29/03/2024 lúc 21:09 (GMT+7)
Breaking News

TTND.PGS.TS Vũ Điện Biên - Những dấu son tự hào

VNHN - Triển khai thực hiện chương trình tuyên truyền về chân dung, điển hình người thầy thuốc, nhà khoa học tiêu biểu ngành y tế, tôi có dịp trò chuyện cùng Ông - người Thầy thuốc Quân y đã đóng góp, cống hiến vẹn tâm sức mình cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Xuyên suốt chặng đường hơn 40 năm gắn bó với công tác y tế quân đội, trải qua bao khó khăn, thử thách, Đại tá, PGS.TS.TTND. Vũ Điện Biên - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luôn lấy tấm gư

VNHN - Triển khai thực hiện chương trình tuyên truyền về chân dung, điển hình người thầy thuốc, nhà khoa học tiêu biểu ngành y tế, tôi có dịp trò chuyện cùng Ông - người Thầy thuốc Quân y đã đóng góp, cống hiến vẹn tâm sức mình cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Xuyên suốt chặng đường hơn 40 năm gắn bó với công tác y tế quân đội, trải qua bao khó khăn, thử thách, Đại tá, PGS.TS.TTND. Vũ Điện Biên - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luôn lấy tấm gương của cha mình là BS. Vũ Văn Cẩn - nguyên Cục trưởng Cục Quân y đầu tiên để học tập, phấn đấu.

PV: Chào ông, mong ông có thể chia sẻ cùng chúng tôi những khó khăn, thử thách và nỗi niềm vất vả trong những năm tháng đầu tiên gắn bó với nghề y thầm lặng mà cao quý ?

TTND.PGS.TS Vũ Điện Biên: Tôi tốt nghiệp ĐH Quân y (sau này là Học viện Quân y) năm 1978. Ban đầu, như hầu hết các bạn cùng trang lứa, chúng tôi đều mong ước được ra chiến trường phục vụ chiến đấu tại biên giới. Trước khi tốt nghiệp, ai cũng viết đơn tình nguyện đi chiến đấu. Nhưng cuối cùng, theo phân công của Cục Cán bộ, chúng tôi lần lượt chia tay nhau về các đơn vị. Tôi được cử về công tác tại Khoa A2: Khoa Tim-thận-khớp-nội tiết của Viện Quân y 108, nay là Bệnh viện TƯQĐ 108. Những ngày đầu về công tác, Khoa A2 không có nhiều bác sĩ. Tôi nhớ chỉ khoảng 5-6 bác sĩ. Những bác sĩ mới ra trường như chúng tôi thời gian này chủ yếu là làm bệnh án, đi thăm khám bệnh nhân chứ chưa được phép trực chuyên môn. Chủ nhiệm Khoa A2 lúc bấy giờ là BS. Phạm Văn Cự nói với tôi: “Bước đầu cậu cứ làm những việc chuyên môn thế này đi đã, còn trực được chắc phải vài tháng đi thực hành thế này. Nhanh cũng phải 6 tháng nhé”. Tuy nhiên, tình hình thực tế có thay đổi bất ngờ. Do điều kiện chiến trường biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp, một bác sĩ chính của khoa được cử sang Cam-pu-chia, một bác sĩ thì được điều sang phòng khám. Trong khi 4 bác sĩ chính còn lại thì hai người đã lớn tuổi đang chờ sắp xếp để về nghỉ theo chế độ. Số bác sĩ trực của khoa bị hụt đi mất phân nửa, lịch trực dày đặc. Vậy là khoa quyết định cho tôi vào trực luôn chỉ sau một tháng về làm việc. Tôi thực sự “choáng”. Không biết mình sẽ phải làm thế nào vì tất cả mọi người đều có bước đệm, còn tôi thì không. Nhưng rồi khó mấy cũng qua khi người ta cố gắng học tập, tích lũy. Trong những phiên trực đầu của mình, tôi đã gặp không ít ca cấp cứu khó. Tôi phải kết hợp thực tế trong lúc thăm khám bệnh nhân, vận dụng các kiến thức được học ở trường cũng như tìm đọc, nghiên cứu tài liệu để có thể ứng biến với các trường hợp. Cũng may hồi đó, bệnh viện có cơ cấu trực kết hợp giữa các khoa chuyên môn với nhau nên chúng tôi đã hiệp đồng rất tốt trong điều trị. Về sau này nghĩ lại, tôi cũng phải thừa nhận, có những ca bệnh mình may mắn xử trí đúng theo những gì được dạy nên cấp cứu ổn.

   PV: Để có một TTND.PGS.TS Vũ Điện Biên như hôm nay, hẳn là ngày đó ông đã trải qua nhiều kỷ niệm, dấu ấn đáng nhớ, mong ông có thể cho chúng tôi biết thêm ?

TTND.PGS.TS Vũ Điện Biên: Nhớ lại hồi ấy, do bệnh viện thiếu người, tôi liên tục trực cách ngày một buổi. Còn trẻ, lại yêu nghề nên trực như vậy với tôi “chả đáng gì”. Tôi vắng nhà đều đặn và thường xuyên đến nỗi mẹ tôi phàn nàn rằng “nhà tôi như cái nhà trọ”. Dù bận bịu vậy nhưng tôi cũng phải cảm ơn khoảng thời gian quý giá ấy. Tôi có cơ hội tiếp xúc với các ca bệnh khác nhau nên tích cóp được nhiều kinh nghiệm. Ngẫm lại, không có những buổi trực như vậy, hẳn tôi sẽ không có nhiều trải nghiệm thực tế để tích lũy kiến thức y khoa phục vụ công tác sau này. Tất nhiên để hoàn thành nhiệm vụ, tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của đồng chí, đồng nghiệp. Trong đó phải kể đến sự chỉ bảo tận tình của Giáo sư, Chủ nhiệm Khoa A2 Phạm Văn Cự và GS.AHLLVTND, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doãn - nguyên Phó giám đốc bệnh viện. Hai ông là những bậc thầy về lâm sàng, rất tỉ mỉ và tư duy uyên bác. Cái thời cách đây mấy chục năm, việc khám, chữa bệnh của các y sĩ, bác sĩ chưa được khoa học kỹ thuật hỗ trợ nhiều như bây giờ, thì một bác sĩ giỏi lâm sàng và kinh nghiệm thực tế có vai trò quyết định trong điều trị cho người bệnh. Vì vậy, những kiến thức mà các thầy dạy cho tôi vô cùng quý giá. “Phải nhớ và làm đúng những thao tác căn bản của người bác sĩ, thăm khám, tư duy mà không tốt sẽ đi theo một hướng khác...” là những lời dặn mà tôi không bao giờ quên. Thêm một kỷ niệm nữa mà tôi muốn chia sẻ là khi về bệnh viện làm việc được khoảng đôi ba năm, khoảng năm 1981-1982, khi Việt Nam còn nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia, bác sĩ của Liên Xô (trước đây) và các nước Đông Âu. Có đoàn bác sĩ sang hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng một số thiết bị y tế mà bạn tài trợ cho Việt Nam. Một bác sĩ trong đoàn, do khá lâu nên tôi không nhớ họ của anh mà chỉ nhớ tên là Bô-rít (Boris), nói với tôi: Anh là bác sĩ trẻ, tất cả những bệnh nhân của anh, cả lâm sàng và hội chẩn đều nên ghi vào cuốn sổ tay để sau còn đọc, kiểm tra lại. Tôi đã làm theo anh và thấy rất hữu ích. Cho đến tận bây giờ, hơn 40 năm gắn bó với công tác y tế, dù có máy vi tính hiện đại hỗ trợ ghi chép tổng hợp, nhưng với tất cả những ca bệnh phụ trách, tôi đều cẩn thận ghi vào sổ. Mỗi lần thăm khám bệnh nhân xong, tôi ghi chép chi tiết rồi sau đó có thời gian tôi đọc lại, kiểm tra xem mình đã làm hết các thủ thuật cần thiết để điều trị chưa; bệnh nhân ra viện còn thiếu những hướng dẫn gì...

PV: Trải qua bao thăng trầm, nỗ lực và phấn đấu để đạt được những thành công đáng tự hào trong sự nghiệp, điều mà ông muốn nhắn nhủ với thế hệ y bác sỹ kế cận hiện nay là gì, thưa ông ?

TTND.PGS.TS Vũ Điện Biên: Tôi nhắc đến những kỷ niệm trên để mong các thế hệ sau chúng tôi biết rằng, cho dù trong tương lai, các bạn có được sự hỗ trợ rất nhiều của khoa học kỹ thuật nhưng sự tỉ mỉ, tìm tòi và chi tiết như những nhà khoa học luôn rất cần với mỗi bác sĩ. Những thành quả, công nghệ kỹ thuật hiện đại có thể hỗ trợ cho người thầy thuốc tốt hơn nhưng nên nhớ rằng, người bác sỹ vẫn luôn cần phải chủ động hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng bằng những kỹ năng kinh điển của nghề y là “Nhìn, Sờ, Gõ, Nghe” để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất cho việc điều trị. Bởi suy cho cùng, máy móc dù tốt đến mấy cũng không thể thay thế hoàn toàn và tuyệt đối cho con người. Đến bây giờ, khi đã nghỉ công tác, tôi vẫn nghĩ mãi về chặng đường mình đã đi qua và cảm nhận sâu sắc những lời dạy mà hồi thanh niên mình chưa ngấm hết. Được về làm việc tại Khoa A2 từ năm 1978, đến năm 1982 đi học NCS tại Hung-ga-ri, năm 1988 nhận tấm bằng Phó Tiến sĩ về nước... Tôi làm mọi công việc của một bác sĩ chuyên môn. Suốt cả quá trình ấy, tôi nghiệm ra một điều rằng, mình theo đuổi chuyên ngành nào thì phải kiên trì với nó, chỉ có kiên trì mới làm được việc. Tất nhiên, ngoài sự phấn đấu của bản thân, tôi còn có sự may mắn. Và may mắn lớn nhất của tôi chính là được làm việc ở Bệnh viện TƯQĐ 108 - một môi trường làm việc tốt, một tập thể có rất nhiều bác sĩ hỗ trợ lẫn nhau, nhiều chuyên khoa hỗ trợ lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng sự may mắn của mình, cũng như của tất cả các y sĩ, bác sĩ đã, đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ được chuyển hóa thành cơ hội tốt nhất để phát huy năng lực, phục vụ cho người bệnh.

 PV: Xin trân trọng cám ơn Ông vì cuộc trò chuyện vô cùng ý nghĩa, chúc Ông luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết để tiếp tục có những đóng góp, cống hiến cho Ngành Y tế nước nhà.