28/03/2024 lúc 21:43 (GMT+7)
Breaking News

Tung cánh hòa bình

VNHN -  Mưa lâm phâm trong xạc xào heo may cuối mùa, báo hiệu mùa xuân đang đến. Những dòng người từ sông nước Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung đến châu thổ sông Hồng… nối nhau viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) nhân kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

VNHN -  Mưa lâm phâm trong xạc xào heo may cuối mùa, báo hiệu mùa xuân đang đến. Những dòng người từ sông nước Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung đến châu thổ sông Hồng… nối nhau viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) nhân kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Ảnh minh họa 

Hoa hồng, hoa cúc, hoa ban… rải đầy các ngôi mộ. Hương khói tỏa bay trong những giọt lệ trên má các cựu chiến binh và lớp người trẻ tuổi, nhiều người ra đời sau khi kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Tại đây, có 3 thế hệ liệt sĩ ở nhiều vùng quê cả nước qua các cuộc chiến đấu đang an nghỉ. Nhìn những tấm bia khắc trên mộ chí, nhiều anh, chị ngã xuống ở tuổi mười tám, đôi mươi, tự nguyện rời ghế giảng đường nhập ngũ, thấm vào máu câu thơ của Chế Lan Viên: Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi căn nhà, ngọn núi, con sông. Bỗng tôi nhớ đến lá thư đặc biệt viết bằng 112 câu thơ của mẹ Nguyễn Thị Đào ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) động viên người con trai độc nhất của mình là Vũ Đức Tuấn, đang chiến đấu ở biên giới phía Bắc, tháng 2/1979.

Đoạn cuối lá thư, mẹ Đào còn động viên cả cán bộ, chiến sĩ của con: Chắc tay súng giữ lấy đất trời/ Khi có lệnh sẵn sàng chiến đấu… Và: Vui vui lên cho thế hệ ngày mai/ Lứa tuổi non, vui khỏe, đời dài. Vâng, thưa mẹ kính yêu, hôm nay “lứa tuổi non” ấy đang đứng hàng dài trước các ngôi mộ, với lòng thành kính và sự xúc động tận tâm can, bày tỏ lòng tri ân các thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống để giữ vững biên cương, đất trời, hải đảo của Tổ quốc; để Việt Nam hôm nay thuộc nhóm nước “rồng bay”, đang hội nhập sâu rộng vào thế giới sôi động.

Còn đó, những điểm cao 685, 300, 400; các đồi Chuối, đồi Đài, đồi Cô Ích… từng diễn ra những trận đánh quyết liệt giành giật từng tấc đất, từng mỏm đá, từng ngọn cây. Còn đây, những hang đá bị pháo đánh sập, vùi trong đó không ít xương cốt người lính. Tôi không cầm được nước mắt khi đọc hàng chữ khắc trên vách đá: 9/3/1985 - ngày hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sĩ một đơn vị đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời". Cũng như ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tôi hòa trong dòng người lên thăm Khu tưởng niệm ở điểm cao 468 - một trong những nơi diễn ra các trận chiến đấu máu lửa kéo dài. Tôi đứng lặng hồi lâu ngắm nhìn các cánh rừng, vách đá, khe núi, thung lũng bao quanh; ở đó hẳn còn nhiều hài cốt liệt sĩ cần sớm được kiếm tìm, quy tập.

Đứng mặc niệm trước bàn thờ liệt sĩ, tôi rưng rưng khi nhớ dòng chữ trên bức hoành phi: Sống trên đá, chết hóa đá, thành bất tử. Khóe mắt nhiều người rơi lệ khi đọc lá đơn viết tay ngày 19/2/1979 của Phạm Quang Thành, lúc đó là sinh viên năm thứ nhất Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, gửi các thủ trưởng trong đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có đoạn: Tôi không thể ngồi yên học hành khi các đồng bào và đồng chí của tôi đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Tôi đã làm đơn xin đi chiến đấu, nhưng vì tôi là một người lính đã trở về trường học tập, nên việc xin nhập ngũ là rất khó. Chính vì vậy tôi đã đi từ Hà Nội lên đây và sẽ xin vào công tác ở bất cứ đơn vị nào…

Anh chưa kịp thực hiện trọn vẹn lời tâm huyết ấy thì chỉ sau mấy tiếng đồng hồ làm quen với đồng đội, anh đã bị trúng đạn với cây súng trên tay và bộ quần áo sinh viên trên người! Vậy đó, nội hàm cụ thể của các cặp phạm trù về hòa bình và chiến tranh; hy sinh và hưởng thụ; vinh dự và trách nhiệm… của lớp trẻ được sinh thành và lớn lên trên đất nước đã có mấy ngàn năm lịch sử này, ngày càng tìm được lời giải đúng; từ đó định hướng về lẽ sống và niềm tin thông qua những trang sử hào hùng xen lẫn bi tráng của dân tộc Việt Nam ta…

Trên đường từ cao điểm 468 về thành phố, tôi bắt gặp những đoàn xe tải ngược xuôi chở hàng xuất khẩu và nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, trên đất Vị Xuyên. Ta xuất sang Trung Quốc nhiều loại nông sản, quặng Antimon… nhập về than cốc, máy móc, thiết bị phục vụ các dự án xây dựng… với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Giang là hơn 384 triệu USD. Tôi dừng lại ở trung tâm xã Thanh Thủy, nơi cách đây 40 năm là mảnh đất hoang tàn vì đạn pháo, nay cây cối tươi xanh, nhà cao tầng san sát, đủ các cửa hàng, cửa hiệu. Nhiều chương trình hợp tác đầu tư, giao lưu văn hóa được ký kết giữa các xã biên giới của huyện Vị Xuyên, Việt Nam với các hương, trấn của huyện Malypho, Trung Quốc, đang phát huy hiệu quả nhiều mặt, đồng thời là nhịp cầu kết nối hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc Việt -Trung trong thời kỳ mới.

Trong cuộc trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, tôi phấn chấn trước những tin vui của huyện Vị Xuyên đang chuyển mình mạnh mẽ trong tái cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Cam, chè, dứa, mía… đang trải rộng màu xanh trên các vùng đồi. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới; mô hình trồng cây dược liệu; chương trình mạ khay, máy cấy… đang từng bước cho kết quả khả quan, góp phần quan trọng đưa sản lượng lúa lên gần 38.000 tấn/năm và hơn 18.000 tấn ngô/năm. Nhiều đoàn khách du lịch thập phương đến thăm chùa Sùng Khánh, đền Cầu Má, Nậm Dầu, suối khoáng Thượng Sơn, suối nước nóng Quảng Ngân, hồ Noong, rừng nguyên sinh Tân Minh…

Xuân về, các lễ hội diễn ra náo nức ở nhiều thôn, bản: Lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) của dân tộc Tày, Nùng; lễ hội Gioóng boọc (xuống đồng) của dân tộc Giáy, hội Gàu táo (đi chơi núi) của người Mông; tết Giàng chảo đao của người Dao… Chiều xuống, những làn điệu dân ca trữ tình của các dân tộc Tày, Nùng như: Then, cọi, lượn, sli… vang hòa cùng âm thanh đàn tính, kèn lá, đàn môi, sáo trúc, trống, xoèng… thu hút đông đảo già, trẻ, gái, trai.

Có cuộc sống yên bình, tươi vui hôm nay, người Vị Xuyên nói riêng và Hà Giang nói chung đã và đang góp công góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương, tri ân các gia đình liệt sĩ, tu bổ và tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, trao nhiều ngôi nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên được nâng cấp khang trang; cây bóng mát và nhiều loài hoa được trồng thêm, tăng độ râm mát và tỏa hương đa sắc, ru giấc ngủ an lành, vĩnh cửu của các liệt sĩ nơi đây… Trên đường về Hà Nội, tôi đi qua một trường học mầm non vang vang tiếng hát trẻ thơ: Bay lên nào, em bay lên nào! ...Trái đất này là của chúng mình... Bồ câu ơi hãy cùng tung cánh!...

Tung cánh hòa bình, loại bỏ chiến tranh, bền bỉ “xây dựng nền thái bình muôn thuở” - như khát vọng ngàn đời của dân tộc. Hôm nay và mai sau, khát vọng ấy vẫn tuôn trào trong mỗi người dân đất Việt!

Theo Qdnd.vn