25/04/2024 lúc 21:02 (GMT+7)
Breaking News

Ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất tỏi đen một nhánh ở Gia Bình Bắc Ninh

VNHN - Nguyễn Bình Phương, Giám đốc Công ty TNHH Nanocare R&D đã nghiên cứu kỹ thuật trồng tỏi một nhánh từ giống tỏi tía truyền thống và chế biến thành tỏi đen. Nghiên cứu của anh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng độc quyền sáng chế.

VNHN - Nguyễn Bình Phương, Giám đốc Công ty TNHH Nanocare R&D đã nghiên cứu kỹ thuật trồng tỏi một nhánh từ giống tỏi tía truyền thống và chế biến thành tỏi đen. Nghiên cứu của anh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng độc quyền sáng chế.

Hiện nay, tỏi một nhánh hay còn gọi là tỏi cô đơn thường chỉ có ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được người dân săn lùng vì nhiều dinh dưỡng, mùi vị thơm ngon và rất dễ bóc vỏ. Tuy nhiên, sản lượng tỏi một nhánh thường rất ít mà giá thành thì rất cao, khó tới tay người tiêu dùng bình thường.

Anh Nguyễn Bình Phương bên các sản phẩm tỏi đen Gia Bình.

Nhận thấy tiềm năng của cây tỏi tía huyện Gia Bình rất thơm ngon khi cải tiến thành tỏi một nhánh sẽ trở thành đặc sản mới cho địa phương, anh đã phối hợp với các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu và sản xuất ra loại vi lượng nano để cung cấp cho cây tỏi trong quá trình sinh trưởng, đảm bảo cây hấp thụ đúng lượng dinh dưỡng cần thiết.

Năm 2017, anh đã thuê 6 ha diện tích của bà con nông dân tại các xã Xuân Lai và Cao Đức để tiến hành áp dụng kỹ thuật mới vào trồng tỏi theo quy trình bao gồm: chọn giống, xử lý diệt khuẩn và nấm bằng nano bạc, chiếu xạ bằng ánh sáng bước sóng ngắn, xử lý nhiệt cùng với nano vi lượng kích thích tỏi phát triển mạnh, xử lý để diệt những phôi yếu mới sinh, cung cấp ẩm phục hồi cho sự phát triển của mầm.

Tỏi đen là thành phẩm được lên men từ tỏi trắng, ăn tỏi đen đúng cách giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ngăn ngừa nhiều bệnh như cảm cúm, tim mạch hay thậm chí là ung thư.

Từ những nghiên cứu về tập tính sinh trưởng và các giai đoạn phát triển của loại tỏi tía đã cho kết quả: tỷ lệ tỏi một nhánh thành công đạt khoảng 60% với hàm lượng dinh dưỡng cao ngang với cây tỏi trồng ở Nhật Bản, đặc biệt, tỷ lệ chất chống oxy hóa cao gấp 50 lần tỏi thường; 40% tỏi còn lại sẽ chuyển sang làm tỏi muối hoặc làm giống cho vụ tiếp theo. Với hệ thống 02 lò sấy hiện đại, hàng năm, Công ty xuất ra thị trường hơn 10 tấn tỏi đen với giá thành 600.000 đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm được hệ thống siêu thị và các đại lý phân phối bao tiêu và đã xuất khẩu sang một số nước Đông Âu.

Hiện nay, mô hình trồng tỏi một nhánh của anh Phương được thực hiện theo hai phương thức: thuê lại ruộng và thuê nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp để đạt được năng suất chất lượng theo yêu cầu hoặc là bàn giao giống, kỹ thuật cho bà con nông dân và thu mua lại sản phẩm theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đưa ra. Thời gian trồng tỏi diễn ra vào vụ Đông từ đầu tháng 9 âm lịch đến hết tháng Giêng.

Sản phẩm tỏi đen một nhánh Gia Bình do anh Nguyễn Bình Phương, Giám đốc Công ty TNHH Nanocare R&D sản xuất ra.

Chia sẻ về lựa chọn phát triển sản phẩm tỏi đen và lấy thương hiệu Gia Bình, anh Nguyễn Bình Phương cho biết: “Vốn là người con quê hương, tuổi thơ gắn liền với nghề trồng tỏi của địa phương nên khi chứng kiến nghề trồng tỏi dần bị mai một do yếu tố cạnh tranh thị trường từ những loại tỏi khác, đồng thời, thấy các bệnh nhân ung thư phải mua tỏi đen với giá thành rất cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc nên tôi muốn khôi phục, phát triển nghề trồng tỏi một nhân và biến chúng thành đặc sản, thương hiệu của Gia Bình. Đây là dự án vừa mang ý nghĩa xã hội vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.”

Anh Phương cũng kỳ vọng, khi tỏi đen một nhánh tham gia Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 – 2020, thì người dân trong và ngoài tỉnh sẽ nhanh chóng được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm tốt nhất, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị thương hiệu, tạo bước tiến gia nhập thị trường quốc tế.