19/04/2024 lúc 16:50 (GMT+7)
Breaking News

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua báo chí

VNHN-Với đặc tính cơ bản của báo chí là tính phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân, giúp đông đảo cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật.

VNHN-Với đặc tính cơ bản của báo chí là tính phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân, giúp đông đảo cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật.

Trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, báo chí đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Báo chí phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật. Báo chí góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt - việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, ngày nay với sự phát triển đa dạng của các loại hình báo chí và việc phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng của thông tin về pháp luật.

So với các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác thì loại hình phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí có lợi thế là có đông đảo bạn đọc, khán - thính giả. Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, các loại hình báo chí đều có đặc tính là truyền tin nhanh, đặc biệt là báo điện tử. Chính vì vậy, việc tuyên truyền pháp luật trên báo chí luôn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng nhu cầu được thông tin, tìm hiểu về pháp luật của người dân. Với số lượng phát hành lớn, phủ sóng rộng, sự kết nối mạng Internet toàn cầu, việc tuyên truyền pháp luật trên báo chí được thực hiện trên diện rộng, không có loại hình nào ưu việt hơn báo chí.

Có thể nói, trên mặt trận văn hóa - tư tưởng nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng, báo chí đóng vai trò là lực lượng xung kích. Trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí càng phải thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của mình. Để góp phần nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí, việc xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục, các chương trình phát thanh, truyền hình về pháp luật là cần thiết.

Khi nêu các vụ việc cụ thể, đặc biệt là những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật, báo chí cũng lồng ghép việc phân tích, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan, tỏ thái độ định hướng dư luận xã hội để tạo ra sức mạnh chung lên án, đấu tranh với những vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo vệ công lý. Việc lồng ghép này khiến nội dung tuyên truyền hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, khi thực hiện nội dung này, báo chí không được làm thay công việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kết luận vụ việc đúng sai, mà chỉ bày tỏ quan điểm của mình bằng cách đưa ra các bằng chứng, lý lẽ, lập luận mang tính tham khảo để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các bài báo cũng không nên đi sâu vào miêu tả, khai thác chi tiết hành vi, thủ đoạn phạm tội, đưa ra những tình tiết “giật gân”, “câu khách”… làm phản tác dụng tuyên truyền pháp luật.

Nói về vai trò của báo chí trong tuyên truyền pháp luật, qua phản ánh thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật, báo chí luôn là kênh phát hiện những bất cập, bất hợp lý trong các văn bản pháp luật, những quy định không phù hợp, lỗi thời, chồng chéo của hệ thống pháp luật để kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Bên cạnh đó, báo chí còn phát hiện những vấn đề còn bỏ ngỏ, thiếu sự điều chỉnh của pháp luật để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện.