17/04/2024 lúc 05:06 (GMT+7)
Breaking News

Triển vọng kinh tế 2021: Việt Nam sẽ là “điểm sáng”

Nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang tiến dần về cuối chặng đường của năm 2020 với bao khó khăn, khi đại dịch COVID-19 bất ngờ xuất hiện và hoành hành, làm đảo lộn mọi mặt về đời sống, kinh tế, xã hội, con người.

Nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang tiến dần về cuối chặng đường của năm 2020 với bao khó khăn, khi đại dịch COVID-19 bất ngờ xuất hiện và hoành hành, làm đảo lộn mọi mặt về đời sống, kinh tế, xã hội, con người.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành kịp thời và bao phủ, các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội đã bước đầu phát huy tác dụng. Bên cạnh đó là khả năng chống chịu và sự đồng lòng người dân, cộng đồng doanh nghiệp đã giúp Việt Nam duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định và được thế giới đánh giá cao trong kiểm soát, đối phó đại dịch COVID-19.

Nhìn về năm 2021, nhiều chuyên gia đã đưa ra những dự báo lạc quan dựa trên những phân tích, đánh giá các yếu tố cơ bản cấu thành của nền kinh tế cũng như các chính sách kịp thời thể hiện quyết sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trải qua đại dịch COVID-19 cũng như mỗi khi đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn, có thể dễ dàng nhận thấy niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất dẫn tới những quyết sách đúng đắn để “chèo lái” con thuyền Việt Nam tiến về phía trước, với những con số ấn tượng.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Theo đó, các hoạt động sản xuất, cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng không, du lịch, lao động và việc làm bị đình trệ, gián đoạn. Doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Sau 10 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 41.800 doanh nghiệp, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019 và 13.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, như đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Kết quả, trong 10 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế xấp xỉ 3,8 triệu tỷ đồng và tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% và nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục là 20,1 tỷ USD.

Việc đẩy lùi được dịch bệnh cũng giúp Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài, điểm đến tiềm năng, an toàn cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư trên thế giới, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn trên thế giới.

Nhờ vậy, tính đến 20/11/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 26,43 tỷ USD.

Các chuyên gia nhận định trong ngắn hạn, trải qua những ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã kiểm chứng lại sức chịu đựng và khả năng thích nghi với tình hình mới, tự đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh, điểm mạnh-điểm yếu và lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở đó cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả và bền vững. Không thể phủ nhận, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng tạo ra thay đổi về nhu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ đồng thời đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng gia nhập các thị trường ngoài thị trường truyền thống.

Bên cạnh đó, các chính sách hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành chuỗi giá trị mới, đặc biệt cần tận dụng những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2020.

Với điểm tựa đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 với “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tự chủ, cạnh tranh và đặc biệt là phát triển mạnh thị trường trong nước. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Ba điểm tựa phục hồi nền kinh tế

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có tựa “Nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp những thách thức do COVID-19”, đã đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực và việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries nhận định tiêu dùng nội địa có sự giảm sút do nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

Báo cáo cập nhật (tháng 10/2020) của Ngân hàng thế giới (WB) cũng có cùng quan điểm trên và nhấn mạnh nhờ có nền tảng cơ bản tốt và nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát ở Việt Nam cũng như trên thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào năm 2021.

“Dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ hơn để giúp kinh tế phục hồi trong trung hạn, như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế số, nâng cao hiệu quả đầu tư công”, nhóm chuyên gia của WB kiến nghị.

Ngoài ra, các nhà phân tích của ADB cũng khuyến cáo những nguy cơ lớn là vẫn còn. Nếu đại dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài trên toàn cầu thì đây sẽ là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm tiếp theo. Thêm vào đó là những mối đe dọa thường trực khác, như sự căng thẳng thương mại toàn cầu làm gia tăng bảo hộ và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của ADB vẫn tin tưởng vào đà phục hồi của Việt Nam và đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 6,3% trong năm 2021.

Phân tích kỹ hơn điều này, tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, chỉ ra ba điểm tựa để phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam, mà trước hết là sản xuất và xuất khẩu. Đây cũng là động lực duy trì tăng trưởng dương cho nền kinh tế.

“Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới với các đối tác truyền thống sẽ tiếp tục là nền tảng tốt cho xuất khẩu Việt Nam trong năm 2021”, ông Thành nói.

Điểm tựa thứ hai, theo ông Thành đến từ lĩnh vực đầu tư công với nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh trên cơ sở điều hành quyết liệt của Chính phủ và khung khổ pháp lý rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, điểm tựa thứ ba từ nguồn lực đầu tư của khu vực tư nhân, trong đó đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ông Thành nhấn mạnh hiện nay, các chuỗi cung ứng có xu hướng dịch chuyển sang những quốc gia có chi phí thấp hơn và Việt Nam có nhiều khả năng được hưởng lợi từ đó. Bên cạnh đó, các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông-thuỷ sản, bán lẻ, du lịch, giải trí, y tế, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ, bất động sản, hạ tầng, khởi nghiệp sáng tạo… tiếp tục thu hút dòng đầu tư-kinh doanh trong năm 2021.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc tin tưởng và cho rằng Việt Nam duy trì được tăng trưởng dương đã là kỳ tích.

“Việt Nam đã thành công trong mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển sản xuất kinh doanh, đối với mục tiêu kinh tế cũng đạt cả ba yêu cầu ổn định, tăng trưởng và kết nối”, ông Lộc nói.

Trong bối cảnh đó, việc tận dụng các cơ hội đến từ những hiệp định thế hệ mới vừa được ký kết sẽ là động lực quan trọng để làm “đòn bẩy” cho tăng trưởng kinh tế./.