23/04/2024 lúc 17:34 (GMT+7)
Breaking News

Tự hào và tin tưởng về sự đi lên của nền kinh tế Việt Nam

VNHN - Kinh tế Việt Nam 2019 có sự phát triển nhanh và bền vững – là nhận xét của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khi nói về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Và chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng về sự đi lên của nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều băn khoăn thách thức.

VNHN - Kinh tế Việt Nam 2019 có sự phát triển nhanh và bền vững – là nhận xét của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khi nói về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Và chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng về sự đi lên của nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều băn khoăn thách thức.


Ảnh minh họa

Đi lên từ ổn định

Năm 2020 là năm bản lề kết thúc chu kỳ 5 năm với mức tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6,84%/năm (đạt mục tiêu 6,5-7% của Kế hoạch 2016-2020 đã đề ra), đồng thời tạo đà cho chu kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030.

Thách thức lớn nhất trong kinh tế của Việt Nam năm 2020 và trong những năm tiếp theo là cần phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Trong bài viết với chủ đề: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn thuộc top đầu các nước trong khu vực và thế giới, mức sống và chất lượng sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, sức mạnh tổng hợp quốc gia được tăng cường, tạo thế và lực mới đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng”.

Trong một ấn bản bổ sung của báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giảm dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm nay và năm sau, trong đó, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ được dự báo sẽ giảm sút do cả các yếu tố trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với Việt Nam, cơ quan quốc tế này lại điều chỉnh mức tăng trưởng tăng từ 6,8% trong báo cáo cũ lên 6,9% trong năm 2019, điều chỉnh tăng từ 6,7% lên 6,8% tốc độ tăng trưởng trong năm 2020. Theo ADB, Việt Nam có sự tăng trưởng cao nhờ vào môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Với các chuyên gia trong nước thì khu vực kinh tế tư nhân đang nổi lên là động lực chính cho tăng trưởng, khi chiếm vị trí lớn trong kim ngạch xuất khẩu, thậm chí, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét, đầu tư của khu vực tư nhân đang chiếm tỷ trọng cao và liên tục gia tăng, tốc độ tăng đầu tư gấp khá nhiều lần so với đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, điều này đã và đang tạo động lực cho đầu tư toàn xã hội. Theo ông Cung, những thành quả này là do kinh tế vĩ mô luôn được Chính phủ duy trì ổn định, tăng niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hơn nữa, Chính phủ đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm giảm rào cản gia nhập thị trường và giảm chi phí cho doanh nghiệp, năng suất lao động cũng được hỗ trợ tăng lên để thêm lực đẩy cho kinh tế vĩ mô.

Bước tiến phải vững vàng

Trong năm 2019, cả nước đã nhận tin vui khi chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng 10 bậc lên vị trí 67, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới, trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng về năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, nhìn rộng ra nhiều chỉ số khác thì chúng ta vẫn còn ít nhiều hạn chế, như chỉ số năng suất lao động còn thấp, số lượng doanh nghiệp giải thể còn cao, tốc độ tăng trưởng chưa vượt qua bẫy thu nhập trung bình… Thậm chí, một báo cáo của trường Đại học Kinh tế quốc dân còn chỉ ra, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6%/năm và 7-8%/năm, Việt Nam gần như không có cơ hội đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực vào năm 2045.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho biết, so với các nước tăng trưởng thấp, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là rất khá, nhưng so với chính chúng ta và tổng thể thì rõ ràng là không tốt. Trong nội tại nền kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, doanh nghiệp nhà nước chững lại, cổ phần hóa chậm… chưa kể sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu cũng kéo giảm khả năng đầu tư cũng như nhu cầu nhập khẩu. Tuy vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực nên Quốc hội mới thông qua các mục tiêu năm 2020 với tăng trưởng 6,8%, lạm phát dưới 4%, tăng trưởng xuất khẩu 7%. Ngoài ra, áp lực của chính sách tiền tệ không cao, lạm phát thấp sẽ khiến ngành ngân hàng có nhiều dư địa hạ lãi suất, hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế.

Rõ ràng, nền kinh tế chúng ta đứng trước thời cơ và vận hội mới, song thách thức không hề nhỏ. Do vậy, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, nhất là đẩy mạnh cải cách để giải phóng tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, cả nguồn lực vật chất và tinh thần, nguồn lực trong nước và quốc tế để đưa đất nước tiến lên./.