25/04/2024 lúc 12:40 (GMT+7)
Breaking News

Tư nhân hóa dịch vụ công: Nhiều thách thức cả về lý luận và thực tiễn

VNHN - Tư nhân hóa việc cung ứng dịch vụ công tạo điều kiện để công dân được cung cấp dịch vụ với chất lượng cao hơn, chi phí thấp hơn và nhiều lựa chọn hơn; đồng thời giúp chính phủ tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả.

VNHN - Tư nhân hóa việc cung ứng dịch vụ công tạo điều kiện để công dân được cung cấp dịch vụ với chất lượng cao hơn, chi phí thấp hơn và nhiều lựa chọn hơn; đồng thời giúp chính phủ tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả.

Ảnh minh họa

Tư nhân hóa không phải lúc nào cũng hiệu quả

Từ hơn 50 năm qua, xu hướng tư nhân hóa dịch vụ công đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, trong nhiều lĩnh vực. Tại Mỹ, số liệu khảo sát giai đoạn 2002 – 2007 cho thấy, các lĩnh vực được tư nhân hóa nhiều nhất là: thu gom xử lý rác thải, quản lý phương tiện giao thông, bệnh viện, cung cấp điện, các chương trình kiểm soát ma túy, dịch vụ cấp cứu y tế. 

Trong nhiều trường hợp, việc tư nhân hóa các dịch vụ công ở Mỹ được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí, tăng cường hiệu quả. Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác, việc tư nhân hóa cũng được cho là không hiệu quả. Chẳng hạn, thành phố Atlanta đã hủy hợp đồng 20 năm với tư nhân để vận hành hệ thống nước uống của thành phố, do nước nhiễm bẩn và dịch vụ kém. Hay khi Chicago bán dịch vụ vận hành đỗ xe cho tư nhân đã làm giảm du khách do phí đỗ xe tăng cao…

Ở Trung Quốc, quá trình tư nhân hóa việc cung cấp dịch vụ công cũng cho thấy nhiều vấn đề cần phải nhìn lại. Giai đoạn 2002 – 2007, nước này xây dựng một hệ thống dịch vụ công mới, với việc đa dạng hóa các chủ thể và phương thức cung cấp dịch vụ, bao gồm đẩy mạnh thị trường hóa và sự tham gia của các tổ chức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự tham gia của khu vực tư nhân vào thị trường dịch vụ công giảm mạnh. Cùng với đó, một số địa phương có xu hướng tái đảm nhiệm các dịch vụ trước đó đã tư nhân hóa hoặc thuê ngoài. Nhiều trường học, bệnh viện tư, cầu đường… được chính quyền mua lại. Mặc dù việc thị trường hóa và đa dạng hóa vẫn được thực hiện nhưng chính quyền các cấp có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào cung cấp dịch vụ công. 

Trong lĩnh vực giáo dục, năm 1993, Trung Quốc khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức xã hội, công dân thành lập các trường học. Đồng thời, nhiều trường học công bắt đầu tư nhân hóa và thị trường hóa. Các trường vẫn thuộc sở hữu nhà nước nhưng do tư nhân quản lý, khiến nguồn tài chính từ khu vực ngoài nước tăng lên, các trường đạt mức tự chủ cao. Tuy nhiên, sau đó việc các trường công danh tiếng mở thêm trường mới đã bị chỉ trích do lạm dụng chính sách. Năm 2006, chính phủ Trung Quốc đã sửa đổi luật, không cho phép thay đổi bản chất công của trường công lập và đóng cửa một số trường chuyển đổi. 

Có cơ chế giám sát cung cấp dịch vụ công sau cổ phần hóa

Theo bà Nguyễn Thị Lê Thu - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), từ lý thuyết và thực tiễn kinh nghiệm tư nhân hóa ở một số nước, có thể đưa ra một số gợi ý cho việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP) ở Việt Nam. Về phạm vi, việc chuyển đổi thành CTCP nên thực hiện đối với các ĐVSNCL cung cấp dịch vụ hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân và người dân sẵn sàng bỏ tiền mua. Sản phẩm dịch vụ mà các ĐVSNCL cung cấp không phải là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần đảm bảo quyền tiếp cận của người dân.

Để chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP, trước tiên cần xây dựng khung pháp lý, trong đó quy định rõ cơ chế tài chính, quyền sở hữu, việc xử lý tài sản, quyền sử dụng đất, cơ chế quản lý, giám sát của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đối với người lao động sau khi chuyển đổi. Đồng thời, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để các ĐVSNCL và người lao động hiểu rõ chủ trương, chính sách. Nhà nước không cắt ngân sách cho việc cung cấp dịch vụ công mà chuyển từ cơ chế cấp ngân sách để cung cấp dịch vụ công sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, mua dịch vụ công từ các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau, trong đó có các ĐVSNCL được chuyển đổi thành CTCP. 

Để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ công khi chuyển đổi các ĐVSNCL thành CTCP, Nhà nước cần ban hành các tiêu chuẩn về dịch vụ cung cấp, giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn đó và có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm. Đối với một số dịch vụ công cơ bản, thiết yếu như giáo dục đại học, thu gom và xử lý rác thải, phương tiện công cộng…, sau khi chuyển thành CTCP, Nhà nước cần quản lý giá để đảm bảo quyền tiếp cận của người dân. 

Việc chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP cần được thực hiện theo lộ trình và gắn với việc thực hiện cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL. Trước hết, việc chuyển đổi cần được thực hiện với các đơn vị đã tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên, sau đó đối với các đơn vị khác theo lộ trình tự chủ đã được phê duyệt. 

Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định về chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP phù hợp với mặt bằng pháp luật hiện hành và thực tiễn, thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh - Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, hiện dự thảo đề xuất 9 nhóm chính sách lớn về chuyển đổi ĐVSNCL trong giai đoạn tới. Theo đó, mở rộng đối tượng chuyển đổi tới các đơn vị thuộc quận, huyện, thị xã và vận dụng áp dụng với ĐVSNCL thuộc các tổ chức chính trị xã hội; bổ sung hình thức bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. 

Tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) sau chuyển đổi phù hợp với tầm quan trọng của từng lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công. Về chính sách ưu đãi, khuyến khích, ĐVSNCL sẽ được ưu đãi như DN thành lập mới; theo đó sẽ có ưu đãi về ngành nghề, về địa bàn; được ưu đãi xã hội hóa theo quy định được Nhà nước đặt hàng để cung cấp dịch vụ công…

Về quản lý giám sát sau cổ phần hóa, sẽ có bộ quản lý về dịch vụ công để chủ trì giám sát tình hình cung cấp dịch vụ công sau cổ phần hóa. Địa phương phối hợp với bộ, ngành giám sát tình hình cung cấp dịch vụ, chủ trì giám sát tình hình sử dụng đất.

Việc chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP cần được thực hiện theo lộ trình và gắn với việc thực hiện cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL. Trước hết, việc chuyển đổi cần được thực hiện với các đơn vị đã tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên, sau đó đối với các đơn vị khác theo lộ trình tự chủ đã được phê duyệt. 

Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định về chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP phù hợp với mặt bằng pháp luật hiện hành và thực tiễn, thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.