25/04/2024 lúc 21:42 (GMT+7)
Breaking News

TPHCM: Bỏ giấy đi đường, mở lại nhiều hoạt động từ ngày 1.10

Ngoại trừ quán bar, rạp chiếu phim, vũ trường,… có nguy cơ lây nhiễm phải tiếp tục tạm dừng hoạt động, TPHCM mở lại nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ ngày 1.10.

Ngoại trừ quán bar, rạp chiếu phim, vũ trường,… có nguy cơ lây nhiễm phải tiếp tục tạm dừng hoạt động, TPHCM đã mở lại nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ ngày 1.10.

TPHCM bỏ giấy đi đường, mở nhiều hoạt động từ ngày 1.10 – (Ảnh: Internet)

UBND TPHCM vừa ban hành Chỉ thị 18 về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo kế hoạch, từ ngày 1.10, nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ được hoạt động trở lại như: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; các cơ sở dịch vụ y tế; các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

TPHCM cũng mở lại các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ gồm: doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ, tổ hợp tác, hộ gia đình, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, người hành nghề thú y.

Cung cấp lương thực thực phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống; xăng, dầu, gas, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu; vật liệu; dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; dịch vụ quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

Dịch vụ công ích; dịch vụ bảo vệ; trạm thu phí sử dụng đường bộ; dịch vụ tư vấn xây dựng; dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ quan trắc và xử lý môi trường; dịch vụ giới thiệu việc làm; dịch vụ cưới - hỏi; dịch vụ rửa xe; dịch vụ tang lễ; dịch vụ tiện ích công như cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải,…

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoà Bình tại buổi họp báo – Nguồn: Internet

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang đi; đối với nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.

Cơ sở cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất. Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người. Đám tang, đám cưới tổ chức tối đa 20 người cùng một thời điểm.

Các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao vẫn tạm dừng hoạt động gồm: sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động (trừ các trường hợp được cho phép); quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; bán hàng rong, vé số dạo.

Cũng từ ngày 1.10, TPHCM bỏ giấy đi đường, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi thành phố.

TPHCM cũng tháo dỡ các chốt kiểm soát trong nội thành. Tuy nhiên, để kiểm soát đi lại, TPHCM duy trì 12 chốt chính và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh. Đồng thời, Công an TPHCM tăng cường kiểm soát đột xuất một cách ngẫu nhiên 24/24 để đảm bảo an toàn cho người dân./.