25/04/2024 lúc 05:34 (GMT+7)
Breaking News

Ứng xử trong thế giới “siêu phẳng”

VNHN - Cuộc sống luôn luôn tồn tại những quan điểm, ý kiến tương phản, trái chiều hay đối lập nhau mà dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải tìm cách ứng xử với nó. Sự ứng xử thường mang trong nó đạo đức, nhân cách và văn hóa của con người.

VNHN -  Cuộc sống luôn luôn tồn tại những quan điểm, ý kiến tương phản, trái chiều hay đối lập nhau mà dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải tìm cách ứng xử với nó. Sự ứng xử thường mang trong nó đạo đức, nhân cách và văn hóa của con người.

 

Ứng xử đúng, nó nhận được sự đồng thuận của số đông thành viên cộng đồng, nếu sai thì kết cục sẽ ngược lại. Loại trừ một vài hiện tượng do hiệu ứng tâm lí đám đông còn nhìn chung dư luận xã hội luôn bảo vệ cái đúng đắn, cái tiến bộ. Những xu hướng tích cực luôn có số đồng minh đông đảo, vì thế nếu chúng ta biết biến cái tinh thần này thành sức mạnh vật chất thì sẽ tạo ra những năng lượng to lớn rất có lợi cho xã hội, cho chính thể của dân, do dân, vì dân.

Hình minh họa

Nhưng, để làm được điều đó, chẳng dễ dàng, đơn giản chút nào. Trong thế giới siêu phẳng bây giờ, núi cao biển rộng sông dài, thậm chí đến sự khác biệt về quốc gia, lãnh thổ, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo... cũng khó ngăn cản được người ta tìm đến với nhau một cách chóng vánh. Dường như hành tinh xanh mang tên Trái đất trong dải Ngân hà này đang ít dần đi những nhấp nhô trùng điệp, những rào giậu ngăn cản thông tin bởi các phát minh kì diệu của công nghệ càng ngày càng tinh vi, tiện dụng; vì thế chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông xem ra là rất bình thường, quá đỗi bình thường.

Chẳng phải tôi nói quá lên đâu, cứ chịu khó vào các mạng xã hội sẽ biết. Thật vô cùng thiệt thòi cho người nào trong thời buổi này mà “mù” tin học hay không sở hữu cho mình một trang blog hay facebook. Không cần đi đâu nhiều, người ta cũng có thể biết được cái làng trái đất này đang sống ra sao, có những biến cố gì vừa xảy ra, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ đều bị phơi bày ra trên hệ thống mạng bao la.

Quá nhiều thông tin được công khai trên đó, từ chuyện lớn như Mĩ và đồng minh ở châu Âu triển khai tập trận gần lãnh thổ Nga, bọn IS hành xử dã man các nhà báo, con tin, đến chuyện giá xăng, giá dầu, giá điện tăng lên hay một cô nhà văn Việt Nam có phát ngôn gây sốc: đàn ông về nhà chỉ biết ăn, tắm, ngủ là lợn. Có những thông tin phù hợp với chính thể của ta nhưng cũng không ít bài viết, hình ảnh trái chiều. Khen, chê đủ cả. Có sự phê phán, phản biện trung thực nhưng cũng có cái vu cáo, bôi nhọ ác ý. Thực lẫn lộn với giả. Chính xen kẽ với tà. Từ tâm, nhân hòa cũng nhiều mà kẻ ác độc, lưu manh cũng lắm. Ngôn ngữ giang hồ, chợ búa trà trộn với ngôn ngữ chân phương, nghiêm ngắn. Rất nhiều cung bậc thăng giáng cùng những sắc thái biểu đạt tâm lí, cảm xúc khác nhau.

Thế giới ảo nhưng vô cùng thực, nó chính là hình bóng, chuẩn xác hơn là nhận thức, tâm trạng, tinh thần của xã hội thực. Mạng xã hội là bản sao của tinh thần, tâm thế xã hội; nhìn vào đó ta có thể biết được phần nào lòng dân đang ra sao, yên hay loạn, tin tưởng hay thất vọng, phấn khởi hay bi quan v.v…

Tôi nghĩ rằng, rất khó và không khả thi mấy khi ta muốn ngăn cản những thông tin trái chiều hay thông tin độc, thông tin xấu trên mạng. Ngay như thời phong kiến vốn có những luật lệ rất hà khắc, vua được coi là thiên tử, con trời, quyền uy tột đỉnh trong giang sơn xã tắc dằng dặc của mình, nhưng có những chiếu chỉ ban ra không phù hợp cũng bị thảo dân, những kẻ được coi như ngọn cỏ bé mọn thấp hèn “phản biện” đấy: Tháng tám có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng/ Không đi thì chợ không đông/ Đi thì phải mặc quần chồng sao đang.

Thế nên, theo tôi, phải bình thường hóa hiện tượng thông tin nhiều chiều trên mạng. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải bình tĩnh đối mặt với nó trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa để làm rõ trắng đen, phân biệt đúng sai. Chấp nhận tranh luận đàng hoàng với các ý kiến, quan điểm trái chiều bằng lí luận khoa học đúng đắn và thực tiễn sinh động. Nước ta có khoảng 800 tờ báo, phần lớn đã có trang điện tử. Sao ta không tận dụng lợi thế này trong cuộc đấu tranh tư tưởng văn hóa để chống lại những luận điệu xuyên tạc, thù địch. Có vẻ như một số tờ báo còn dè dặt, e ngại khi đụng chạm đến điều này. Không đủ tự tin về kiến thức và phương pháp tranh luận nên người ta né tránh chăng? Hay còn có điều gì tế nhị khác nữa.

Lâu nay, trên mạng xuất hiện khái niệm thông tin lề phải, lề trái. Họ cho rằng, báo chí của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể là lề phải; còn một số trang khác xuất hiện tự do trên mạng có cái nhìn, quan điểm khác chính thống là lề trái. Một số người tự cho lề trái là lề dân, được công chúng ủng hộ. Có vẻ như họ nhìn nhận, đánh giá nhân dân Việt Nam hơi thấp. Mặc dù, chưa bằng lòng nhiều với cuộc sống hiện nay, vẫn bất bình với hiện tượng tham nhũng nhưng nhân dân ta thừa hiểu những giá trị, thành tựu mà cách mạng đã mang lại. Đó là độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước, đó là vị thế của Việt Nam được xác lập trên trường quốc tế, đó là sự hòa hợp, đoàn kết giữa các dân tộc, đó là quyền được hoạt động của các tôn giáo đích thực, đó là kết cấu hạ tầng đang được xây dựng ngày càng hiện đại và đương nhiên không thể không nói tới những đổi mới trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Một số bài viết, tác phẩm văn chương báo chí xuất hiện đó đây trên mạng với ý đồ giải thiêng các nhân vật lịch sử, những giá trị mà nhân dân ta đã tôn vinh, đề cao không làm suy suyển sự kính yêu, trân trọng của đông đảo công chúng đối với họ. Đó là một sự thật mà nhiều người trông thấy.

Một số trang mạng thuộc lề trái như họ tự xưng chê báo chí lề phải chỉ biết tô hồng, phản ánh xã hội một chiều và không ngần ngại gọi anh em đồng nghiệp một thời của mình là bồi bút. Họ không biết rằng, nhiều hiện tượng tiêu cực đã bị phản ánh, phanh phui trên báo chí chính thống trong nước, không ít nhà báo dũng cảm, khôn khéo điều tra, viết bài về các vụ việc khuất tất, tham nhũng. Trong khi đó, thì các trang mạng lề trái chỉ nhăm nhăm đăng các bài viết nói về cái xấu, cái tiêu cực của xã hội (ở đây chưa đề cập tới độ chính xác ra sao) với một ý đồ khó che giấu là kích động sự bất bình, bất mãn trong quần chúng. Trong cái nhìn của họ, xã hội Việt Nam hiện tại nhuốm màu đen kịt, tối tăm, nhân dân đang rên xiết trong sự thống trị hà khắc của Đảng và chính quyền. Cứ theo cách luận giải của họ thì chắc thể chế này phải sụp đổ từ lâu rồi, làm gì có những thành tựu quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như ba mươi năm đổi mới vừa qua. Ta khen ta sẽ bị cho là “tự sướng” thì đây, báo Tài chính nước Đức số ra ngày 2 tháng 1 năm 2015, đã có bài viết đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh Việt Nam sẽ hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững mới, dựa trên việc thúc đẩy đổi mới, áp dụng công nghệ cao và một nền kinh tế xanh, nền kinh tế tri thức. Số liệu bài báo ấy nêu ra là minh chứng thuyết phục cho đánh giá trên: Năm 2014, Việt Nam đạt tăng trưởng 6%; mức lạm phát 4,09% (thấp nhất trong 10 năm qua) dưới mức dự đoán 5% trước đó của Chính phủ. Theo các chuyên gia nhìn nhận thì mức lạm phát thấp như thế một phần do giá dầu thế giới giảm mạnh, giảm sâu và đồng tiền Việt Nam đang ổn định. Xuất khẩu cũng là mảng sáng bởi thặng dư thương mại với kim ngạch xuất khẩu đạt 150 tỉ USD (tăng 13,6%) trong khi đó nhập khẩu là 148 tỉ USD. Nhờ chính sách cho vay thông thoáng đối với các doanh nghiệp, những kết quả từ tư nhân hóa, hiện đại hóa các tập đoàn Nhà nước, chỉ số công nghiệp năm 2014 tăng 7,6% (cao nhất trong 4 năm qua)…

Họ tự nhận là mình khách quan, đứng giữa nhưng luận điệu ấy không mấy thuyết phục vì cứ vào các trang mạng lề trái, xem cách sử dụng bài vở, cách rút tít của họ thì sẽ thấy ngay ý đồ các vị ấy hướng tới là gì. Một bức tranh xã hội Việt Nam cực kì ảm đạm, hỗn loạn, thối nát, mất hết sức sống, không còn hi vọng nữa sẽ hiện lên. Nếu đúng như thế, thì chắc sự chịu đựng của nhân dân đã ở đỉnh điểm, theo quy luật tức nước ắt vỡ bờ, xã hội Việt Nam đã bị bung nổ ra chứ làm sao được tương đối ổn định như hiện nay. Cái ổn định vĩ mô, sự hài hòa, bình yên  mang tầm kích tổng thể ấy lẽ ra phải được khích lệ, giữ gìn một cách điềm tĩnh, sáng suốt. Bài học dĩ bất biến, ứng vạn biến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng rất tài tình vào những năm 1946, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới một tuổi vẫn còn nguyên vẹn giá trị thực tiễn. Vượt qua những giới hạn về luân lí truyền thống, một số trang mạng lề trái còn hào hứng đăng những bài viết hòng làm suy tổn lòng kính yêu của nhân dân đối với Bác Hồ. Thế nhưng, thật là vô vọng, nhân dân ta vẫn dành cho Người tình cảm thiêng liêng yêu quý nhất; không tin cứ đến lăng Hồ Chí Minh mà xem, dòng người đến viếng Bác vẫn kéo dài không dứt. Cần phải có một sách lược truyền thông phù hợp với thời đại thế giới siêu phẳng đã thành hiện thực. Nhân dân luôn hướng về cái đúng, cái tiến bộ, cái có lợi cho đất nước mình. Vậy thì, sách lược truyền thông của chúng ta cũng phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân trên hết. Sự minh định trong truyền thông là cần thiết, vô cùng cần thiết. Phản ánh đúng sự thật là yêu cầu tối thượng của truyền thông, do vậy tô hồng hay bôi đen sự thật đều không đúng, không phải. Tuy nhiên, có bột mới gột nên hồ, xã hội thực đẹp lên, sáng hơn với kinh tế phát triển nhanh, quốc phòng an ninh vững chắc, văn hóa giáo dục lành mạnh, đạo đức trong sạch, tham nhũng bị đẩy lùi là cơ sở để khẳng định sự đúng đắn của chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện.

Thế giới siêu phẳng tạo ra sự giao lưu, tương tác hay đấu tranh, phản biện cực kì mau lẹ và rộng lớn. Đây là thời đại thông tin được truyền dẫn, chuyển động theo cấp số nhân, theo phép lũy thừa. Không có sự tuyên truyền nào nhanh hơn, rộng hơn, sâu hơn trên mạng. Do đó, Đảng và Nhà nước phải coi đây là một hướng cực kì quan trọng của mặt trận tư tưởng văn hóa. Nó cần có những đạo quân, những người lính thiện chiến biết đánh trúng, đánh hay vào các đối tượng chống lại công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Vừa tạo ra những diễn đàn rộng lớn để mọi công dân được trình bày ý kiến của mình vừa giữ nghiêm phép nước để duy trì trật tự xã hội. Nên nhớ, bao giờ và ở đâu thì luật pháp vẫn là cơ sở để quy chiếu hành vi của công dân. Mặt khác, tuyên truyền giáo dục, cảm hóa, giác ngộ ở đâu và bao giờ cũng là cách giữ hòa hiếu cộng đồng. Sự đồng thuận càng cao càng làm cho xã hội ổn định, an bình mà điều đó thì chắc ai cũng mong muốn thế.

Đoàn kết dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công

Dân tộc Việt Nam đã thực hiện đúng lời Bác dặn và đã thành công trong sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau, tư tưởng Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Tôi nghĩ, đấy cũng chính là ứng xử cần thiết của mỗi chúng ta trong thế giới siêu phẳng bao la này.