16/04/2024 lúc 13:14 (GMT+7)
Breaking News

Tuyên truyền đối ngoại của quân đội về bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Yêu cầu và phương pháp thực hiện

VNHN - Hoạt động tuyên truyền đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn là vấn đề mang tính cấp thiết và phải được tiến hành trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu, phương pháp nhằm mục tiêu giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước.

VNHN - Hoạt động tuyên truyền đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn là vấn đề mang tính cấp thiết và phải được tiến hành trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu, phương pháp nhằm mục tiêu giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước.

 Làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ về cơ sở pháp lý và lịch sử của chủ quyền biển, đảo Việt Nam (Ảnh minh họa: Phạm Cường)

Tuyên truyền đối ngoại (TTĐN) của Quân đội về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam là tổng thể các nội dung, hình thức và phương pháp hoạt động, do các lực lượng Quân đội tiến hành, nhằm tuyên truyền rộng rãi về cơ sở pháp lý và lịch sử chủ quyền biển, đảo Việt Nam; những diễn biến phức tạp và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với khu vực Biển Đông; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong giải quyết những tranh chấp, bất đồng về chủ quyền biển, đảo. Trên cơ sở đó, xây dựng tình cảm, tạo sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

Những năm gần đây, tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh những tranh chấp chủ quyền ngày càng gay gắt còn có sự can thiệp của một số nước lớn vì những mưu đồ chính trị khác nhau, làm cho việc giải quyết mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải trên vùng biển này ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, hoạt động TTĐN bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn là vấn đề mang tính cấp thiết và phải được tiến hành trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu, phương pháp nhằm mục tiêu giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước.

Với quan điểm và yêu cầu như vậy, các lực lượng Quân đội cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm một số yêu cầu mang tính nguyên tắc cơ bản sau:

Hoạt động TTĐN phải đảm bảo tính khách quan, khoa học, nâng cao nhận thức và xây dựng tình cảm của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nội dung thông tin tuyên truyền do các lực lượng Quân đội đưa ra phải luôn chính xác, trung thực như những gì vốn có của lịch sử.

Phải tuyên truyền cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ những chứng cứ về sự quản lý lâu đời, thống nhất, liên tục và hòa bình của Nhà nước Việt Nam đối với các vùng biển, đảo trên Biển Đông, thông qua các thư tịch cổ và các hoạt động thực tiễn của các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam trước kia, cũng như của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, nhất là những chứng cứ lịch sử về việc thành lập trang Vân Đồn để quản lý vùng biển Đông Bắc của nhà Lý, nhà Lê đặt Tuần kiểm ở các cửa biển để quản lý biển, thu thuế các tàu thuyền nước ngoài ngay từ thế kỷ thứ X; hoặc những nội dung được ghi trong “Hồng Đức bản đồ” do vua Lê Thánh Tông lập từ năm 1459; các nội dung thể hiện hoạt động của các triều đại phong kiến Việt Nam trong các thư tịch cổ như bộ sử Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt địa dư chí...

Cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo về hình thức, phương pháp tuyên truyền đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển, đảo.(Ảnh minh hoạ: Phạm Cường)

Từ năm 1884, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã tiếp tục thực hiện và củng cố chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: tiến hành khảo sát khoa học, dựng bia chủ quyền, dựng đèn biển, lập trạm khí tượng, đài vô tuyến điện, đưa quân ra đồn trú, thành lập đơn vị hành chính trên quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên và sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa... Cho đến đầu thế kỷ XX không có nước nào tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo này.

Những sự kiện lịch sử khách quan nêu trên là những chứng cứ rõ ràng nhất về sự quản lý thống nhất, lâu đời của Nhà nước Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển, đảo lân cận.

Bên cạnh việc nêu ra những chứng cứ lịch sử về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, các lực lượng tuyên truyền của Quân đội cần phân tích cho cộng đồng quốc tế thấy rõ những thông lệ về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa các quốc gia trên thế giới và những quy định của luật pháp quốc tế hiện hành để khẳng định cơ sở lịch sử và pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay.

TTĐN phải thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong giải quyết tranh chấp, bất đồng về chủ quyền biển, đảo.

Quân đội luôn phải đứng vững trên quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân; nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết các mối quan hệ quốc tế trong sự ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau; đồng thời phải luôn quán triệt và giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Các lực lượng Quân đội luôn phải bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là quan điểm, mục tiêu, phương châm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng đã được xác định trong Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Cần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ về lập trường và thiện chí của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, phải quán triệt phương châm và nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế, thực hiện phương châm toàn dân, toàn diện, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia trên biển.

Hoạt động TTĐN của Quân đội phải luôn chủ động và có tính chiến đấu cao.

Trong bối cảnh, đối tượng tuyên truyền đa dạng, phức tạp, gồm nhiều cá nhân, nhiều lực lượng có trình độ hiểu biết khác nhau, ý thức hệ chính trị, tôn giáo, văn hóa khác nhau; đặc biệt một số thế lực thù địch, phản động, cơ hội chủ nghĩa đang tìm mọi kẽ hở trong công tác tuyên truyền để chống phá chúng ta... mọi hoạt động TTĐN của Quân đội phải luôn cẩn trọng, không lơ là mất cảnh giác, xa rời lập trường giai cấp, rơi vào bẫy “phi chính trị” mà các thế lực thù địch đặt ra. Nắm chắc mục đích tuyên truyền, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, đồng thời giữ vững định hướng chính trị, thực hiện nghiêm kỷ luật Quân đội. Viết, nói và hành động đúng chỗ, đúng lúc, đúng đối tượng là nguyên tắc hàng đầu của mọi lực lượng Quân đội tham gia hoạt động đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải quán triệt thực hiện.

Tuyên truyền là một mặt trận đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ Quốc. Trong quá trình tiến hành tuyên truyền phải bình tĩnh sáng suốt, không mắc mưu kẻ địch. Phải thể hiện rõ tinh thần cách mạng tiến công, kịp thời và kiên quyết đấu tranh bảo vệ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Với tư cách là một lực lượng nòng cốt trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, tính chiến đấu phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi và mọi hoạt động TTĐN bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo về hình thức, phương pháp tiến hành TTĐN bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phải kết hợp giữa các mặt, các yếu tố tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp với các hình thức, phương pháp phong phú, tạo hiệu ứng tổng hợp. Trong các hình thức, biện pháp TTĐN hiện nay, cần triệt để tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng tới cộng đồng quốc tế; phát huy tốt vai trò của các phương tiện nghe nhìn như đài phát thanh, truyền hình, gắn với sử dụng hiệu quả các hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội để đưa những thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước đến với kiều bào và cộng đồng quốc tế. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp TTĐN thông qua các động đối ngoại quốc phòng của lực lượng chuyên trách với các hoạt động thăm viếng, giao lưu quốc phòng; hợp tác đào tạo cán bộ; diễn tập và triển lãm quân sự; tổ chức tuần tra chung giữa Quân đội, Hải quân nhân dân Việt Nam với Quân đội và hải quân các nước trên thế giới và khu vực...

Hoạt động TTĐN bảo vệ chủ quyền biển đảo của Quân đội phải có sức lan tỏa rộng khắp đối với các cá nhân, lực lượng, các thành phần trên thế giới, tạo sự đồng thuận giữa thế giới với Việt Nam trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo nói chung và trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển, đảo nói riêng. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế  là yêu cầu vừa mang tính nguyên tắc vừa mang tính cấp thiết của hoạt động TTĐN bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay.

Trong những năm tới, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có sự biến đổi mạnh mẽ với sự cạnh tranh quyết liệt của các nước lớn; xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thực hiện “phi chính trị hóa quân đội” ngày càng quyết liệt hơn; tình hình Biển Đông vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, mất ổn định; một số nước có tham vọng lớn ở Biển Đông đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn để đạt được tham vọng trong giải quyết tranh chấp khiến cho tình hình ngày càng căng thẳng.

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc đặt trong điều kiện mới càng ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi lực lượng, tổ chức và toàn xã hội phải nêu cao trách nhiệm của mình. Quân đội với tư các là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc cần phải tỏ rõ vị trí tiên phong trên mọi hoạt động, trong đó có hoạt động TTĐN bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhằm góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên biển./.

Đại tá, Ts Phạm Hồng Binh (Học viện Hải Quân)