20/04/2024 lúc 04:26 (GMT+7)
Breaking News

TTND.PGS.TS.BSCC. Trần Trọng Hải: Trân quý một chặng đường vinh quang

VNHN - Nhắc đến ông là nhắc đến hình ảnh người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành của ngành y tế. Buổi gặp gỡ, trò chuyện thân tình cùng ông đã giúp tôi thêm hiểu, cảm nhận và khâm phục những đóng góp đậm sâu của ông trong công tác khám chữa bệnh, NCKH cũng như với sự nghiệp đào tạo đội ngũ y bác sỹ kế cận của nền y học nước nhà, đặc biệt là cho chuyên ngành Phục hồi Chức năng Việt Nam Ông là TTND.PGS.TS.BSCC. Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, thành viên Viện

VNHN -  Nhắc đến ông là nhắc đến hình ảnh người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành của ngành y tế. Buổi gặp gỡ, trò chuyện thân tình cùng ông đã giúp tôi thêm hiểu, cảm nhận và khâm phục những đóng góp đậm sâu của ông trong công tác khám chữa bệnh, NCKH cũng như với sự nghiệp đào tạo đội ngũ y bác sỹ kế cận của nền y học nước nhà, đặc biệt là cho chuyên ngành Phục hồi Chức năng Việt Nam Ông là TTND.PGS.TS.BSCC. Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học New York.

PV: Chào Ông, cơ duyên nào đã đưa ông đến và gắn bó sự nghiệp mình với nghề y thầm lặng mà cao quý ?

Từ những năm 1965, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cũng là lúc đất nước còn chìm trong bom đạn chiến tranh, tôi đã tình nguyện đi bộ đội. Tuy nhiên, vì sức khỏe không đảm bảo nên tôi tiếp tục công việc học tập của mình. Lúc đó cũng là khi Tp. Hải Phòng có công văn cử sinh viên theo học nước ngoài, và với những thành tích nổi bật trong học tập, tôi được Nhà nước cử đi du học tại Bungari, sau đó là Hà Lan và Thụy Điển. Đến năm 1973, sau khi tốt nghiệp bằng bác sỹ đa khoa xuất sắc, tôi được giữ lại thực tập sau ĐH tại Viện Hàn lâm Y học Sophia, Bulgaria. Năm 1975, tôi về nước công tác tại Khoa Phục hồi chức năng(PHCN) của Viện Bảo vệ sức khoẻ trẻ em (nay là Viện Nhi quốc gia). Và từ đó đến ngày nghỉ hưu, tôi vẫn thầm lặng làm việc, cống hiến cho ngành phục hồi chức năng của đất nước.

 PV: Những năm qua, ngành PHCN đã được nhiều thành tích nổi bật trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Mong ông có thể chia sẻ thêm cùng chúng tôi về những đóng góp của mình trong thành công chung đó?

Nhìn lại chặng đường sự nghiệp đã qua, năm 1980, với những thành tích nổi bật trong công tác chuyên môn, nghiên cứu, tôi là Trưởng khoa Vật lý trị liệu của Bệnh viện Nhi Thụy Điển. Nơi đây, tôi đã phát triển một Trung tâm PHCN nhi khoa cho cả nước, điều trị thành công cho hàng ngàn người khuyết tật. Song song với việc đi vào thực tế của từng địa phương, từng người bệnh, tôi tăng cường dịch sách về PHCN của các nước đang phát triển để tặng miễn phí cho người nhà bệnh nhân. Đến năm 1987, với sự hỗ trợ của Tổ chức Radda Barnen - Thụy Điển và của Ban Giám đốc Viện Nhi Quốc gia, tôi đã cùng với Ban chủ nhiệm chương trình PHCN- Bộ Y tế, đề xuất và triển khai chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tại Việt Nam. Lần đầu tiên người khuyết tật tại Việt Nam được hưởng dịch vụ PHCN tại nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Những phát hiện này được báo cáo lên Bộ Y tế, và Bộ đã ra hàng loạt quyết định thành lập các bộ môn PHCN tại các trường ĐH và THCN, cũng như thành lập các khoa PHCN tại bệnh viện tuyến tỉnh. Trường ĐH Y tế Cộng đồng, nơi tôi công tác, đã xây dựng bộ môn PHCN dựa vào cộng đồng và đã góp phần tạo ra một bước đột phá mạnh mẽ để phát triển ngành PHCN Việt Nam. Bộ Y tế cũng xem đây là chiến lược lớn để giải quyết vấn đề khuyết tật ở Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, từ năm 2008, sau những chuyến đi đến mọi miền quê trên Tổ quốc, tôi nhận thấy rằng, cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ tiến hành với 80 triệu lít chất hóa học được rải xuống, trong đó có khoảng 400kg dioxin đã khiến cho khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm dioxin, 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. Chính vì nỗi đau ấy, tôi đã xin thành lập dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Dự án này được Bộ Y tế phê duyệt và triển khai tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và được thực hiện trong 5 năm 2008- 2013 và giai đoạn 2 từ năm 2014 - 2016. Đây là dự án mang tính xã hội và nhân văn cao, góp phần trực tiếp giải quyết hậu quả chất độc hóa học/dioxin lên sức khỏe con người. Đối tượng của dự án là những người có công tham gia kháng chiến và người thân trong gia đình họ bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Mục tiêu của Dự án là nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân chất độc hóa học hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp can thiệp phẫu thuật, phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp, chuyển giao kiến thức về phục hồi chức năng (PHCN), đề xuất chỉnh sửa và bổ sung văn bản pháp quy về PHCN cho nạn nhân và gia đình nạn nhân và xây dựng mô hình phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Dự án cũng góp phần tăng cường năng lực chuyên môn và quản lý dịch vụ PHCN tại các cơ sở đào tạo về PHCN.

TTND.PGS.TS Trần Trọng Hải và Ban chấp hành Hội Phục hồi Chức năng Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế về khoa học công nghệ và giải pháp tăng cường công tác phục hồi chức năng tháng 9-2019

PV: Trên cương vị là Chủ tịch Hội PHCN, ông có thể cho chúng tôi được biết thêm về dấu ấn của ông trong những thành tích nổi bật mà Hội đạt được những năm qua ?

Như các bạn đã biết, hiện nay, Hội PHCN Việt Nam đã khẳng định được vị trí và vai trò không thể thiếu trong hệ thống tổ chức của Ngành y tế đất nước, cũng như trong công tác Phục hồi chức năng, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là với người bệnh và người khuyết tật. Hội đã góp phần xây dựng và phát triển màng lưới PHCN vững chắc, rộng khắp trên cả nước với 100 % Bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ Y tế và 90 % BV tuyến tỉnh/ Tp đã có khoa PHCN, cả nước có trên 40 BV PHCN trực thuộc Bộ Y tế hay trực thuộc các tỉnh và một số Bộ/ Ngành, từ đó đã giúp cho hàng triệu người khuyết tật được PHCN và trở lại hòa nhập với cuộc sống của gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, Hội đã xây dựng và phát triển đầy đủ các chuyên ngành sâu của PHCN như Vật lý trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Hoạt động trị liệu, Tâm lý trị liệu, Dụng cụ chỉnh hình… để ngành PHCN có thể phát triển một cách đồng đều và vững chắc. Nhiều cơ sở PHCN các tuyến từ TƯ đến địa phương đã phát triển nhiều kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến của ngành PHCN thế giới như kỹ thuật tập luyện mô phỏng trên hệ thống robot, kỹ thuật tập luyện trên máy tích hợp, kỹ thuật lượng giá và tập luyện thăng bằng, kỹ thuật điều trị bằng sóng xung kích, laser, từ trường…Trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận, Hội cũng đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Ngành PHCN đã có nhiều bộ môn PHCN tại các trường ĐH, CĐ y tế trên khắp cả nước như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Huế, ĐH Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Y tế Công cộng, HVQY… toàn ngành đã đào tạo và tự đào tạo được hàng nghìn cán bộ có trình độ chuyên môn cao, với 12 GS/ PGS, hàng chục TS, ThS, hơn 200 BSCK I, II và hơn 600 kỹ thuật viên Vật lý trị liệu, với nhiều người là TTND, TTƯT. Hội hiện nay có hơn 3000 hội viên và hơn 40 ngàn CTV PHCNDVCĐ trên khắp mọi miền tổ quốc. Bên cạnh đó, Hội còn tích cực tham gia vào các hoạt động phản biện xã hội và công tác của Tổng hội Y học Việt Nam, như việc tư vấn cho Bộ Y tế xây dựng các chính sách phát triển ngành PHCN, hay đề xuất đối với việc xây dựng Pháp lệnh người tàn tật, Luật người khuyết tật… Đặc biệt, vừa qua, trong thời điểm đất nước phải đối phó với đại dịch COVID - 19, Hội PHCN đã đưa ra bộ tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng điều trị cho bệnh nhân COVID – 19 để triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng bộ tài liệu này để điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân 91 - phi công người Anh và đến giờ đã đạt được những hiệu quả nhất định trong hành trình hồi phục của BN.

Không chỉ trong nước, Hội PHCNVN cũng là thành viên của Hội PHCN Quốc tế (RI), thành viên của Mạng lưới PHCN dựa vào cộng đồng khu vực châu Á - TBD (CBR AP network). Với công tác NCKH, Hội đã chủ trì thực hiện 1 đề tài NCKH cấp NN, 6 đề tài cấp Bộ, nhiều đề tài cấp cơ sở, xuất bản hơn 50 đầu sách với hàng vạn cuốn về PHCN. Ghi nhận những thành tựu nổi bật của Hội PHCN Việt Nam, Nhà nước, Bộ Y tế đã trao tặng Hội nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015. Riêng cá nhân tôi, với những đóng góp của mình, tôi đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ Y tế trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen cao quý. Đặc biệt, trong ngày 26/12/2019, tôi đã được Tổng Hội Y học Việt Nam tôn vinh là Trí thức Tiêu biểu của Tổng Hội lần thứ Nhất.

PV: Trân trọng cám ơn Ông vì cuộc trò chuyện vô cùng ý nghĩa !