19/04/2024 lúc 15:40 (GMT+7)
Breaking News

Trách nhiệm của Grab ở đâu trong quá trình hợp tác với các đối tác vận tải?

VNHNO - Chiều 22/10, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi). Khi chủ tọa phiên tòa hỏi về quá trình hợp tác kinh doanh với các đối tác vận tải là hợp tác xã (HTX) thì đại diện Grab lại có những quan điểm mâu thuẫn với chính các đối tác này.

VNHNO - Chiều 22/10, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi). Khi chủ tọa phiên tòa hỏi về quá trình hợp tác kinh doanh với các đối tác vận tải là hợp tác xã (HTX) thì đại diện Grab lại có những quan điểm mâu thuẫn với chính các đối tác này.

Lời khai giữa đối tác vận tải với Grab mâu thuẫn nhau

Khi chủ tọa phiên tòa Lê Công Toại hỏi bị đơn (Grab) về quá trình hợp tác kinh doanh với các đối tác vận tải là hợp tác xã (HTX) thì đại diện Grab khẳng định trước tòa là HTX và lái xe mới là đối tượng kinh doanh vận tải, còn Grab cung cấp phần mềm, hỗ trợ kết nối, hỗ trợ HTX quản lý lái xe. HTX là đơn vị quyết định giá cước, Grab chỉ lập trình giá, không can thiệp vào giá. Grab chỉ thu hộ cho lái xe và HTX, sau đó Grab sẽ chuyển khoản cho HTX, cho lái xe. Thế nhưng, theo chủ tọa phiên tòa thì Grab chưa cung cấp được bằng chứng chuyển khoản cho HTX.

Còn khi làm việc với Tòa, các HTX cho hay là không quyết định giá, giá do Grab quyết định, HTX không hưởng lợi nhuận nào từ dịch vụ vận tải, không mua bảo hiểm cho lái xe, không có trách nhiệm gì với hành khách khi sử dụng dịch vụ Grab… HTX chỉ có trách nhiệm liên đới về việc cấp phù hiệu cho xã viên.

Phiên tòa chiều ngày 22/10 tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và GrabTaxi

Khi Tòa chất vấn: Grab có biết tỷ lệ số người đầu tư mua xe mới để chạy Grab và số người sử dụng xe nhàn rỗi để chạy Grab là bao nhiêu hay không? Theo CEO Grab là ông Jerry Lim đã trả lời nắm được số lượng. Trước đó, Grab luôn khẳng định đã giúp xã hội tận dụng tối đa lượng xe nhàn rỗi. 

Trước đó, khi tòa đặt câu hỏi: Chi phí kết nối có liên quan đến đoạn đường di chuyển hay không? Đại diện Grab cho hay, chi phí tùy thuộc vào nhiều biến số như về công nghệ và dữ liệu... Tuy nhiên, đều bị thẩm phán Lê Công Toại bác bỏ và yêu cầu bị đơn trả lời đúng vào nội dung câu hỏi. 

Vinasun có thiệt hại

Trong phần chất vấn bị đơn GrabTaxi, Tòa đã khẳng định thực tế Vinasun có thiệt hại. Tuy nhiên, việc giám định như thế nào thì rất khó. Tòa cho biết nguyên đơn và bị đơn đã đồng ý để Tòa chỉ định đơn vị giám định, nhưng khi có kết quả thì bị đơn Grab lại khiếu nại và nói rằng đơn vị giám định không có năng lực. Hội đồng xét xử lo ngại với lý do này, vụ án sẽ kéo dài.

Cuối buổi xét xử chiều cùng ngày, Grab đề nghị Tòa hủy kết quả giám định của Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long, yêu cầu cho giám định lại kèm theo điều kiện đơn vị giám định mới phải có tầm cỡ quốc tế.

Theo đó, Grab yêu cầu Tòa án giám định lại kết quả, hủy bỏ kết quả giám định của Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long vì cho rằng đơn vị này (do Tòa chỉ định và Grab cũng đã đồng ý ban đầu) không có năng lực giám định. Đồng thời, Grab cũng kèm theo yêu cầu với Tòa là đơn vị giám định mới phải có tầm cỡ quốc tế, chi phí giám định lại do Grab tạm ứng chứ không thanh toán.

Đáp lại lời yêu cầu, Tòa cho biết Chánh án Cấp cao đã từ chối giám định lại theo đơn khiếu nại của Grab trước phiên xét xử ngày 17/10/2018. Đồng thời cho biết, chỉ có Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao, hoặc Chánh án Tòa án tối cao mới có quyền quyết định cho giám định lại hay không.

Theo dự kiến, Tòa sẽ tiếp tục làm việc vào lúc 14h chiều ngày mai (23/10)./.