29/03/2024 lúc 20:50 (GMT+7)
Breaking News

Trách nhiệm pháp lý của nữ tài xế BMW gây tai nạn kinh hoàng như thế nào?

VNHNO - Tại Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thì lái xe có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017), với mức hình phạt tối đa có thể lên tới 15 năm tù tùy thuộc vào mức độ thiệt hại xảy ra (số người chết, tỷ lệ thương tích, thiệt hại về tài sản).

VNHNO - Tại Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thì lái xe có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017), với mức hình phạt tối đa có thể lên tới 15 năm tù tùy thuộc vào mức độ thiệt hại xảy ra (số người chết, tỷ lệ thương tích, thiệt hại về tài sản).

Vụ tai nạn khiến một người tử vong tại chỗ, nhiều người trọng thương, hư hỏng tài sản 

Trước đó, Việt Nam Hội nhập online đã thông tin, vào khoảng 23h đêm ngày 21/10, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM, phương tiện này đã tông hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ cùng 1 xe taxi chạy cùng chiều. Kết quả khiến một người tử vong tại chỗ, nhiều người trọng thương phải cấp cứu, tài sản bị hư hỏng nặng nề.

Đặc biệt, người lái xe được cho là đã sử dụng bia rượu trước khi lái xe, và kết quả đo được: 0,94 miligam/1 lít khí thở trong khi quy định người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở là đã vi phạm.

Theo đó, trước câu hỏi của nhiều đọc giả, về tránh nhiệm của lái xe trong những trường hợp như trên, PV có liên hệ với Luật sư Hoàng Văn Liêm – Công ty Luật TNHH SEC Việt Nam, để bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định của Nhà nước, Pháp luật đối với những sự việc đã nêu. 

Ý kiến của Luật sư Liêm như sau:

Liên quan đến vấn đề pháp lý trong vụ việc, trường hợp cơ quan điều tra xác định lái xe có hành vi không chấp hành đèn tín hiệu, vi phạm tốc độ, không đảm bảo khoảng cách an toàn đối với xe chạy trước hoặc có hành vi vi phạm Quy tắc giao thông đường bộ khác được quy định tại Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và với hậu quả nêu trên, thì lái xe có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017), với mức hình phạt tối đa có thể lên tới 15 năm tù tùy thuộc vào mức độ thiệt hại xảy ra (số người chết, tỷ lệ thương tích, thiệt hại về tài sản);

Khi đó cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ việc theo quy định của pháp luật do có dấu hiệu của tội phạm.

Nếu các thông tin về lái xe ôtô gây tai nạn có nồng độ cồn trong khí thở là chính xác thì đây là hành vi phạm điều cấm của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Khoản 8 Điều 8) mà không phụ thuộc vào nồng độ cồn là bao nhiêu.

Khi vụ án được khởi tố để xem xét trách nhiệm hình sự của lái xe, việc lái xe ô tô khi có nồng độ còn trong hơi thở hoặc trong máu là một tình tiết có thể làm tăng nặng mức hình phạt đối với người lái xe gây ra tai nạn.

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”/.