động (NLĐ). Tỉnh đang phát huy cao độ vai trò, khả năng của các doanh nghiệp, trường đào tạo nghề tại địa phương tham gia giải quyết việc làm trong diện tái định cư, ưu tiên cho lao động tại chỗ".

Nhiều thanh niên thuộc các xã trong vùng Dự án Sân bay Long Thành được ưu tiên đào tạo nghề tại địa phương.

Theo đề án của tỉnh, không chỉ 9.700 người cần giải quyết việc làm mà địa phương còn phải hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho gần 6.300 người khác. Đây là con số không nhỏ, cần tính toán hợp lý để tạo sinh kế giúp người dân ổn định cuộc sống.

Đánh giá thực tế nhu cầu tuyển dụng việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Long Thành trong năm 2019 cho thấy, các doanh nghiệp (DN) dự kiến tuyển dụng khoảng 19.000 lao động. Nhu cầu này sẽ tăng lên trong năm 2020. Chưa kể tại huyện Nhơn Trạch liền kề, các DN cũng có nhu cầu tuyển dụng khoảng 20.000 lao động. Đại diện các DN đều khẳng định sẵn sàng ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương thuộc diện thu hồi đất phục vụ dự án sân bay Long Thành. Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông vận tải, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) thông tin, giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành đưa vào khai thác năm 2025, sẽ cần khoảng 10.000 lao động; trước mắt, trong quá trình triển khai dự án sẽ cần khoảng 2.500-3.000 lao động (50% là lao động phổ thông). ACV cũng sẽ ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ.

Như vậy, với nhu cầu tuyển dụng và sự cam kết của địa phương cùng DN thì nỗi lo việc làm cho NLĐ thuộc 6 xã trong dự án đã có hướng giải quyết. Vấn đề là đào tạo nghề sao cho chất lượng, hiệu quả. Điều này đã được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ tham gia học nghề ở trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, như: Hỗ trợ học phí, tiền ăn, tiền đi lại, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; liên hệ với trường nghề ưu tiên đào tạo nghề theo nguyện vọng của người dân; phối hợp với Tỉnh đoàn và các DN tư vấn cho thanh niên lựa chọn học nghề phù hợp… Theo ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, sở đã phối hợp với Trường Cao đẳng Lilama và ACV có biên bản ghi nhớ với Trường West College (Scotland) chuyên về ngành hàng

không để xây dựng chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn nước ngoài thuộc lĩnh vực cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động khi sân bay đi vào hoạt động. Trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh tập trung đào tạo 1.000 lao động kỹ thuật làm việc tại sân bay, ưu tiên con em gia đình thuộc diện bị thu hồi đất trong vùng dự án. Đối với các trường hợp không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện vào làm việc tại các khu công nghiệp thì sẽ được ưu tiên bố trí việc làm trong các hợp tác xã dịch vụ trên địa bàn huyện; hoặc cho vay vốn ưu đãi để tự tạo việc làm, sản xuất, kinh doanh…

Ngoài ra, đối với những lao động lớn tuổi, khó xin việc làm, tỉnh sẽ dành 300ha đất để trồng rau sạch theo mô hình tiểu thủ công nghiệp, ứng dụng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: "Huyện sẽ cố gắng đưa lao động trong diện thu hồi đất vào làm tại các DN trên địa bàn để giải tỏa nỗi lo của người dân về việc làm và thu nhập sau khi tái định cư".

Đến nay, các dự án và biện pháp bảo đảm việc làm cho người dân tái định cư đã được khởi động. Chính quyền địa phương cùng ngành chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin việc làm và chính sách hỗ trợ cho người dân biết. Nhiều cơ sở đào tạo nghề đã ưu tiên tiếp nhận học viên học nghề theo chủ trương của tỉnh. “Các chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm của các cấp chính quyền đang dần hiện hữu, được triển khai trên thực tế giúp người dân trong vùng dự án sân bay Long Thành yên tâm hơn. Chúng tôi mong Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay và bố trí nơi ở ổn định để người dân sớm an cư lạc nghiệp”, anh Vũ Đức An, ở xã Bình Sơn (Long Thành) bày tỏ.